Bệnh tiểu đường diễn biến thầm lặng, nhiều khi không có dấu hiệu rõ, điều đó đã khiến nhiều người bệnh đến khi phát hiện biến chứng thì mới biết mình mắc tiểu đường. Bệnh không nguy hiểm, nhưng những biến chứng của nó có thể ảnh hưởng đến tính mạng người bệnh. Vì vậy, phát hiện sớm biến chứng sẽ giúp người bệnh điều trị hiệu quả, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Mất cảm giác chi mới hay mình mắc bệnh
Nằm trên giường bệnh, với vẻ mặt chán chường một bác lớn tuổi tâm sự với người bạn cùng phòng: Giờ nếu ai có cấu, véo hay đánh vào chân tôi cũng chẳng còn cảm giác nữa. Chán quá, vậy là cái chân này coi như đã chết sao? Không liệt mà lại như liệt vậy? Nhìn vào chân thấy mình chảy máu, mà không thấy đau đớn gì, vào viện băng bó, khâu vết thương, xét nghiệm mới biết mình bị tiểu đường. Lúc trước, chỉ thấy mình bị tê bì chân tay, nhưng nghĩ lao động nhiều chứ nào ai nghĩ mắc bệnh. Mà đau hơn là đã biến chứng tê bì chi rồi…
Người cùng phòng với bác cũng buồn bã chẳng kém: Tôi thì phát hiện bệnh tiểu đường 3 năm nay rồi, mình không biết vẫn rượu bia đều, lúc phát hiện bệnh cũng là lúc mắc biến chứng hôn mê tăng đường huyết, phải cấp cứu. Đúng là mình cứ chủ quan, chẳng quan tâm đến sức khỏe, lúc phát hiện bệnh thì đã muộn…
Biến chứng thần kinh: Nhẹ thì gây tê bì
Đây là những trường hợp không hiếm đối với người mắc bệnh tiểu đường. Đó là dấu hiệu của biến chứng thần kinh, nhẹ thì gây tê bì châm chích, nặng hơn sẽ gây giảm, thậm chí mất cảm giác. Do đó khi tiếp xúc với nước nóng hoặc bị vật nhọn đâm vào, người bệnh không hay biết, ban đầu chỉ là vết thương nhỏ sẽ dần thành vết loét, thành ổ nhiễm trùng lớn. Nếu không điều trị tích cực, ổ nhiễm trùng sẽ bị hoại tử và người bệnh buộc phải cắt cụt chi. Mặt khác, bệnh đái tháo đường làm xơ vữa các động mạch lớn, trong đó có các động mạch ở chân. Việc này làm ảnh hưởng đến quá trình cung cấp máu và oxy nuôi dưỡng các mô chân. Khi nguồn máu nuôi bị giảm, chân dễ bị tổn thương hơn do giảm sức đề kháng đối với nhiễm trùng và chấn thương cũng như khi bị thương thì khó lành hơn.
Hôn mê tăng đường huyết cũng nguy hiểm không kém. Người bệnh không được phát hiện sớm, điều trị kịp thời, có thể dẫn đến tổn thương não vĩnh viễn, thậm chí tử vong. Vì vậy, khi có dấu hiệu hôn mê tăng đường huyết cần được bổ sung insulin và đưa ngay tới cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu.
Khám định kỳ - cách phát hiện sớm
Theo thống kê, có 5 - 7% bệnh nhân đái tháo đường bị biến chứng loét bàn chân và nguy cơ cắt cụt chân ở bệnh nhân đái tháo đường cao gấp 15 - 46 lần so với người không bị bệnh. Vì vậy, để phòng ngừa biến chứng sớm thì người bệnh nên thăm khám bàn chân ít nhất một lần trong năm, không được đi chân đất, không nên ngồi khoanh chân, vắt chéo khiến đầu gối co cứng, không dùng nước nóng lâu, mà nên dùng xà phòng để rửa chân hằng tối trước khi đi ngủ, kịp thời phát hiện những dấu hiệu nhỏ nhất của bàn chân để tham vấn bác sĩ điều trị kịp thời. Để phòng ngừa biến chứng hôn mê tăng đường huyết người bệnh cần dùng thuốc đúng liều, đúng giờ. Không nên vì quá nóng vội mà dùng thuốc quá liều hoặc tự ý đổi liều, sử dụng thuốc không theo chỉ dẫn hay ngưng điều trị đột ngột. Hạn chế tối đa việc sử dụng rượu bia, tăng lượng bữa ăn nhỏ có thể giúp kiểm soát lượng đường trong máu, thường xuyên tập thể dục và kiểm tra lượng đường trong máu của mình.
Điều đặc biệt người bệnh cần kiểm soát tốt đường huyết cũng như huyết áp của mình và nên làm xét nghiệm định kỳ chỉ số HbA1c.
HẢI NAM