Hệ thống truyền tín hiệu hàng triệu cuộc gọi điện thoại di động bị tê liệt, kế tiếp là mạng điện thoại cố định và hệ thống Internet cũng ngừng hoạt động, sau đó đến lượt giao thông hàng không rối loạn và giao dịch thương mại bị ngưng trệ. Đó là hậu quả của một cuộc tấn công giả định từ tin tặc ở Mỹ.
Cuộc tấn công giả định cho thấy nước Mỹ còn rất bị động với làn sóng tội phạm không gian ảo. Đây cũng là thông điệp mà phái đoàn Mỹ muốn gửi đến cho 400 đại biểu từ khắp nơi trên thế giới tham dự Hội nghị thượng đỉnh An ninh mạng toàn cầu tại Dallas, Mỹ khai mạc ngày 4-5.
Viện Đông-Tây (EWI), cơ quan đứng ra tổ chức hội nghị trên cho rằng các cuộc tấn công của tin tặc với mức độ ngày càng nghiêm trọng và tần suất ngày càng cao chống lại các doanh nghiệp, chính phủ và nhiều cơ quan toàn cầu khác đặt ra mối đe dọa đến sự ổn định kinh tế và hòa bình trên thế giới. Nhiều quốc gia đã thiết lập được luật trên đất liền, biển, không phận và không gian nhưng chưa thể xác lập các nguyên tắc trên không gian ảo.
Nhận thức được tầm quan trọng của an ninh mạng, tham dự cuộc họp thượng đỉnh lần này có Tổng thống Mỹ Barack Obama, Cố vấn An ninh quốc gia James Jones và điều phối viên an ninh mạng tại Nhà Trắng, ông Howard Schmidt.
Tờ Dallas Morning News dẫn lời các chuyên gia trên thế giới với nhận định rằng cuộc chiến chống tin tặc, tội phạm Internet và các loại tội phạm kỹ thuật số khác cần được phối hợp chặt chẽ trên toàn cầu.
Theo ông Kamlesh Bajaj, Giám đốc Hội đồng An ninh dữ liệu Ấn Độ, cấu trúc Internet hiện nay đã tạo cho tin tặc quá nhiều đất dụng võ. Nhiều cuộc điều tra tội phạm tin học ngày càng trở nên đuối khi dấu vết tội phạm vượt biên giới quốc gia và người ta không tài nào tìm ra tông tích tin tặc. Ngoài ra, theo ông Bajaj, việc tiết lộ quá nhiều thông tin cá nhân trên mạng như Facebook cũng tạo điều kiện để tin tặc tấn công người sử dụng.
Mặc dù vậy, theo ông Schmidt, không nên trông đợi những người sử dụng Internet thông thường trở thành chiến sĩ trên mặt trận chống tin tặc. Công nghệ cần phải cải tiến sao cho người sử dụng khỏi phải thay đổi thường xuyên hàng chục mã khóa (password), ông nói. Hầu hết đại biểu có cùng chung nhận xét là bất chấp tiến bộ về công nghệ hay chính sách, cuộc chiến chống tội phạm không gian ảo sẽ còn kéo dài.
Theo một cuộc thăm dò do EWI tiến hành với các quan chức chính phủ và doanh nghiệp, hơn 80% số người được hỏi cho rằng mối đe dọa tấn công mạng đối với họ ở mức 6/10 với 10 điểm là mức nghiêm trọng nhất.
Theo Cục Điều tra Liên bang Mỹ, tội phạm tin học gây thiệt hại cho nước Mỹ gần 560 triệu USD trong năm 2009, gấp đôi con số năm 2008, phần lớn các vụ tấn công nhằm vào thẻ tín dụng, tài khoản ngân hàng… Đáng ngại nhất là các vụ tấn công vào mạng chính phủ trong đó có cả các cơ quan đầu não của nhiều nước như Mỹ, Hàn Quốc…
Có một thực tế rằng ngoài các cuộc tấn công của tin tặc, người ta lo ngại có cả cuộc chiến tranh trên mạng giữa các nước với nhau. Mỹ và Trung Quốc vừa qua cáo buộc lẫn nhau về vai trò của chính phủ trong các cuộc tấn công của tin tặc thông qua vụ hộp thư e-mail của Google bị tấn công. Một khi tin tặc được sử dụng trong các mục tiêu ở tầm quốc gia thì vấn đề an ninh mạng dường như đã trở nên phức tạp hơn và người ta đang bàn đến một kế hoạch đưa vấn đề an ninh mạng ra thảo luận tại LHQ.
KHÁNH MINH