Biến đổi khí hậu ở TPHCM - Những thách thức mới

Tuần qua, UBND TPHCM và Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam đã tổ chức hội thảo “Quy hoạch xây dựng TPHCM với vấn đề biến đổi khí hậu (BĐKH) và phát triển kinh tế xã hội”. Buổi hội thảo đã mang đến một cái nhìn, một sự đánh giá khá chuẩn về nguy cơ của BĐKH đối với TPHCM trong hiện tại và tương lai.
Biến đổi khí hậu ở TPHCM - Những thách thức mới

Tuần qua, UBND TPHCM và Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam đã tổ chức hội thảo “Quy hoạch xây dựng TPHCM với vấn đề biến đổi khí hậu (BĐKH) và phát triển kinh tế xã hội”. Buổi hội thảo đã mang đến một cái nhìn, một sự đánh giá khá chuẩn về nguy cơ của BĐKH đối với TPHCM trong hiện tại và tương lai.

Hiện tại: Mối nguy từ quản lý kém

Mặc dù BĐKH đang ngày một hiển hiện rõ nét hơn tại TPHCM với những biểu hiện bất thường của thời tiết như mưa nhiều hơn và đỉnh triều luôn lập kỷ lục mới, song theo Tiến sĩ - kiến trúc sư Lưu Đức Cường, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và quy hoạch môi trường đô thị - nông thôn (Viện Kiến trúc Quy hoạch đô thị - nông thôn thuộc Bộ Xây dựng), tình trạng ngập lụt hiện nay tại TPHCM không phải do những tác động tiêu cực của BĐKH gây nên mà do quản lý đô thị kém.

Ông chứng minh: Có đến 75% điểm ngập tại TPHCM nằm ở khu vực có cao độ lớn hơn 2,5m và 70% các điểm ngập nước khi lượng mưa chỉ có 40mm, bất chấp đỉnh triều cao hay thấp. Điều này có nghĩa, phần lớn các điểm ngập hiện nay hình thành không vì lý do địa hình thấp hay mực nước của sông Sài Gòn lên cao. 

Quá trình đô thị hóa trong vòng 14 năm trở lại đây tại TPHCM đã làm biến mất 47 con kênh với tổng diện tích 16,4ha. Đặc biệt đã san lấp hồ Bình Tiên rộng 7,4ha - một trong những hồ chứa nước quan trọng nhất của thành phố. Chỉ trong vòng 8 năm từ 2002-2009, khả năng chứa nước của hệ thống hồ, ao, kênh, rạch và vùng ngập nước trong thành phố đã giảm gần 10 lần.

Không có mặt trong buổi hội thảo nhưng nhiều nghiên cứu về tình trạng ngập ở TPHCM của PGS-TS Hồ Long Phi, Giám đốc Trung tâm Nước và biến đổi khí hậu thuộc Đại học Quốc gia TPHCM, Phó Giám đốc Trung tâm điều hành chương trình chống ngập TPHCM, đã được nhắc đến.

Những nghiên cứu này cũng đưa ra kết quả tương tự nghiên cứu của TS Lưu Đức Cường: Những khu vực phát sinh thêm nhiều điểm ngập mới không do ở những khu vực thấp, ven biển mà ngược lại các quận 12, Gò Vấp… ở địa thế cao cũng bị ngập. Nghiên cứu của PGS-TS Hồ Long Phi còn cho thấy, những năm gần đây mực nước biển đo được ở Vũng Tàu chỉ dâng thêm vài milimét, nhưng sâu trong đất liền, nước sông dâng cao tới nhiều centimét. Rõ ràng đây là hậu quả của tình trạng nhiều kênh, rạch bị lấn chiếm, san lấp để xây dựng.

Thống kê cho thấy trong vòng 17 năm, từ 1989 đến 2006, diện tích bê tông hóa trên bề mặt thành phố đã tăng từ hơn 6.000ha lên 24.500ha. Việc chuyển đổi diện tích bề mặt tự nhiên vốn có khả năng thấm tới khoảng 50% lượng nước mưa thành bề mặt đô thị với tình trạng bê tông hóa cao chỉ có khả năng thấm khoảng 13% lượng nước mưa, tất yếu đã góp phần đáng kể làm gia tăng tình trạng ngập nước ở TPHCM,TS Lưu Đức Cường nhận định.

