Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên: Xem xét, chọn lựa những giải pháp tốt nhất cho thành phố và người dân, doanh nghiệp

Đồng chí Nguyễn Văn Nên, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM đã chỉ đạo như trên tại đầu cầu Thành ủy TPHCM, trong cuộc họp trực tuyến của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 thành phố vào sáng 14-6. 

Tham dự trực tuyến tại đầu cầu Thành ủy TPHCM, còn có đồng chí Phan Văn Mãi, Uỷ viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM.

Phát biểu tại cuộc họp, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên, cho biết: TPHCM sau hai tuần thực hiện biện pháp nâng cao phòng chống dịch, thành phố đã đạt được những kết quả quan trọng, nhưng chưa đạt yêu cầu như mong muốn. Đó là thành phố đã truy vết thần tốc, ngăn chặn có hiệu quả chuỗi lây nhiễm dịch từ nhóm truyền giáo Phục Hưng ra 21 quận huyện và TP Thủ Đức. "Đây là mục tiêu được TPHCM đặt ra từ đầu" - đồng chí Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh.

 Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên: Xem xét, chọn lựa những giải pháp tốt nhất cho thành phố và người dân, doanh nghiệp ảnh 1 Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: VIỆT DŨNG

Cái được thứ 2, đó là sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị thành phố, nhất là các lực lượng tuyến đầu khi thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp phòng chống dịch dù trong lực lượng tuyến đầu đã có cán bộ công an bị lây nhiễm Covid-19. Bí thư Thành ủy TPHCM bày tỏ sự trân trọng tới sự ủng hộ, tham gia, chia sẻ , hỗ trợ nhiều mặt của người dân, cộng đồng doanh nghiệp thành phố, của cả nước và bạn bè quốc tế đã có nhiều hành động ý nghĩa và thiết thực ủng hộ thành phố chống dịch. Bên cạnh đó là những bài viết động viên lực lượng tuyến đầu hết sức sâu sắc, thể hiện nhiều nghĩa cử cao đẹp, việc làm tử tế rất khí khái - đặc trưng của người dân TP mang tên Bác. 
 Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên: Xem xét, chọn lựa những giải pháp tốt nhất cho thành phố và người dân, doanh nghiệp ảnh 2 Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên và Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ  Phan Văn Mãi tại cuộc họp. Ảnh: VIỆT DŨNG

Bí thư Thành ủy bày tỏ lòng biết ơn của Đảng bộ, chính quyền thành phố khi nhận được sự tiếp sức kịp thời trong lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát trực tiếp của Chính phủ, của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 và sự “chia lửa” của các tỉnh thành… "Lãnh đạo TPHCM xin trân trọng cám ơn Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Thường trực Ban bí thư, Chính phủ, Quốc hội, cảm ơn các tỉnh thành và mọi người dân cũng như cộng đồng doanh nghiệp đã ủng hộ, hỗ trợ thành phố trong những lúc cam go nhất của cuộc chiến với giặc Covid-19" - đồng chí Nguyễn Văn Nên chia sẻ.

Cạnh đó, đồng chí Nguyễn Văn Nên cũng chỉ rõ, qua báo cáo và sự thảo luận của sở ngành cho thấy, dù thành phố đã dùng hết sức thực hiện tất cả các biện pháp, tập trung mọi nguồn lực với quyết tâm cao nhất, nhưng đến nay vẫn còn nhiều điều đáng lo.

Đáng lo, đáng chú ý trước hết đó là số người thuộc diện F1, F2 phải cách ly ngày càng lớn, trong khi bên ngoài vẫn còn chưa biết bao nhiêu trường hợp mang bệnh, có thể lây nhiễm cho người khỏe mạnh. Trong khi người và phương tiện cấp cứu của thành phố có hạn, số bệnh viện đã sử dụng gần hết công suất của mình; Còn nhiều đoạn lây nhiễm trong chuỗi lây nhiễm cộng đồng chưa xác định được. Một số chuỗi mới phát hiện chưa truy vết hết, nhiều trường hợp chưa bộc phát, âm thầm lây truyền bệnh, rất khó đoán định, mà thực tế các khâu tầm soát của thành phố không thể bao quát và không thể phát hiện ở giai đoạn ủ bệnh, nổi lên một số trường hợp lây nhiễm mạnh trong công đồng. "Đó là do chủ quan, lơ là, mất cảnh giác gây ra" - đồng chí Bí thư Thành uỷ nhắc nhở rồi dẫn chứng: "Cụ thể như một người bán nước giải khát đã lây ra rất nhiều người, hay từ một nhân viên hành chính từ một bệnh viện tuyến cuối đã gây nguy hiểm cho một thành trì, một đơn vị có chức năng, có thành tích tiêu biểu trong tuyến đầu điều trị bệnh Covid-19 của thành phố. Hoặc một cuộc vui, tổ chức nhậu trái quy định đã gây hậu quả cho nhiều gia đình… và nhiều chuyện khác không thể kể hết".

