Bị lừa đảo khi vay vốn

Bạn đọc Nguyễn Phú (ở xã Phước Thuận, huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) phản ánh: “Tôi được chính quyền xã Phước Thuận xác nhận hoàn cảnh gia đình khó khăn và được một cán bộ Lê Thị Hồng Nhung, phụ trách xóa đói giảm nghèo tại UBND xã Phước Thuận, hướng dẫn làm thủ tục vay vốn hỗ trợ sinh viên từ Ngân hàng Chính sách xã hội. Thời hạn vay là 3 năm. Thế nhưng sau khi được nhận tiền vay trong năm học 2007 - 2008, thì chị Nhung thông báo tôi không được ngân hàng tiếp tục cho vay vốn trong năm học 2009 - 2010 và yêu cầu tôi phải trả ngay khoản tiền đã vay trong 2 năm trước với lý do hồ sơ có trục trặc.

Theo quy định, người vay vốn phải trả nợ gốc và lãi tiền vay khi đã có việc làm, có thu nhập, nhưng không quá 12 tháng kể từ ngày kết thúc khóa học. Vậy mà khi tôi vẫn đang đi học, chưa có thu nhập, vẫn bị chị Nhung ráo riết đòi phải trả gốc và tiền lãi hàng tháng. Vì không muốn phiền phức, gia đình tôi phải đi vay lãi để trả nợ. Trong năm 2011 gia đình tôi nộp trực tiếp cho chị Nhung và có phiếu thu chi. Đến năm 2012 chị Nhung yêu cầu tôi chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng của chị cho tiện. Vì tin tưởng nên tôi đồng ý chuyển toàn bộ số tiền trả nợ vay vốn sinh viên còn lại theo số tài khoản chị cho trong suốt năm 2012.

Không ngờ đến nay ngân hàng vẫn gửi giấy báo yêu cầu gia đình tôi trả số tiền đã vay trong năm học 2008 - 2009. Tá hỏa khi nhận giấy báo đòi nợ, tôi đã lên ngân hàng kiểm tra lại thì chỉ thấy số tiền năm 2011 trả cho năm học 2007 - 2008 còn số tiền năm 2012 tôi trả vào tài khoản ngân hàng của chị Nhung thì không được xác nhận. Khi liên hệ về địa phương thì chị Nhung đã nghỉ việc ở xã và bỏ đi nơi khác. Hiện tại gia đình tôi phải tiếp tục xoay xở để trả món nợ này cho ngân hàng. Không chỉ tôi mà rất nhiều sinh viên trong xã tôi đã bị chị Nhung thúc giục, phải vay lãi để trả nợ trước thời hạn, và rồi gặp phải tình cảnh trớ trêu và khốn khổ này”.

Từ thông tin bạn đọc phản ánh, phóng viên Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Đấu, Chủ tịch UBND xã Phước Thuận, về việc này. Ông Đấu cho biết: “Lãnh đạo xã đã phát hiện những sai phạm của cô Lê Thị Hồng Nhung trong thời gian công tác tại xã, nên đã cho nghỉ việc từ năm 2011. Trước đó chúng tôi cũng đã yêu cầu cô Nhung phải khắc phục những sai phạm trong việc hỗ trợ cho sinh viên vay vốn và hỗ trợ cho bà con vay vốn xóa đói giảm nghèo. Thực tế một số bà con đã được hoàn trả tiền, tuy nhiên vẫn còn có trường hợp chưa được giải quyết. Những người bị thiệt hại về tài chính khi cô Nhung còn đảm nhiệm hãy trực tiếp gặp chính quyền địa phương, chúng tôi sẽ hỗ trợ và mời cô Nhung lên làm việc”.

Qua vụ việc này, mong các cấp chính quyền phường, xã, nơi trực tiếp xác nhận và hướng dẫn người nghèo làm thủ tục vay vốn cần lưu ý quản lý chặt chẽ nhân sự, tránh để người dân nghèo phải gánh nợ vì những cán bộ thiếu lương tâm và trách nhiệm.

Tin cùng chuyên mục