Biển đảo Việt Nam - Căng tràn nhựa sống

Biển đảo Việt Nam - Căng tràn nhựa sống

“Chúng tôi cảm nhận được sức sống trên các đảo Trường Sa không chỉ qua ý chí mạnh mẽ của cán bộ, chiến sĩ đang công tác trên đảo mà còn từ những đàn gia cầm được tăng gia trên đảo, từ những mầm xanh của rau trong vườn, của hoa, của cây bàng vuông đương đầu với gió biển”, bà Đinh Kim Nguyệt (64 tuổi, Việt kiều Canada) chia sẻ.

1. Hôm chúng tôi đến đảo An Bang, biển đang nổi sóng to. Dù đã nghe nói thuyền sẽ rất khó vào đảo khi có sóng to gió lớn, nhưng những người lần đầu đến đây đã không khỏi bất ngờ với độ khó ấy. Hơn 20 chiến sĩ trên đảo cùng với thủy thủ tàu 960 rất vất vả mới đưa được chiếc xuồng chở hơn 10 người cập vào bờ. Thế nhưng, khi vào được bờ, dù người ướt sũng, ai cũng ngạc nhiên khi ập vào mắt là một màu xanh mướt của cây bàng vuông, những giàn hoa giấy đang khoe sắc, những tàu lá dừa đu đưa trong gió biển và trên hết là màu xanh mơn mởn của những vườn rau được trồng khắp đảo. Màu xanh tạo nên sức sống mãnh liệt cho đảo An Bang.

Chiến sĩ Đặng Ngọc Đức, đảo Tiên Nữ, chăm chút vườn rau tăng gia trên đảo.

Đảo trưởng Ngô Chí Trực đưa chúng tôi đi tham quan, giới thiệu về hoạt động chăn nuôi trên đảo. Từng đàn gà, vịt được các chiến sĩ chăm sóc từ khi mới nở. Những con heo không chỉ nuôi lấy thịt mà còn được lai tạo giống tại đảo. Trong chuồng, một heo mẹ vừa sinh được 8 con, cạnh bên là chuồng của 3 con heo đang bầu bì chờ ngày sinh nở. Đồng chí Đỗ Xuân Đoàn (ra đảo được 3 tháng) cười bảo: “Cây cối, gà, vịt còn sống được ở nơi này thì những người lính chúng tôi đâu ngại gì gian khó. Tiếng gà gáy vào mỗi buổi sáng bình minh giúp chúng tôi thấy đất liền đang ở rất gần”.

Trên các đảo đá chìm, dù diện tích đất rất nhỏ nhưng các chiến sĩ vẫn tận dụng để trồng cây, tạo mảng xanh cho đảo. Không có đất trồng cây, các chiến sĩ trên đảo Đá Đông A dùng nhà giàn ngày trước ở, nay đã bỏ đi để trồng rau, chăn nuôi gia cầm.

2. Đồng chí Mai Xuân Bảo (công tác trên đảo Thuyền Chài C) giới thiệu về 2 cây bàng vuông trên đảo. Anh nói, khi gió biển thổi hướng nào thì bên ấy của cây sẽ trụi lá, nhưng khi gió đổi sang hướng khác thì phần trụi lá của cây bàng lại mọc ra những mầm xanh. “Tôi và các anh em cứ nhìn cách cây bàng vuông này chống chọi với thời tiết khắc nghiệt mà làm bài học cho bản thân mình”, đồng chí Xuân Bảo tâm sự.

Giữa trùng khơi sóng biển, Nhà giàn DK1 trước mắt chúng tôi sừng sững hiên ngang. Để lên được Nhà giàn DK1 là cả một quá trình đầy khó khăn. Những cơn sóng cứ liên tiếp xô chiếc xuồng chòng chành qua lại. Với mỗi chúng ta, ai cũng hiểu, hơi ấm của đất đã tạo nên sự sống. Thế nhưng, giữa biển khơi, Nhà giàn DK1 chỉ là một khối sắt thép đồ sộ che chở cán bộ, chiến sĩ. Nơi này không có hơi ấm đất liền. Nhưng các chiến sĩ đã tạo ra hơi ấm, tạo ra sự sống bằng cách trồng các luống rau muống, rau dền, mồng tơi, càng cua trong các chậu xốp, thùng gỗ. Bên các hành lang, cạnh thanh sắt là các giàn hoa, chậu cây xanh sum suê lá. Đồng chí Nguyễn Xuân Hà, Chỉ huy trưởng Nhà giàn DK1/19, người đã công tác trên các nhà giàn 21 năm, chia sẻ: “Với chiến sĩ công tác trên nhà giàn, bão táp, mưa dông chúng tôi không ngại. Những lúc ấy, điều chúng tôi lo lắng nhất chính là che chắn an toàn cho các luống rau để giữ được màu xanh của sự sống”.

Đại úy Đoàn Văn Sinh, công tác trên đảo Đá Đông A khẳng định: “Sóng gió hay kẻ thù chỉ là những khó khăn trước mắt và không thể làm chúng tôi chùn bước. Những người lính công tác trên các đảo thuộc quần đảo Trường Sa đều hiểu rất rõ nhiệm vụ thiêng liêng của mình đối với quê hương. Bên cạnh tôi có đồng đội, có hậu phương luôn động viên, ủng hộ. Đó là động lực để chúng tôi vững vàng tay súng”.

THÁI PHƯƠNG

Tin cùng chuyên mục