Bí thư cấp quận huyện không là người địa phương

 Một cán bộ thuộc đoàn công tác của Ban Tổ chức Trung ương nhận xét, Thành ủy TPHCM đã triển khai có kết quả chủ trương bố trí bí thư cấp ủy không là người địa phương.
Đồng chí Trần Văn Thuận nhận quyết định giữ chức Bí thư Quận ủy quận 2, là bí thư không là người địa phương. Ảnh: VIỆT DŨNG
Đồng chí Trần Văn Thuận nhận quyết định giữ chức Bí thư Quận ủy quận 2, là bí thư không là người địa phương. Ảnh: VIỆT DŨNG

Nghị quyết 26-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XII) yêu cầu đẩy mạnh bố trí bí thư cấp ủy cấp tỉnh, cấp huyện không là người địa phương. Đến năm 2025 phải cơ bản bố trí bí thư cấp ủy cấp tỉnh không là người địa phương và hoàn thành ở cấp huyện; đồng thời khuyến khích thực hiện đối với các chức danh khác. TPHCM được dự báo sẽ sớm hoàn thành yêu cầu trên.

“Về đích” trước thời hạn

Theo Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM, thời gian qua, TPHCM quan tâm chỉ đạo kiện toàn cấp ủy các đơn vị trực thuộc. Trong quá trình xem xét, bố trí nhân sự đã quan tâm thực hiện chủ trương bố trí một số chức danh lãnh đạo quận, huyện không là người địa phương. Đến nay, TPHCM đã bố trí 17/24 bí thư quận ủy, huyện ủy; 14/24 chủ tịch UBND quận, huyện không là người địa phương.

Ban Tổ chức Thành ủy giải thích thêm, theo Quy định 98-QĐ/TW (năm 2017) của Bộ Chính trị về luân chuyển cán bộ, “người địa phương” được hiểu là người đã học tập, công tác từ 20 năm trở lên ở địa phương đó. Đối chiếu với quy định này, nhiều bí thư quận ủy, huyện ủy, dù có quê quán ở nhiều tỉnh, thành khác trên cả nước vẫn coi là người địa phương. Ví dụ, một số quận ủy, huyện ủy có bí thư nằm trong nhóm “người địa phương” như quận Phú Nhuận, đồng chí Trịnh Xuân Thiều, Bí thư Quận ủy, quê quán ở huyện Châu Thành, tỉnh Long An. Tuy nhiên, từ năm 1989, đồng chí Trịnh Xuân Thiều đã bắt đầu làm việc tại quận Phú Nhuận và gắn bó xuyên suốt tại quận này từ đó đến nay. Tương tự, Bí thư Quận ủy quận 9 Đặng Thị Hồng Liên đã gắn bó công việc tại huyện Thủ Đức (cũ, sau này tách ra thành các quận 2, 9 và Thủ Đức) và quận 9 liên tục từ năm 1989 đến nay.

Cùng với quận 9, Phú Nhuận, hiện nay người đứng đầu cấp ủy các quận 6, 11, Bình Thạnh, Tân Bình và huyện Củ Chi cũng thuộc nhóm “người địa phương”. Tuy nhiên, trong một buổi làm việc mới đây với Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM về công tác tổ chức xây dựng Đảng và công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025, một cán bộ thuộc đoàn công tác của Ban Tổ chức Trung ương nhận xét, Thành ủy TPHCM đã triển khai có kết quả chủ trương bố trí bí thư cấp ủy không là người địa phương. Do đó, TPHCM có nhiều khả năng sẽ hoàn thành sớm yêu cầu của Nghị quyết 26-NQ/TW.

Cách đào tạo, bồi dưỡng cán bộ hiệu quả

Th.S Vũ Trung Kiên, Học viện Chính trị khu vực II, bày tỏ đồng tình trước chủ trương bố trí một số chức danh cán bộ lãnh đạo chủ chốt không là người địa phương. Bởi lẽ, thực tế có những người đứng đầu các cơ quan quyền lực ở một nơi quá lâu đã dẫn đến tình trạng chuyên quyền, độc đoán, mất dân chủ, kéo bè kết cánh thành “lợi ích nhóm”… Do đó, việc bố trí người đứng đầu cấp ủy cấp tỉnh, cấp huyện không phải là người địa phương là một trong những biện pháp ngăn ngừa những tiêu cực trên, nhất là tình trạng “cả họ làm quan” đã xảy ra ở một số địa phương.

“Cán bộ sinh ra, lớn lên hoặc trưởng thành qua công tác địa phương, của ngành đương nhiên sẽ hiểu rõ tình hình của địa phương, ngành đó. Song, mặt trái là dễ dàng sinh tính cục bộ, làm chi phối việc đề bạt, bố trí cán bộ. Việc đưa cán bộ, nhất là người đứng đầu nơi khác đến sẽ tạo sự khách quan hơn, giúp giảm thiểu tình trạng thiên vị, chạy chức chạy quyền”, Th.S Vũ Trung Kiên phân tích.

Ngoài ra, chủ trương người đứng đầu không ở địa phương còn tạo ra môi trường thử thách, để cán bộ này nỗ lực hơn trong tìm hiểu, nghiên cứu tình hình địa phương, làm quen với cán bộ dưới quyền; gặp gỡ, thiết lập và khẳng định uy tín trong cộng đồng… Đây chính là cách đào tạo, bồi dưỡng cán bộ hiệu quả. Tuy nhiên, Th.S Vũ Trung Kiên lưu ý, việc bố trí người đứng đầu không phải là người địa phương cũng có thể khiến người đứng đầu bị cô lập. Bí thư, người đứng đầu từ nơi khác đến cũng phải mất nhiều thời gian để tạo nhóm làm việc hợp ý và hiệu quả. Cùng đó, bản thân người đứng đầu có thể suy nghĩ, việc giữ chức vụ này mang tính chất tạm thời, rồi sẽ được điều chuyển sang cơ quan khác nên sẽ không toàn tâm toàn ý gánh vác và hoàn thành nhiệm vụ được giao. Các khả năng này hoàn toàn có thể xảy ra, nên bên cạnh thực hiện chủ trương đã nêu cần thực hiện nghiêm các nguyên tắc tổ chức, hoạt động của Đảng, giữ nghiêm kỷ luật Đảng và xử lý nghiêm minh đối với các sai phạm của cán bộ, đảng viên.

Chủ trương bố trí người đứng đầu cấp ủy cấp tỉnh, cấp huyện không phải là người địa phương đã được thực hiện từ khóa IX (nhiệm kỳ 2000-2005), bằng Nghị quyết 11-NQ/TW (năm 2002) về luân chuyển cán bộ. Năm 2012, Bộ Chính trị có Kết luận 24-KL/TW, yêu cầu đến năm 2015 có trên 25% cấp tỉnh và trên 50% cấp huyện có một số chức danh cán bộ lãnh đạo chủ chốt không là người địa phương.

Tuy nhiên, kết quả thực hiện trong nhiệm kỳ 2010-2015 chỉ đạt hơn 22% đối với cấp tỉnh (14 người) và hơn 38% đối với cấp huyện. Trong nhiệm kỳ 2015-2020, đến nay bí thư cấp tỉnh có gần 32% (20 đồng chí), chủ tịch UBND chiếm gần 29% (18 đồng chí), bí thư cấp huyện gần 45%. Điều này cho thấy, chủ trương luân chuyển kết hợp với bố trí một số chức danh lãnh đạo không là người địa phương, trong đó có bí thư cấp ủy các cấp chưa đạt yêu cầu đề ra. 

Tin cùng chuyên mục