Biến đổi tư duy

Sự náo nhiệt của TP New York đã chùng xuống trong mấy ngày qua. Những “dải băng tưởng nhớ” trắng trên tường rào nhà thờ St Paul bên cạnh khu Ground Zero càng khiến người ta nao lòng. 10 năm, tất cả đau xót, bàng hoàng về một cuộc tấn công đẫm máu vẫn vẹn nguyên trong tâm trí nhiều người. Tuy nhiên, nước Mỹ lại đang thay đổi. Một thế hệ người trẻ tuổi nước Mỹ đã được hình thành sau 11-9 với những suy nghĩ, việc làm khác trước. 

Sự náo nhiệt của TP New York đã chùng xuống trong mấy ngày qua. Những “dải băng tưởng nhớ” trắng trên tường rào nhà thờ St Paul bên cạnh khu Ground Zero càng khiến người ta nao lòng. 10 năm, tất cả đau xót, bàng hoàng về một cuộc tấn công đẫm máu vẫn vẹn nguyên trong tâm trí nhiều người. Tuy nhiên, nước Mỹ lại đang thay đổi. Một thế hệ người trẻ tuổi nước Mỹ đã được hình thành sau 11-9 với những suy nghĩ, việc làm khác trước. 

Thời điểm tòa tháp đôi tại New York bị máy bay khủng bố, Nicolette, bạn tôi, đang ngồi trong lớp sáng tác của trường Lewis & Clark College ở Portland. Từ bé, Nicolette đã ước mơ trở thành một nhà văn. Nhưng khi những dòng tin thời sự đầu tiên về vụ tấn công được phát đi, suy nghĩ của Nicolette đã thay đổi. Học kỳ sau đó, cô đăng ký khóa học về chính trị Trung Đông. Một năm sau, cô theo học tiếng Arab ở trường Đại học Mỹ tại Cairo, Ai Cập. Nicolette từng tâm sự rằng việc cô thay đổi suy nghĩ không phải do sự kiện 11-9 khiến cuộc sống cô thay đổi, mà cô buộc phải thay đổi để thích nghi với cuộc sống sau 11-9.

Giờ đây, thay vì ngồi một chỗ thi vị hóa những cảm xúc của mình, Nicolette tham gia các tổ chức: Human Rights Watch tại New York trong 3 năm, Save the Children tại Bờ Tây và dải Gaza trong 1 năm. Mặc dù đang theo học khoa luật tại Cambridge nhưng Nicolette và nhiều bạn học đang tận dụng thời gian nghỉ hè tham gia Ủy ban Nhân quyền độc lập tại Kabul, Afghanistan. “Không có 11-9, nhận thức của mình về thế giới không thể thay đổi, mình sẽ chỉ nhìn ra thế giới bên ngoài theo lăng kính của một người Mỹ, chẳng biết vị trí của nước Mỹ ở đâu”- Nicolette khẳng định như vậy.

Không chỉ có Nicolette. Kết quả khảo sát của Trung tâm nghiên cứu Pew đầu năm nay cho thấy, 53% số thanh niên Mỹ tuổi từ 18-29 được hỏi đều đồng ý: nước Mỹ chỉ là một trong số các quốc gia đứng đầu thế giới, chứ không phải số 1. Trong khi đó, chỉ có 27% cho rằng Mỹ đứng trên tất cả các nước khác, tỷ lệ thấp nhất trong số các lứa tuổi được hỏi về vị trí của Mỹ.

Cũng thuộc thế hệ sau sự kiện 11-9, Miguel, một thanh niên sống gần nơi tôi trọ, lại có một lựa chọn khác Nicolette. Khi nước Mỹ bị tấn công, Miguel học lớp 7 và đang ở Honolulu. Cậu nhóc Miguel lúc đó không có khái niệm gì về tòa tháp thương mại cũng như New York cho đến khi được mẹ giải thích về những gì đang diễn ra. Từ những điều tai nghe, mắt thấy về cuộc chiến tại Afghanistan, Iraq, Miguel mong muốn trở thành người lính. Rất nhiều những người trẻ tuổi như Miguel có chung quan điểm gia nhập quân đội để chiến đấu bảo vệ an ninh quốc gia.

Trong một bài phát biểu ngày 30-8 vừa qua, Tổng thống Mỹ Barack Obama cho biết khoảng 5 triệu thanh niên Mỹ đã nhập ngũ trong 10 năm qua. Tuy nhiên, ông Obama phải thừa nhận rằng thế hệ lính Mỹ sau 11-9 đã trả cái giá quá đắt, khi họ phải lăn lộn hết từ chiến trường Iraq đến Afghanistan. Kết quả, những thanh niên tuổi còn đôi mươi trở về với thương tích đầy mình, tinh thần thương tổn và phải khó khăn để quay trở lại với cuộc sống thường ngày.

Cũng như các thế hệ trước trải qua các sự kiện Trân Châu Cảng, hay vụ ám sát Tổng thống F.Kennedy, sự kiện 11-9 thực sự đã tạo ra một thế hệ thanh niên Mỹ nghĩ khác, sống khác. Âu cũng đáng trân trọng một thế hệ trẻ biết thay đổi tư duy, biết sống vì mọi người hơn.

Đăng Quang

Tin cùng chuyên mục