Câu chuyện cá tra nguyên liệu hút hàng, giá tăng vọt đã làm “nóng” từ người nuôi đến nhà máy chế biến xuất khẩu từ tháng 10 đến cuối tháng 11-2016. Tuy nhiên, vùng nuôi cá tra được xem nằm ở “rốn nước ngọt” cũng không còn miễn nhiễm với biến đổi khí hậu (BĐKH). Toàn vùng nguyên liệu nông sản ĐBSCL đối diện với BĐKH ngày càng khốc liệt hơn. Các giải pháp để thích ứng đang được triển khai. Song câu chuyện chuyển giao khoa học kỹ thuật ngày càng cam go hơn.
Đe dọa toàn vùng
Cá tra là 1 trong 3 mặt hàng chủ lực quốc gia, chủ yếu nuôi ở ĐBSCL. Tổng diện tích năm 2014 - 2015 đạt 5.500 - 5.900ha, năm 2016 khoảng 2.700ha; sản lượng dao động 1.116.000 - 1.123.000 tấn; năng suất cá nuôi ao trung bình đạt 400 tấn/ha/vụ. Tuy nghề nuôi cá tra luôn có những cải tiến trong quản lý chất lượng nước và thức ăn để cải thiện năng suất, nhất là trong bối cảnh thời tiết thay đổi như hiện nay, nhưng các nhà khoa học của Trường ĐH Cần Thơ cảnh báo: Dù nghề nuôi chưa bị ảnh hưởng nhiều nhưng một số ao nuôi ven biển như Bến Tre, Trà Vinh đã bị nhiễm lợ, vì thế cần có biện pháp quản lý phù hợp.
Nuôi thủy sản nước ngọt ngày càng khó do biến đổi khí hậu
Giờ đây, không chỉ cây lúa, cây mía, cây ăn trái mà vùng nuôi thủy sản cũng đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng do BĐKH gây ra. Kết quả khảo sát của một nhóm nhà khoa học từ Khoa Thủy sản (Trường ĐH Cần Thơ) cho thấy: Mùa mưa mỗi năm đến trễ hơn, mưa ngày càng ít hơn; mùa nóng càng nóng hơn, độ mặn ngày càng cao ở vùng nuôi tôm ven biển. Mưa to, nhiệt độ cao, độ mặn tăng có ảnh hưởng lớn đến môi trường, sức khỏe và tăng trưởng của tôm nuôi ở vùng ven biển. Đáng lưu ý, rất nhiều nông hộ không biết về nguy cơ của BĐKH, xâm nhập mặn; ảnh hưởng của các vấn đề này cũng như biện pháp ứng phó. Điều này cho thấy công tác thông tin, tuyên truyền, cảnh báo, tập huấn cho người dân là rất cần thiết để chủ động ứng phó hiệu quả.
Với khoảng 1,7 triệu ha đất trồng lúa, trên 600.000ha nuôi thủy sản, 300.000ha cây ăn trái, 40.000ha mía... ĐBSCL là vùng nông sản chủ lực của cả nước. BĐKH giờ đã tấn công, gây thiệt hại rộng khắp các mặt hàng chủ lực này.
Tạo sinh kế ít rủi ro
Các nhà khoa học từ Viện Lúa ĐBSCL, Trường ĐH Cần Thơ thời gian qua đã nghiên cứu và trồng thử nghiệm nhiều giống lúa chịu mặn để nông dân trồng. Đây được xem là bước khởi đầu giúp nông dân trồng lúa từng bước thích ứng với BĐKH. Song nhiều nhà khoa học cho rằng: ĐBSCL cần phải nhanh chống đẩy mạnh nghiên cứu chọn lọc và sản xuất giống thủy sản nước ngọt có khả năng chịu mặn, chịu nhiệt độ cao để nuôi trong vùng nước lợ và vùng thời tiết khắc nghiệt. Quá trình này cần gắn chặt với phát triển hệ thống nuôi thủy sản mới, thích ứng với BĐKH, nhiệt độ và độ mặn tăng cao.
