>> Khu vực cách bờ biển miền Trung 1,5 km có thông số môi trường cao hơn các khu vực khác
>> Liên quan đến vụ Formosa: Chỉ có 1 cán bộ tự nhận hình thức kỷ luật
Ngày 22-8, tại tỉnh Quảng Trị, Bộ TN-MT và Viện Hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam đã phối hợp tổ chức hội nghị báo cáo kết quả đánh giá hiện trạng môi trường biển 4 tỉnh miền Trung (từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế). Hội nghị nhằm trả lời các câu hỏi môi trường biển, cá biển, nuôi trồng thủy sản đã an toàn chưa? Hội nghị có sự tham dự của các nhà khoa học đầu ngành, các nhà nghiên cứu biển quốc tế, đại diện lãnh đạo 4 tỉnh miền Trung.
Bắt đầu phục hồi nơi bị suy thoái mạnh
GS-TS Mai Trọng Nhuận (Đại học Quốc gia Hà Nội), đại diện nhóm tác giả nghiên cứu chất lượng nước biển, chất lượng trầm tích biển…, cho hay: “Về chất lượng nước biển tại 19 bãi tắm thuộc 4 tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế có kết quả các thông số quan trắc đảm bảo với vùng bãi tắm, thể thao dưới nước”. Tuy nhiên, GS-TS Nhuận khuyến cáo: “Tại các khu vực cách bờ 1,5km thuộc Sơn Dương - Hà Tĩnh (diện tích khoảng 300km2), cửa Nhật Lệ - Quảng Bình (diện tích khoảng 330km2), hòn Sơn Chà - Thừa Thiên - Huế (diện tích khoảng 160km2), do chịu tác động của dòng xoáy cục bộ, có một số thông số cao hơn so với các khu vực khác, dù nằm trong giới hạn cho phép nhưng cần tiếp tục được giám sát và quan trắc thường xuyên.
Các tác giả phân tích 29 mẫu trầm tích và 146 mẫu trầm tích bề mặt, 16 điểm mẫu cột trầm tích, so sánh, đối chiếu với QCVN đều nằm trong giới hạn. Hàm lượng tổng phenol và xyanua có xu hướng giảm. Tuy nhiên trong tháng 5-2016, hàm lượng tổng phenol cao 6 - 12,5 mg/kg, đến tháng 6 giảm lại; với xyanua, kết quả cũng tương tự. Việc đánh giá màng bám hệ keo sắt hấp thụ các độc tố phenol, xyanua… được thực hiện tại 9 khu vực có rạn san hô và các dạng nền đáy khác trong vùng biển 4 tỉnh với 63 điểm khảo sát. Vào thời điểm khảo sát từ tháng 4 đến tháng 5-2016, trên bề mặt đá, các rạn san hô, thậm chí trên các loại nền đáy khác có hiện tượng lớp bột màu vàng phủ bám. Phenol trong màng bám rất cao. Khảo sát tháng 6 và 7-2016 lớp màng đã giảm, trên đáy bùn lớp màng không còn. Nhiều nơi giảm hơn 90% lượng phenol.
Khu vực biển Nhật Lệ (Quảng Bình) đã giảm hàm lượng phenol và xyanua Ảnh: MINH PHONG
Về hệ sinh thái, GS-TS Mai Trọng Nhuận cho biết, có 3.151 mẫu được phân tích. Trong tháng 4 và 5-2016, 100% các rạn san hô trong khu vực khảo sát bị tẩy trắng, nhóm san hô cành chết hàng loạt. Điển hình là các khu vực Hòn Sơn Dương - Hà Tĩnh, tỷ lệ san hô chết 90%; Hòn Nồm (Quảng Bình) và Hải Vân, Sơn Chà - Thừa Thiên - Huế san hô bị suy giảm là 66,7%. Sinh vật trên rạn san hô hiện rất nghèo, mật độ cá rất thấp, thấp nhất là Hòn Sơn Dương, Hòn Nồm. Rải rác có bắt gặp các loài cá chết trong các hang, hốc san hô. Đến giai đoạn tháng 6 và 7-2016, rạn san hô có hiện tượng phục hồi từ những tập đoàn đã chết từng phần, ấu trùng san hô bắt đầu định cư trên nền đáy rạn, cá kích thước nhỏ có dấu hiệu trở lại.
