Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên: Đặt vào vị trí người dân bị giải tỏa để cảm nhận rõ khó khăn của dân

“Chúng ta nên đặt mình ở vị trí người dân rơi vào tình huống bị giải tỏa để cảm nhận rõ những khó khăn, vướng mắc mà người dân gặp phải. Có như thế, chúng ta mới tập trung, có chính sách chăm lo, giải quyết tốt quyền lợi chính đáng của người dân”, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh.

Sáng 8-5, đoàn công tác TPHCM do đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM dẫn đầu làm việc với Huyện ủy huyện Nhà Bè. Cùng dự có đồng chí Dương Anh Đức, Thành ủy viên, Phó Chủ tịch UBND TPHCM và lãnh đạo các sở, ngành.

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên: Đặt vào vị trí người dân bị giải tỏa để cảm nhận rõ khó khăn của dân ảnh 1 Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: VIỆT DŨNG
Đặt mình vào vị trí bị giải tỏa để có chính sách chăm lo cho người dân

Chăm chú theo dõi, đặt câu hỏi đối với các đại biểu, nhất là đại biểu của huyện Nhà Bè, đồng chí Nguyễn Văn Nên phát biểu đánh giá cao sự nắm bắt vấn đề chắc chắn, làm tới đâu báo cáo tới đó của các cán bộ lãnh đạo huyện Nhà Bè. Điều này thể hiện rõ sự “đúng vai” rất đáng quý. Bởi vì, mỗi người làm đúng, làm tốt việc của mình chính là góp phần lớn cho TPHCM phát triển.

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên: Đặt vào vị trí người dân bị giải tỏa để cảm nhận rõ khó khăn của dân ảnh 2 Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: VIỆT DŨNG
Bí thư Thành ủy TPHCM hoan nghênh, đánh giá cao huyện Nhà Bè triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện, Nghị quyết Đại hội XI của Đảng bộ TPHCM và Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng bằng những chương trình hành động, kế hoạch cụ thể, với thời gian và có phân công rõ ràng người thực hiện.

Về những nội dung Nhà Bè kiến nghị có liên quan đến các nhóm công trình hạ tầng, Bí thư Thành ủy TPHCM tính toán, cho rằng tổng vốn đầu tư các dự án này trên 3.000 tỷ đồng. Trong khi đó, nguồn vốn trung hạn mà Trung ương phân cho TPHCM chưa đáp ứng được 50% nhu cầu của TPHCM. Vì vậy, huyện cần nghiên cứu cơ chế huy động thêm các nguồn vốn khác ngoài ngân sách, đồng thời có sự phân kỳ đầu tư cho hiệu quả.

Đồng chí Nguyễn Văn Nên phân tích, khi thực hiện dự án sẽ không tránh khỏi việc giải tỏa, đền bù, tái định cư. Điểm qua một số dự án như Khu đô thị cảng Hiệp Phước, đoàn công tác vừa khảo sát hay dự án cầu Long Kiểng vẫn còn nhiều hộ dân chưa đồng ý bàn giao mặt bằng, đồng chí Nguyễn Văn Nên nhận định, vấn đề chính là chính sách bồi thường, bố trí tái định cư.

“Chúng ta nên đặt mình ở vị trí người dân rơi vào tình huống bị giải tỏa để cảm nhận rõ những khó khăn, vướng mắc mà người dân gặp phải. Có như thế, chúng ta mới tập trung, có chính sách chăm lo, giải quyết tốt quyền lợi chính đáng của người dân”, đồng chí Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh.

Tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Văn Nên cũng đặt nhiều câu hỏi với người làm công tác tổ chức, người đứng đầu cấp cơ sở để nắm rõ về công tác cán bộ, đánh giá, quản lý cán bộ. Chia sẻ thêm lời dạy của Bác Hồ về công tác xây dựng đảng, đồng chí nhấn mạnh, mọi việc đều bắt đầu từ cán bộ. Do đó, đồng chí yêu cầu chú trọng thêm công tác quản lý, đánh giá cán bộ, đặc biệt là chương trình hành động cá nhân. Đây có thể coi là cam kết chính trị, thể hiện lòng tự trọng tối thiểu của người cán bộ khi được người dân kỳ vọng. Chi bộ, cấp trên sẽ căn cứ vào chương trình hành động này để đánh giá, đưa vào quy hoạch, phát triển cán bộ. Theo đồng chí, trong xã hội mỗi người đều làm như vậy thì xã hội sẽ tốt lên.

Trăn trở trước thực tế một số đảng viên xin xóa tên, xin ra khỏi Đảng, đồng chí Bí thư Thành ủy TPHCM cho rằng, khi người đảng viên trình bày hoàn cảnh khó khăn đến mức muốn xin ra khỏi Đảng, thì tổ chức đảng phải tạo mọi điều kiện để họ vừa giữ được vai trò đảng viên, vừa lo được cho cuộc sống.

Đồng chí chỉ đạo trong thời gian tới huyện tập trung thực hiện tốt công tác bầu cử trong điều kiện dịch Covid-19. Đồng chí cũng gửi gắm huyện Nhà Bè tích cực xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh, để tư tưởng, đạo đức và phong cách của Người lan tỏa, trở thành nét đẹp trong đời sống xã hội.

Khai thác nguồn lực đất đai, đẩy nhanh dự án trọng điểm

Trước đó, báo cáo với đoàn, Bí thư Huyện ủy huyện Nhà Bè Dương Thế Trung cho biết, ngay sau Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện khóa XII, nhiệm kỳ 2020-2025, huyện tập trung thực hiện các nhiệm vụ chính trị, triển khai đưa nghị quyết đại hội đi vào cuộc sống. Huyện đã ban hành 3 chương trình trọng điểm giai đoạn 2020-2025, trong đó có chương trình phát triển đô thị trên địa bàn huyện Nhà Bè giai đoạn 2020-2025 và những năm tiếp theo.