Đối với vùng nuôi tôm, để thích ứng với BĐKH, các nhà khoa học khuyến cáo: Tùy theo mô hình mà người nuôi chọn giải pháp kỹ thuật quan trọng để thích ứng với sự thay đổi của thời tiết và độ mặn. Như hạ mức nước ao sâu hơn; điều chỉnh lịch thả giống nuôi, ương giống lớn và thả vào thời điểm thích hợp; nuôi kết hợp đa loài; che ánh sáng cho ao thâm canh... Đặc biệt, hiện nay mô hình nuôi tôm chân trắng siêu thâm canh trong nhà kín, áp dụng công nghệ Bioflocs cho năng suất rất cao (20 - 40 tấn/ha hay 2 - 4kg/m3). Đây là mô hình rất triển vọng do giảm thiểu tác động của thời tiết, môi trường ngoài; an toàn sinh học; thân thiện môi trường...
Thực tiễn đã chỉ ra, trong quá trình phát triển nông nghiệp của ĐBSCL, nhiều giải pháp khoa học kỹ thuật đã được áp dụng vào sản xuất. Bên cạnh những giải pháp đạt hiệu quả cao, cũng không ít những giải pháp chết yểu khi đưa vào sản xuất mặc dù chi phí cho giải pháp không nhỏ. Cũng có những giải pháp chỉ đạt hiệu quả về sức sản xuất nhưng kém bền vững, không ổn định, hoặc tạo ra sản phẩm kém an toàn cho người tiêu dùng... Do đó, phải chọn lựa giải pháp thật kỹ lưỡng trước khi đưa vào sản xuất. “Nông dân ĐBSCL rất nhạy bén và tích cực tiếp nhận khoa học kỹ thuật mới; nhưng nếu vượt quá nguồn lực của họ sẽ làm cho họ do dự trong áp dụng”. GS-TS Nguyễn Bảo Vệ, giảng viên cao cấp Trường ĐH Cần Thơ, nhận định.
Có thể nói, các nhà khoa học, lãnh đạo các địa phương “đang chạy nước rút” để sớm tìm ra giống cây, con để tạo ra sinh kế ít rủi ro nhất trong bối cảnh BĐKH ngày càng khốc liệt.
Ngày 25-11, tại TPHCM đã diễn ra hội thảo khoa học “Giải pháp ứng phó biến đổi khí hậu (BĐKH) đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL)”, do Văn phòng Chương trình Tây Nam bộ, Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật TPHCM và Viện Khoa học - công nghệ Phương Nam phối hợp tổ chức. Tại hội thảo, các nhà khoa học và quản lý đã tham gia nhiều tham luận, ý kiến chung quanh các vấn đề thời sự như: Tổng quan BĐKH và những vấn đề cụ thể đặt ra cấp bách ở ĐBSCL, 7 giải pháp của Chính phủ, ảnh hưởng đối với hệ thống vận tải đường sông ở ĐBSCL, thích ứng BĐKH và phát triển bền vững - giải pháp địa phương và mục tiêu toàn cầu, quốc tế hỗ trợ Việt Nam ứng phó BĐKH và các giải pháp kiến trúc chống ngập… Hội thảo đã làm rõ thực trạng, phân tích nguyên nhân, dự báo các kịch bản, đề xuất hàng loạt giải pháp khả thi ứng phó BĐKH đã và đang tác động mạnh đến hệ sinh thái ở ĐBSCL như xâm nhập mặn, môi trường sống, trồng trọt chăn nuôi, đời sống dân cư… Đặc biệt lưu ý ảnh hưởng môi trường của các dự án thủy điện và nhiệt điện, tệ nạn khai thác cát bừa bãi, các giải pháp kiến trúc chống ngập mặn, thích ứng các giống cây trồng và vật nuôi, đưa nội dung bảo vệ môi trường và BĐKH vào chương trình giáo dục, đầu tư xử lý chất thải… Mai Bình |
CAO PHONG