Ngày 13-11, nguồn tin từ Nhà Trắng cho biết, tranh chấp chủ quyền ở biển Đông sẽ là một “vấn đề trọng tâm” khi Tổng thống Barack Obama gặp các lãnh đạo châu Á vào tuần tới ở Philippines và Malaysia. Tuy nhiên, trước đó, Trung Quốc khẳng định Hội nghị Bộ trưởng Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 27 ở Philippines, diễn ra trong hai ngày 18 và 19-11, sẽ không thảo luận về những căng thẳng leo thang ở biển Đông.
Phép thử mới
Theo Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Susan Rice, các tuyên bố chủ quyền ở biển Đông sẽ là chủ đề nổi bật trong chuyến công du tới Philippines và Malaysia của Tổng thống Mỹ. Bà cho biết tranh chấp biển Đông sẽ là một vấn đề trọng tâm được thảo luận tại cả Hội nghị thượng đỉnh Đông Á và Hội nghị thượng đỉnh ASEAN - Mỹ (đều được tổ chức tại thủ đô Kuala Lumpur, Malaysia), cũng như tại APEC và những cuộc tiếp xúc khác của Mỹ trong chuyến công du châu Á.
Hãng tin Reuters dẫn lời Lầu Năm Góc ngày 12-11 xác nhận rằng 2 chiếc máy bay ném bom chiến lược B-52 của Mỹ đang tham gia nhiệm vụ tuần tra thường xuyên ở biển Đông, bay qua gần các đảo nhân tạo phi pháp do Trung Quốc bồi đắp ở khu vực Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Máy bay B-52 của Mỹ tham gia tuần tra thường xuyên ở biển Đông trong tuần này
Theo giới quan sát, sự hiện diện của máy bay B-52 của Mỹ tại các điểm nóng biển Đông vẫn là một trong những cách phô diễn sức mạnh, đồng thời phát đi một thông điệp chiến lược nhằm bảo vệ lợi ích của Mỹ, cũng như là cách để Mỹ thể hiện cam kết đảm bảo hòa bình và ổn định ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Gây sức ép
|
Cũng liên quan tới các diễn biến xung quanh vấn đề tranh chấp chủ quyền biển Đông, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Chủ tịch Quốc hội Indonesia Setya Novanto đã có cuộc hội đàm tại văn phòng Thủ tướng Abe ở thủ đô Tokyo ngày 12-11.
Tại cuộc gặp, Thủ tướng Shinzo Abe đã bày tỏ quan ngại đối với hành động đơn phương cố tình làm thay đổi hiện trạng tại khu vực biển Đông. Ông cho biết tại Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), ông muốn đưa những hoạt động xây dựng đảo của Trung Quốc ra xem xét trên khía cạnh tự do hàng hải và tuân thủ luật pháp quốc tế ở biển Đông. Hội nghị này dự kiến được tổ chức trong 2 ngày 15 và 16-11 tại Antalya (Thổ Nhĩ Kỳ).
Trong khi đó, tại Jakarta, Bộ trưởng đặc trách Điều phối chính trị, pháp lý và an ninh Indonesia cho biết, Jakarta có thể kiện Bắc Kinh trước Tòa án Hình sự quốc tế nếu yêu sách chủ quyền của Trung Quốc trên hầu như toàn bộ biển Đông và một phần lãnh thổ Indonesia không sớm được giải quyết thông qua đối thoại.
Theo tin mới nhất, cuộc tranh tụng về vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc theo phụ lục số VII của Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển (UNCLOS) sẽ diễn ra từ ngày 24 tới 30-11. Chính vì vậy, Trung Quốc đã gây sức ép với Philippines để không đưa vấn đề biển Đông ra APEC.
Ngày 12-11, Đại sứ Marciano Paynor Jr, Tổng Giám đốc Ủy ban quốc gia, tổ chức hội nghị APEC 2015 của Philippines thông báo, tuyên bố chung của hội nghị APEC sẽ chỉ nói đến các chính sách kinh tế liên quan đến tăng trưởng, doanh nghiệp vừa và nhỏ, cộng đồng bền vững và vấn đề chuyển giao công nghệ.
|
HẠNH CHI (tổng hợp)