Từ phân tích trên, người đứng đầu Thành ủy TPHCM cho rằng, tình hình trên đặt ra cho thành phố thử thách rất lớn phải có biện pháp nào kiểm soát được dịch bệnh, đồng thời phải phục hồi dần sản xuất để nhà máy, công xưởng hoạt động trở lại theo tinh thần chống dịch trong tình hình mới như mục tiêu kép đã được thành phố đề ra. Chính vì vậy, đồng chí Nguyễn Văn Nên mong muốn Phó thủ tướng thường trực cân nhắc, chỉ đạo và đồng chí trưởng ban phòng chống dịch thành phố xem xét, chọn lựa những giải pháp tốt nhất cho thành phố và người dân, doanh nghiệp.  Bí thư Thành ủy TPHCM cũng nêu quan điểm, thành phố cần tiếp tục kéo dài thời gian giãn cách cho  tương ứng một chu kỳ lây nhiễm của chủng biến thể mới hiện nay.

Theo đồng chí Nguyễn Văn Nên, việc áp dụng giãn cách sẽ tạo điều kiện cho thành phố có đủ thời gian, điều kiện để an tâm quyết định những vấn đề quan trọng khác. Đồng chí cũng lưu ý, đối với những nơi có nguy cơ cao, dự liệu những tiềm ẩn khó đoán định, không thể kiểm soát được thì có thể áp dụng một số biện pháp phòng chống dịch cao hơn. Những nơi đảm bảo kiểm soát an toàn được, chủ động các biện pháp phòng ngừa căn bản có thể áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 19.

“Như thế tình huống đặt ra, trên địa bàn TPHCM, thành phố có thể áp dụng nhiều biện pháp linh hoạt, nhưng phải có sự phối hợp chặt chẽ, có kế hoạch cụ thể nhịp nhàng để mọi kế hoạch hành động đều phải được chủ động. Hạn chế tối đa thiệt hại khi không cần thiết” - Đồng chí Nguyễn Văn Nên chỉ đạo.

Trước đó, tại cuộc họp, đồng chí Phan Văn Mãi, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM đã nhắc lại một số nội dung trọng tâm trong Kết luận số 07-KL/TW của Bộ Chính trị ngày 11-6 về một số nhiệm vụ trọng tâm tăng cường công tác phòng, chống dịch Covid-19 và phát triển kinh tế - xã hội.

 Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên: Xem xét, chọn lựa những giải pháp tốt nhất cho thành phố và người dân, doanh nghiệp ảnh 3 Phó Bí thư Thường trực Thành ủy  Phan Văn Mãi phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: VIỆT DŨNG
Cụ thể Bộ Chính trị yêu cầu các tỉnh, thành tập trung chỉ đạo, tháo gỡ những vướng mắc về mặt pháp lý huy động mọi nguồn lực, khuyến khích xã hội hoá, phát triển “Quỹ vaccine” phòng, chống Covid-19, xem xét cho phép tổ chức, cá nhân đủ điều kiện theo quy định của Nhà nước tham gia vào lĩnh vực mua, cung cấp vaccine ngừa Covid-19 để đẩy nhanh việc mua và tổ chức tốt việc tiêm vaccine cho người dân. Trong đó, tập trung cho các đối tượng ở tuyến đầu phòng chống dịch, vùng có nguy cơ cao, người lao động trực tiếp sản xuất ở các khu công nghiệp – khu chế xuất, nghiên cứu, xem xét việc tiêm vaccine cho trẻ em. Sớm xây dựng, công khai chương trình, kế hoạch tiêm vaccine cho người dân nhằm đạt miễn dịch cộng đồng với lộ trình cụ thể.

Tiếp tục xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ, thúc đẩy hoạt động nghiên cứu, phát triển vaccine trong nước; Đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong phòng chống dịch, tiếp cận bình đẳng trong cung cấp vaccine, nhất là với đối tác, bạn bè truyền thống có tiềm lực về nghiên cứu ứng dụng y khoa trong lĩnh vực sản xuất, cung cấp vaccine.

Bên cạnh đó, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành thực hiện các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm triệt để tiết kiệm ngân sách, nhất là chi thường xuyên để bảo đảm đầy đủ nguồn lực cho phòng chống dịch. Ban cán sự đảng Chính phủ phối hợp chặt chẽ với Đảng đoàn Quốc hội tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thể chế, cơ chế, chính sách để hỗ trợ, duy trì, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, không để gián đoạn sản xuất.

Nghiên cứu cho thí điểm sử dụng hộ chiếu vaccine với khách quốc tế đến một số trung tâm du lịch có thể kiểm soát được dịch bệnh. Đẩy mạnh các giải pháp tiêu thụ nông sản đang vào mùa thu hoạch tại các địa phương, nhất là các địa phương có dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.

Chỉ đạo kiểm soát dịch bệnh trong chăn nuôi, phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý kịp thời các hiện tượng đầu cơ, tăng giá bất thường. Khẩn trương có kế hoạch dạy, học và thi phù hợp cho từng cấp học tại từng địa phương; tiếp tục phát huy các cơ chế, chính sách, các giải pháp, các việc làm tình nghĩa để hỗ trợ có hiệu quả, thiết thực hơn đối với công nhân, người lao động, người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Tin cùng chuyên mục