Biển Đông tiếp tục thu hút sự quan tâm của cộng đồng quốc tế

Nguy cơ xung đột
Biển Đông tiếp tục thu hút sự quan tâm của cộng đồng quốc tế

Ngày 6-12,  hội thảo quốc tế với chủ đề “Tranh chấp tại biển Đông - Phán quyết của Tòa trọng tài thành lập theo Phụ lục VII Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển và việc thực thi phán quyết” diễn ra tại Geneva (Thụy Sĩ).

Biển Đông tiếp tục thu hút sự quan tâm của cộng đồng quốc tế ảnh 1

Quang cảnh hội thảo về biển Đông tại Geneva, Thụy Sĩ

Nguy cơ xung đột

Ông Pierre Schifferli, thành viên Đoàn luật sư Geneva, một trong những nhà tổ chức hội thảo cho biết, sự kiện quy tụ 9 diễn giả là chuyên gia trong các lĩnh vực luật pháp và quan hệ quốc tế, đến từ các trường đại học, viện nghiên cứu của Mỹ, Anh, Bỉ, Thụy Sĩ, Italia và Australia. Các diễn giả sẽ chia sẻ những nghiên cứu xoay quanh hai vấn đề: Tranh chấp tại biển Đông và Phán quyết của Tòa trọng tài thành lập theo phụ lục VII Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển (UNCLOS); Việc thực thi phán quyết của Tòa trọng tài và các giải pháp hòa bình cho tranh chấp tại biển Đông.

Về lý do tổ chức hội thảo, luật sư Pierre Schifferli cho biết, biển Đông là một khu vực ở cách xa châu Âu và người dân lục địa già không mấy quan tâm đến các tranh chấp tại khu vực này, bởi họ còn có nhiều vấn đề sát sườn hơn như Ukraine, Syria, Iraq hay các vấn đề đang diễn ra nóng bỏng ngay trong lòng châu Âu như di cư, Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (Brexit). Tổ chức hội thảo này tại Geneva, một trung tâm của các hoạt động ngoại giao, chính trị đa phương, nơi có nhiều cơ quan, tổ chức phi chính phủ hoạt động trong lĩnh vực an ninh quốc tế, các nhà tổ chức muốn thu hút sự chú ý của giới truyền thông, các nhân vật chủ chốt trên chính trường quốc tế, cũng như của công luận quốc tế về tình hình tại biển Đông, một vấn đề xảy ra ở cách xa châu Âu nhưng có thể có những diễn biến ngoài dự kiến và vượt tầm kiểm soát, làm phát sinh những căng thẳng chính trị và quân sự nghiêm trọng.

Đảm bảo tự do hàng hải, hàng không

Vấn đề tự do hàng hải và giữ cho các tuyến đường biển, đường hàng không luôn được thông suốt tại biển Đông hiện được cộng đồng quốc tế rất quan tâm. Mới nhất, Đại sứ Anh tại Mỹ Kim Darroch đã tiết lộ về khả năng chiến đấu cơ và tàu sân bay của Anh tham gia các hoạt động tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có biển Đông. Dù khẳng định quân đội Anh vẫn tiếp tục tập trung chính vào khu vực Trung Đông nhưng châu Á - Thái Bình Dương cũng là khu vực được Anh rất quan tâm. Theo ông Darroch, 2 tàu sân bay của Anh sẽ hiện diện tại Thái Bình Dương vào năm 2020 “để chia sẻ mục đích chung với Washington và đảm bảo quyền tự do lưu thông hàng hải và hàng không tại biển Đông”. Theo Reuters, việc 4 chiến đấu cơ Typhoon đến Nhật Bản vào tháng 10 qua là một phần trong kế hoạch tăng cường sự hiện diện của Anh tại khu vực, hỗ trợ chính sách xoay trục sang châu Á của Mỹ. Ông Darroch cho biết, chiến đấu cơ của Anh sẽ bay qua khu vực biển Đông để khẳng định quyền tự do lưu thông tại khu vực này.

Sự quan tâm chính đáng của cộng đồng quốc tế đối với an ninh hàng hải và hàng không tại biển Đông chắc chắn sẽ không nhận được sự hưởng ứng từ phía Trung Quốc - quốc gia có những tuyên bố chủ quyền phi lý ở biển Đông, đi ngược lại luật pháp quốc tế. Mặc dù chưa có phản ứng chính thức, nhưng Bắc Kinh thông qua hệ thống báo chí chính thống đã lớn tiếng cảnh cáo kế hoạch của Anh và gọi đó là một biểu hiện diễu võ giương oai. Trang mạng Chinatopix.com ngày 6-12 trích dẫn bài bình luận với giọng điệu khá gay gắt của Tân Hoa xã về tuyên bố của Đại sứ Kim Darroch và cảnh báo, nếu Anh đưa máy bay chiến đấu bay qua khu vực này sẽ làm phức tạp thêm quan hệ giữa Bắc Kinh và London.

Tuy nhiên, Tân Hoa xã cũng cho rằng, tuyên bố của đại diện ngoại giao Anh là dấu hiệu tạo cảm giác là London có thể sẽ rời bỏ lập trường đứng ngoài các tranh chấp ở biển Đông và bắt đầu muốn có một vai trò can thiệp tại khu vực này như Mỹ và Nhật Bản.


ĐỖ CAO (tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục