Biến đổi khí hậu gây thiệt hại kinh tế 1,5 % GDP

Ngày 8-12, Công ty TNHH Q.M.S  Việt Nam đã tổ chức  hội thảo "Từ nhận thức đến hành động để phát triển bền vững". Tham gia hội thảo có các chuyên gia trong lĩnh vực môi trường, chuyên gia tài chính và gần 100 doanh nghiệp.

Theo chia sẻ của các chuyên gia, Việt Nam là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu và các thảm họa liên quan. Đồng Bằng Sông Cửu Long là khu vực bị ảnh hưởng nặng nề và dễ bị thiệt hại nhất trước mực nước biển dâng. Trong 50 năm qua, nhiệt độ trung bình tại Việt Nam tăng khoảng 0,5oC và mực nước biển dâng lên khoảng 20cm. Các hiện tượng thời tiết cực đoan đã gia tăng về cả tần suất lẫn cường độ. Biến đổi khí hậu đã làm cho các hiểm họa, đặc biệt là bão, lũ lụt và hạn hán trở nên khốc liệt hơn. Ước tính, tổng thiệt hại kinh tế hằng năm khoảng 1,5% GDP.

20231208-090606-9514-7117.jpg
Chuyên gia chia sẻ thông tin tại hội thảo

Để thích ứng với biến đổi khí hậu, Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều kế hoạch hành động và các cam kết thực hiện. Trong đó, nổi bật là các cam kết đạt mục tiêu giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050; loại bỏ nhiệt điện than vào năm 2040; chấm dứt nạn phá rừng vào năm 2030. Mặt khác, Việt Nam cũng là một trong 12 quốc gia hoàn thành cập nhật mức đóng góp quốc gia tự quyết (NDC) cam kết về ứng phó với biến đổi khí hậu vào ngày 11-9-2020.

Để cùng chung tay thực hiện các cam kết về giảm phát thải, sự chủ động phát triển bền vững (ESG) của các doanh nghiệp được xem là yếu tố quan trọng. Ở chiều ngược lại, khi các doanh nghiệp thực hiện ESG, họ sẽ nhận lại những lợi ích. Cụ thể như tiếp cận được khách hàng quốc tế nơi thực thi ESG được yêu cầu; khả năng tiếp cận dòng vốn xanh; giảm chi phí , nâng cao hiệu quả kinh doanh...

Tin cùng chuyên mục