Ấy là những người chẳng có điều kiện để đóng thuyền lớn đánh bắt khơi xa. Họ chỉ có thuyền nhỏ đánh bắt gần bờ. Ở đó họ gọi là biển làng. Những bãi ngang ở Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị... đều có những biển làng như thế. Họ chỉ đi từ sáng sớm đến chiều về. Mẻ lưới ít hay nhiều với họ cũng bình thường trong cuộc mưu sinh vất vả. Đời lấy biển làng làm kế sinh nhai chẳng ai giàu có nhưng tâm hồn họ luôn nuôi chí vươn xa.
Làng biển đơn sơ
Cái làng Thanh Bình (Quảng Xuân, Quảng Trạch, Quảng Bình) chẳng có đội thuyền hùng mạnh như xứ Cảnh Dương láng giềng hay lắm tàu to như Bảo Ninh (Đồng Hới). Chỉ một đội thuyền gần 100 chiếc, quăng quật với con nước gần bờ, tìm kiếm những đàn cá nhỏ bằng kinh nghiệm dân gian. Chẳng máy móc định vị hiện đại, họ hoàn toàn được truyền thụ bởi túi khôn của cha ông qua truyền khẩu.
Ông Phạm Văn Đồng, lão ngư quá 60 tuổi, truyền đạt kinh nghiệm: “Cá gần bờ là cá cơm ngon, cách bờ khoảng 300m là cá nục chuối, cách bờ gần nửa buổi chạy thuyền là nhiều cá ngon, tôm mực, rồi cua ghẹ… Đó là ngày xưa, cá còn nhiều, nay cá ít rồi mỗi ngày chỉ kiếm được vài ba tạ cá thập cẩm, mà ngày xưa cha ông kêu là cá lông hội. Cá lông hội cũng nói trại ra là lôi họng, bởi cá nhỏ, xương nhiều. Ngày xưa, cá này chẳng ai mua, chỉ làm mắm hoặc cho heo ăn. Chừ con cá này người trong vùng mua hết, họ mua để ăn, chẳng cho heo nữa, vì không có hóa chất, không bỏ thứ gì để bảo quản, kéo lưới lên bờ tươi rói nên các nhà hàng nấu ngay canh chua, hay canh rau, kho khô hay kho cay đều được”.
Cả làng ông làm thuyền đi biển bằng tre mành. Họ đan, lận, nức rồi phết hắc ín để tránh nước vào. Thuyền dài, khá rộng, bỏ vào đó chiếc máy nổ chừng 20CV là cả chục bạn thuyền ra biển trước làng đánh bắt. Ông Dương Sơn (67 tuổi) nói: “Bắt ở biển làng toàn bọn già và rong lưới bằng tay, sóng xô nước vô thuyền thì thi nhau hắt nước ra ngoài bằng tay. Lưới rách thì lặn xuống vá, không lặn được thì kéo lên vá rồi thả tiếp. Cực lắm, nhưng biển làng phải rứa, xương cốt con người, sức lực đàn ông mà kiếm ăn. Làm gì cũng vai u thịt bắp, nên cả làng nói làng biển của tui là làng biển thủ công. Chẳng khá lên được. May ra có cái máy nổ là khác trước. Có ưng máy móc thêm hơn cũng không được, vì biển bãi ngang, tiền đâu mà đầu tư, chỉ biết bằng lòng với cảnh làng khó khăn thôi”.
Bãi ngang nuôi con đi học
Làng biển xã Hải Ninh (Quảng Ninh) buổi sáng mùa đông trời có chút nắng, ngư dân đang tất bật dọn lưới trong đêm. Chủ tịch UBND xã Mai Văn Buôi nói: “Ngư dân biển làng đánh bắt gần bờ, có người đi trong ngày, có người đi trong đêm rồi về. Có ít ăn ít, có nhiều tích trữ chút đỉnh cho con học hành cái chữ”. Ông Buôi tự hào, mấy năm nay làng biển bãi ngang quê ông nuôi con cái từ biển mà đã có gần 100 cháu học lên cao đẳng, đại học. Ở tuốt thôn Cừa Thôn, nhà anh Mai Văn Huy nằm trên trảng cát giữa rừng dương rì rào. Căn nhà này có hai đứa con gái học cao đẳng, và một đứa con trai học đại học. Anh Huy nói: “Có cực mấy cũng nuôi con cái ăn học, chúng có chữ sẽ hiểu biết về biển quê hương Việt Nam rộng lớn như thế nào để làm ăn tốt hơn dân ở nhà chú hè?”.
Làng biển Thanh Bình, nhiều gia đình từ thuyền nan vượt sóng, đánh bắt gần bờ, mớ cá mớ tôm nhỏ nhoi mỗi ngày mà tích cóp từng tháng, từng năm đã nuôi bao con cái có chí vượt khó mà học thành tài. Ông Dương Minh Hợi, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Xuân, nói: “Cái làng Thanh Bình nhỏ bé nhưng ngư dân ở làng nuôi con ăn học đi xa nhiều lắm. Làng nay có hơn 150 giáo viên, con cháu hiện đang theo học các trường đại học trên mọi miền đất nước cũng gần 200 cháu”. Ông Dương Hán, đã ngoài 90 tuổi vẫn còn minh mẫn kể: “Bên nhà tui có nhà ông Bồn, ông Hồng mỗi ông có ba đứa con đi hải quân và bộ đội biên phòng đồn biển ở Quảng Trị hoặc ra tàu làm cảnh sát biển cũng nhiều”. Không chỉ hàng xóm, chính gia đình cụ Hán có 5 người con, thì 3 trai đều đi bảo vệ biên giới ở miền Trung. Bà Dương Thị Hiên, nhà ở cuối làng, một mình bà từng tham gia đội kéo lưới của xóm, mỗi bữa ra biển ngày xưa, bà đưa con đi theo, thằng Lâm lớn dần, nung nấu trong lòng được ở trên tàu tuần tiễu biển đảo. Bà nói: “Không ngờ nó làm được, giờ là cảnh sát biển ở Quảng Nam - Đà Nẵng. Quanh năm ở trên tàu đi tuần, rứa cũng động viên tui lắm rồi. Hắn biết góp chút sức để bảo vệ biển của nước Nam”...
Biển quê xuất thế anh hùng
Những ngày về với các làng biển bãi ngang thật thú vị, đến nơi nào cũng nghe kể về bao liệt sĩ lẫm liệt vì biển đảo quê hương. Ở ba xã Ngư Thủy Nam, Ngư Thủy Trung, Ngư Thủy Bắc của huyện Lệ Thủy nay vẫn còn những cựu pháo binh Ngư Thủy năm xưa. Từng bắn cháy tàu chiến, vác vô số thùng đạn nặng hơn thân người, họ là người hùng trong khói lửa. Hòa bình về, họ ở lại phía biển, lấy biển làng mưu sinh. Đàn ông đi khơi, phụ nữ gánh cá lên bờ tỏa đi bán khắp vùng. Mưu sinh cuộc đời nhiều dâu bể, lắm khó khăn nhưng ai cũng bám làng biển nhỏ bé để sống đến tận bây giờ tóc đã bạc trắng. Họ vẫn cười trước sóng cả ba đào.
Xã biển Hải Ninh, bà Trương Thị Ngừ ở thôn Tân Định đã quá 78 tuổi. Có liệt sĩ Trương Văn Hướng, hy sinh khi bảo vệ đảo Gạc Ma ngày 14-3-1988. Gợi chuyện, bà Ngừ nói: “Con mạ ở biển, mạ cùng chồng làm biển gần, đi trong ngày về, thời thằng Hướng nhỏ mạ cho hắn đi theo thuyền cả ngày. Lớn lên hắn xung phong đi hải quân, bảo vệ biển đảo. Mạ ưng ngay, hắn biết bơi giỏi nhất làng. Hắn hy sinh, mạ khóc ngày đêm. Chừ, già tuổi, cũng tự hào về hắn”. Cạnh đó, nhà cụ Hoàng Nhỏ, có con hy sinh với anh Hướng, liệt sĩ Hoàng Văn Túy. Nói về con, cụ Nhỏ rưng rưng: “Đất làng biển nghèo, nhưng nuôi con cái khi cần là phải hy sinh cho đất nước. Con tui cũng hy sinh ở đảo Gạc Ma, góp chút sức mọn làng biển cho quê hương thì sá chi”. Làng biển Đơn Sa, Quảng Phúc, Quảng Trạch, cũng là đất xuất thế của anh hùng liệt sĩ Trần Văn Phương, đồng đội của anh Hướng, anh Túy. Trong 13 liệt sĩ Quảng Bình hy sinh ở Gạc Ma vào thời khắc lịch sử đó, các làng biển bãi ngang đã cống hiến 10 người. Làng của họ không giàu có, tứ thân phụ mẫu của họ mưu sinh trước biển làng bằng nghề làm lộng. Nhưng đoan chắc, họ giàu tình yêu quê hương đất nước. Họ bằng lòng với những gì biển cả cho mỗi ngày chỉ vài ba lon gạo nhưng khi cần họ xả thân quyết bảo vệ hương hỏa, da thịt dặm dài Tổ quốc.
MINH PHONG