Biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến sức khỏe người dân TPHCM

Trung tâm Bảo vệ sức khỏe lao động - môi trường, Sở Y tế TPHCM vừa cho biết, tình trạng biến đổi khí hậu đã và đang tác động nghiêm trọng đến sức khỏe người dân TPHCM.

Tình trạng gia tăng ô nhiễm không khí, ngập lụt liên tục trong thời gian qua đã làm số bệnh nhân mắc các bệnh hô hấp, tiêu chảy, sốt xuất huyết… không ngừng tăng nhanh. Nhiều chứng bệnh thường xuyên biến chứng thành dịch lan rộng khắp thành phố. Thế nhưng, những ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống từ biến đổi khí hậu chưa dừng lại.

Theo dự báo của các chuyên gia môi trường, nhiệt độ tăng 1°C, mực nước biển dâng 30cm vào năm 2050. Đến lúc đó, thành phố được cảnh báo là sẽ phải hứng chịu ảnh hưởng hỗn hợp các yếu tố tăng nhiệt độ, mực nước biển dâng dẫn đến nguy cơ ngập lụt và nhiễm mặn tăng lên. Kết hợp với yếu tố triều cường sẽ tạo ra những đỉnh lũ cao hơn.

Do vậy, để có thể giảm thiểu thiệt hại do biến đổi khí hậu gây ra cho người dân thành phố, theo Trung tâm Bảo vệ sức khỏe lao động - môi trường, cần thiết phải đầu tư phát triển hệ thống dự phòng và ứng phó sự cố trước thảm họa thiên tai. Ngoài ra, ngành y tế cần phải phối hợp với các ngành liên quan để nâng cao nhận thức về biến đổi khí hậu không chỉ cho người dân mà còn cho chính các nhà quản lý.

Việc nâng cao nhận thức này phải được cụ thể hóa bằng hành động như hạn chế tiêu thụ carbon, xây dựng ý thức tự phòng chống dịch bệnh và các chất ô nhiễm ảnh hưởng đến sức khỏe.

MINH LAN

Sản xuất phân compost từ rác khó tiêu thụ

Theo nghiên cứu mới công bố của Viện Môi trường và Tài nguyên, phương pháp chế biến phân compost từ rác đang gặp nhiều khó khăn. Khảo sát thực tế cho thấy, hầu hết các nhà máy ủ phân compost đang ít nhiều gây ra những tác động môi trường do trục trặc kỹ thuật. Hệ thống thổi khí tiêu tốn nhiều năng lượng nhưng thường xuyên bị tắc nghẽn ảnh hưởng đến quá trình phân hủy, phát sinh nhiều mùi hôi. Không dừng lại đó, phân compost chưa có thị trường tiêu thụ vì bản thân lượng hữu cơ từ rác thải chưa đáp ứng chất lượng phân hữu cơ. Do vậy, nhiều nhà máy sản xuất compost từ chất thải đều không hoạt động hiệu quả, phải gián đoạn, thậm chí là tạm dừng hay đóng cửa.

PHÚC ANH

Tăng cường các giải pháp tiết kiệm nước

Tại hội thảo “Tham vấn xây dựng và thúc đẩy áp dụng các tiêu chuẩn kỹ thuật thiết bị tiết kiệm nước tại Việt Nam”, do Trung tâm Tiết kiệm năng lượng TPHCM (ECC HCMC) phối hợp với Bộ Xây dựng và Hội đồng tiết kiệm nước châu Á (ASWC) tổ chức ngày 20-2, GS-TS Kyosuke Sakaue, Chủ tịch ASWC đã cho biết, hiện nay xấp xỉ 700 triệu người tại 43 quốc gia đang sống dưới sự căng thẳng về nước. Có khoảng 2,5 tỷ người (37%) đang sống trong điều kiện thiếu các phương tiện vệ sinh cơ bản. Nếu không có các phương cách để gia tăng nguồn cung nước hiện nay, nhân loại sẽ chẳng còn gì khác ngoài việc giảm hoặc kiểm soát lượng nước sử dụng bằng các nỗ lực hết sức mình. Theo nghiên cứu, trong khi nhu cầu nước dùng cho nông nghiệp có thể giảm xuống thì nhu cầu nước trong công nghiệp và sinh hoạt tăng lên và đặc biệt, nhu cầu cho sinh hoạt đang vượt trên cả nhu cầu trong công nghiệp. Từ đó, chúng ta nên dành ưu tiên cao nhất cho tiết kiệm nước trong sinh hoạt.

GS-TS Kyosuke Sakaue đề xuất một số giải pháp như trong trường hợp giặt giũ và rửa chén bát, lượng nước sử dụng được kiểm soát cơ học bằng máy.

MINH HẢI

Tin cùng chuyên mục