Biển Đông sẽ làm nóng Đối thoại Shangri-La 2016

Hôm nay, 3-6, Hội nghị thượng đỉnh An ninh châu Á - hay còn gọi là Đối thoại Shangri-La 2016 - sẽ diễn ra tại Singapore nhằm thảo luận về các vấn đề an ninh và chính sách quốc phòng. Tuy nhiên, chủ đề thảo luận bao trùm hội nghị về an ninh - quốc phòng có uy tín nhất trong khu vực sẽ là biển Đông, trong bối cảnh Tòa Trọng tài thường trực (PCA) chuẩn bị công bố phán quyết về vụ Philippines kiện “đường chín đoạn” của Trung Quốc.

Malaysia cứng rắn

Diễn ra trong 3 ngày từ 3-6 đến 5-6, Đối thoại Shangri-La 2016 sẽ là cơ hội để các bên công khai tranh luận về căng thẳng và xu hướng phát triển của khu vực. Hội nghị diễn ra trong bối cảnh Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) mà Trung Quốc dự kiến sắp tuyên bố đơn phương xác lập trên biển Đông sẽ nằm chồng lấn với vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, Philippines và Malaysia. Việc tuyên bố thiết lập ADIZ phụ thuộc vào việc Trung Quốc có phải đối mặt với những nguy cơ hay không và mức độ của nguy cơ, ám chỉ sự hiện diện quân sự của Mỹ cũng như quan hệ giữa Bắc Kinh với các nước láng giềng. Do vậy, theo nhận định của Bloomberg, việc Trung Quốc bành trướng quân sự và tình hình căng thẳng ở biển Đông sẽ là chủ đề then chốt lần này.

Theo Reuters, trong số hơn 20 đoàn đại biểu tham dự Đối thoại Shangri-La 2016, sự chú ý sẽ hướng vào các quốc gia Đông Nam Á, các nước luôn phải đối mặt các yêu sách chủ quyền phi lý khi Trung Quốc ngang ngược tuyên bố chủ quyền với khoảng 80% diện tích biển Đông, bất chấp sự phản đối của Việt Nam và các nước trong khu vực.

Trong khi đó, trước các động thái gây hấn gia tăng của Trung Quốc ở biển Đông, Malaysia đang phản ứng lại theo hướng ngày càng quyết đoán. Sau khi 100 tàu cá Trung Quốc xâm phạm vùng biển Malaysia ở khu vực gần cụm bãi cạn Nam Luconia hồi tháng ba, Malaysia đã triển khai hải quân đến giám sát và bất ngờ triệu tập đại sứ Trung Quốc, yêu cầu giải thích vụ việc. Tháng trước, Thứ trưởng Ngoại giao Malaysia Reezal Merican nhấn mạnh nước này không thừa nhận “đường chín đoạn” phi lý mà Trung Quốc vẽ ra để áp đặt tuyên bố chủ quyền đối với hầu hết diện tích biển Đông.

Giới quan sát cho rằng, Đối thoại Shangri-La là cơ hội cuối cùng để Mỹ và Trung Quốc tìm kiếm sự ủng hộ trước khi PCA đưa ra phán quyết cuối cùng về vụ kiện của Philippines. Mỹ hy vọng sẽ thuyết phục được các nước Đông Nam Á, cùng các nước như Ấn Độ và Nhật Bản công khai hỗ trợ các phán quyết mang tính tích cực cho phía Philippines. Trong khi đó, Trung Quốc sẽ tìm cách vận động các nước không nên đưa ra quan điểm công khai.

Mỹ và Trung Quốc tiếp tục đối đầu

Cách hành xử ngày càng hung hăng của Trung Quốc cũng làm leo thang căng thẳng Mỹ - Trung khi mà hai nước không ngừng cáo buộc lẫn nhau về việc quân sự hóa ở biển Đông. Mỹ gần đây cũng đã tăng cường các hoạt động tuần tra ở biển Đông nhằm bảo đảm tự do hàng hải ở khu vực này. Trung Quốc sẽ bị Mỹ và các nước châu Á khác tập trung chỉ trích trong các cuộc thảo luận tại Đối thoại Shangri-La vì đã làm rất nhiều việc sai trái để tăng cường triển khai quân sự ở biển Đông. Ngoài ra, bài phát biểu trong phiên khai mạc của Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha dự kiến sẽ được dư luận và giới quan sát chú ý dõi theo, bởi nó sẽ phản ánh các chính sách cũng như gợi mở về vị trí chiến lược của Thái Lan trong khu vực.

Chương trình nghị sự cũng sẽ bàn đến đấu tranh chống khủng bố trong bối cảnh mối đe dọa ngày càng tăng của các phiến quân cực đoan ở Đông Nam Á và an ninh mạng. Lần đầu tiên, Đối thoại Shangri-La sẽ dành một phiên đặc biệt thảo luận về mối đe dọa quân sự của CHDCND Triều Tiên.

HẠNH CHI

Tin cùng chuyên mục