Theo Bí thư Huyện ủy Dương Thế Trung, để thực hiện đạt hiệu quả cần có sự tập trung nguồn lực từ TPHCM như vốn đầu tư, cơ chế để khai thác các nguồn lực đất đai, thúc đẩy nhanh các dự án trọng điểm, nhất là Khu đô thị cảng Hiệp Phước, Khu đô thị mới Nhơn Đức - Phước Kiển nhằm tạo động lực phát triển có sức lan tỏa mạnh.

Bí thư Huyện ủy huyện Nhà Bè cũng nêu những khó khăn, vướng mắc mà địa phương gặp phải, như hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội chưa đáp ứng tốc độ phát triển; một số đồ án quy hoạch không còn phù hợp với thực tế, thời gian thực hiện kéo dài gây bức xúc trong nhân dân…

Từ đó, huyện Nhà Bè nêu 3 nhóm kiến nghị cụ thể. Ở nhóm các công trình hạ tầng kỹ thuật, theo đồng chí Dương Thế Trung, để đảm bảo cho quá trình phát triển, huyện cần đầu tư phát triển hệ thống giao thông đường bộ, nhất là trục giao thông theo hướng Đông - Tây và một công viên tập trung để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa tinh thần, rèn luyện sức khỏe cho người dân. Vì vậy, huyện kiến nghị TPHCM ghi vốn cho chủ trương đầu tư các dự án nêu trên, dự kiến 2.744 tỷ đồng. Các dự án huyện kiến nghị ưu tiên là dự án đường Kho B nối dài, đường Kho C nối dài, đường Phạm Hùng nối dài, dự án công viên tập trung 5ha ở xã Phú Xuân, dự án đường 15B. “Đây là công trình huyết mạch, hình thành các trục giao thông huyết mạch kết nối đến quận 7, huyện Bình Chánh… tạo điều kiện cho địa phương phát triển”, Chủ tịch UBND huyện Nhà Bè Triệu Đỗ Hồng Phước bổ sung.

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên: Đặt vào vị trí người dân bị giải tỏa để cảm nhận rõ khó khăn của dân ảnh 3 Chủ tịch UBND huyện Nhà Bè Triệu Đỗ Hồng Phước phát biểu. Ảnh: VIỆT DŨNG
Huyện cũng kiến nghị TPHCM ghi vốn đầu tư với nhóm dự án công trình thuộc lĩnh vực giáo dục và đào tạo với tổng mức đầu tư 579 tỷ đồng. Đồng thời ghi vốn đầu tư cho 6 dự án đầu tư công trình kè chống sạt lở, với tổng mức đầu tư 465 tỷ đồng.

Tại buổi làm việc, Giám đốc Sở TN-MT TPHCM Nguyễn Toàn Thắng cho biết thêm, Sở đã tham mưu UBND TPHCM báo cáo Bộ Quốc phòng đồng ý thu hồi 2 giấy phép sử dụng đất vào mục đích quốc phòng ở xã Phú Xuân. Đồng thời, Sở TN-MT TPHCM cũng đề xuất giải quyết các thủ tục liên quan, đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của người dân.

Về đề xuất của huyện trong đầu tư các dự án giao thông, Phó Giám đốc Sở GTVT Bùi Hoà An chia sẻ 4 dự án theo đề xuất của huyện đều nằm trong danh mục phát triển kết cấu hạ tầng giao thông theo đề án đã được UBND TPHCM phê duyệt và nằm trong danh sách thứ tự ưu tiên đầu tư trong giai đoạn 2021-2025. Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện tùy thuộc vào khả năng cân đối vốn đầu tư của TPHCM. Trước khả năng cân đối vốn hạn chế, huyện cần cân nhắc, lựa chọn về thứ tự “ưu tiên trong ưu tiên” để đảm bảo tính khả thi. Đồng thời, Phó Giám đốc Sở GTVT TPHCM cũng đề nghị, huyện có phương án kêu gọi các doanh nghiệp hưởng ứng bằng cách góp vốn hoặc góp đất, để các dự án sớm có thể triển khai đầu tư.

Theo Phó Giám đốc Sở KH-ĐT Nguyễn Trung Anh, cầu Long Kiểng dự án chuyển tiếp, đã được bố trí vốn. Song quá trình triển khai, tổng mức đầu tư dự án được điều chỉnh từ 557 tỷ đồng lên 728 tỷ đồng, dẫn đến tiến độ dự án kéo dài sang năm 2022. Trong khi theo kế hoạch trong giai đoạn 2021-2025 Thủ tướng mới thông báo, TPHCM được bố trí 142.000 tỷ đồng. Nguồn này chỉ đủ chi cho các dự án chuyển tiếp từ giai đoạn trước và bổ sung cho 2 dự án mới, đối ứng cho ngân sách Trung ương. Đó là dự án nút giao An Phú và dự án Tham Lương - Bến Cát - Rạch Nước Lên.

Sở KH-ĐT đang phối hợp với Sở Tài chính cân đối thêm nguồn (thu phí hạ tầng cảng biển, đấu giá đất và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước), ước tính tăng thêm 119.000 tỷ đồng, trong 5 năm. Nếu phương án này được Thủ tướng Chính phủ thông qua, TPHCM mới có cơ sở xem xét đầu tư các dự án mới trên địa bàn.

Tin cùng chuyên mục