Phay ngăn triều đã góp phần chống ngập cho thành phố (ảnh chụp phay ngăn triều Bình Triệu). Ảnh: CAO THĂNG

Phay ngăn triều đã góp phần chống ngập cho thành phố (ảnh chụp phay ngăn triều Bình Triệu). Ảnh: CAO THĂNG

Tương lai: Có thể phòng tránh

Tuy nhiên, BĐKH là vấn đề không thể xem thường. Theo đánh giá của Ủy ban liên chính phủ về BĐKH và Tổ chức Hợp tác phát triển kinh tế, TPHCM nằm trong danh sách 10 thành phố bị đe dọa nhiều nhất bởi BĐKH. 

Như vậy, ở góc độ quy hoạch phát triển đô thị, ứng phó với BĐKH như thế nào? Theo PGS-TS Nguyễn Trọng Hòa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TPHCM, trước hết phải nghiên cứu và tích hợp đầy đủ các dự báo về BĐKH vào đồ án quy hoạch chung xây dựng TPHCM. Sau đồ án quy hoạch là quy định về quản lý thực hiện theo quy hoạch.

Ông Nguyễn Trọng Hòa nhận xét, từ trước đến nay chúng ta xây dựng được khá nhiều đồ án quy hoạch tốt nhưng chưa quan tâm đúng mức đến việc quản lý thực hiện triển khai quy hoạch nên kết quả thu được trên thực tế nhiều khi chưa như mong muốn. Ông cũng dự báo, trong dân sẽ có sự chuyển dịch nơi ở từ chỗ thấp đến chỗ cao khi BĐKH diễn ra khốc liệt hơn.

 Để thích ứng với BĐKH trong thực hiện quy hoạch xây dựng, TPHCM nên lưu ý một số giải pháp sau: Nâng cốt nền xây dựng cục bộ lên 10cm-20cm so với tiêu chuẩn cho phép. Khoanh vùng nhằm đánh giá chính xác vùng trũng - vùng rốn nước để tạo nên các hồ chứa nước vừa chống ngập vừa tạo cảnh quan môi trường. Nghiên cứu quy hoạch không gian xanh và mặt nước nhằm giúp giảm thiểu những tác động của BĐKH. Thực hiện các giải pháp xây dựng công trình chống ngập linh hoạt, thích hợp để ứng phó với BĐKH

GS-TS Lê Hồng KẾ, Viện Nghiên cứu môi trường và Quy hoạch Phát triển bền vững

Thạc sĩ - kiến trúc sư Trần Chí Dũng, Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc TPHCM, cho biết công tác thích ứng với BĐKH cũng đã được TPHCM quan tâm trong nhiều đồ án quy hoạch. Trong khu vực nội thành cũ, việc chỉnh trang đô thị được thực hiện song song với việc nạo vét kênh, rạch, di dời cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường ra ngoài, sử dụng hiệu quả quỹ đất.

Đối với các đô thị mới như đô thị cảng Hiệp Phước, đô thị Tây Bắc Củ Chi, đô thị mới Thủ Thiêm…. yêu cầu bảo tồn cảnh quan thiên nhiên, hạn chế san lấp sông kênh rạch… được đặt ra hàng đầu. Đa phần các đô thị này đều phải là các đô thị sinh thái, sử dụng đất và các tài nguyên thiên nhiên một cách hiệu quả, sử dụng năng lượng mới - năng lượng sạch để giảm phát thải, thích ứng với BĐKH.

TPHCM đã thành lập Ban chỉ đạo Thích ứng với BĐKH, việc nghiên cứu xây dựng trên vùng đất yếu đã được tính toán cẩn trọng hơn. Tiêu biểu là một đề án nghiên cứu “TPHCM tiến về phía biển, hình thành đô thị cảng Hiệp Phước” được Chính phủ Hà Lan trợ giúp đang triển khai thực hiện. Có thể nói, dù chưa nhiều nhưng TPHCM đang đi những bước đầu tiên khá vững chắc trong việc thích ứng với BĐKH.

Nguyễn Khoa

Tin cùng chuyên mục