Có thể tắm biển
TS Friedhelm Schroeder (Đức) có 40 năm nghiên cứu môi trường biển đánh giá, các giá trị nêu trong tài liệu của nhóm tác giả đến từ Trường Đại học Quốc gia Hà Nội là đúng với thực tế. Tuy nhiên, TS Schroeder cũng lưu ý, cần kiểm soát chặt các vùng Sơn Dương (Hà Tĩnh), phía Đông biển Nhật Lệ (Quảng Bình), Sơn Chà - Chân Mây (Thừa Thiên - Huế), vì nơi này còn tồn dư phenol và xyanua. Bên cạnh đó, việc một số loài cá nhỏ xuất hiện trở lại ở môi trường biển 4 tỉnh thì cần có quy định chưa thể đánh bắt, phải bảo tồn để lôi kéo các đàn cá lớn trong chuỗi thức ăn nhằm nâng cao khả năng kinh tế đánh bắt sau này.
Giáo sư người Đức Schroeder phát biểu tại hội nghị
PGS-TS Nguyễn Chu Hồi, nguyên Phó Tổng cục Biển và Hải đảo cho rằng, các nhà khoa học đã chọn phương pháp, đối tượng cũng như phạm vi nghiên cứu để cố gắng trả lời cơ bản yếu tố và thực trạng môi trường hiện thế nào, tập trung vào chất gây ô nhiễm chính, đồng thời tập trung vào các yếu tố cộng sinh đi kèm chất gây ra ô nhiễm chính. Vì vậy, kết quả được đánh giá là đáng tin cậy. Tuy nhiên cần nêu rõ vùng biển nào bảo vệ, ưu tiên đánh bắt trước, vùng biển nào cần giám sát tiếp theo.
Trong khi đó, GS-TS Trần Nghi, người có nhiều năm nghiên cứu trầm tích biển từ Quảng Ninh đến Cà Mau, nêu ý kiến: Để kiểm soát đánh giá được thời gian nào nước biển sạch hoàn toàn, chúng ta phải tiếp tục lấy mẫu. Bây giờ lấy mẫu tại một số điểm, ví dụ các vị trí ở hố thủy lực, không cần tập trung dày đặc nữa. Lấy 4 mẫu vị trí như nhau, thời gian như nhau để phân tích. Lấy mẫu này ở 3 lớp trầm tích, lớp màng cho tới lớp đáy từ 5 - 50cm và phải lấy phương tiện hút màng này một cách cẩn thận. Cứ như vậy sẽ khẳng định khi nào nước biển đạt ngưỡng cho phép. Hướng đặt ra như Bộ TN-MT hiện nay là chuẩn xác, tuy nhiên hoạt động giám sát Formosa cần phải chặt chẽ, đảm bảo chắc chắn không xả thải tiếp, nếu không các quá trình nghiên cứu sẽ không còn ý nghĩa.
Lãnh đạo UBND Thừa Thiên - Huế đề nghị nên đưa ra các dự báo cho địa phương về việc ảnh hưởng này cụ thể như thế nào trong ngắn hạn và dài hạn. Vì hiện nay trong các điểm ở biển còn tồn lưu dạng độc tố, trong tương lai dòng chảy gần vẫn ổn định theo hướng đó, còn một số dòng chảy thì có thể ngược lại, vậy sắp tới có tác động như thế nào đến môi trường. Các nhà khoa học, các cơ quan cũng nên có thông báo cơ chế tự phục hồi môi trường biển như thế nào. Nó ở dạng hòa tan, hay tự bay hơi, phát tác, cần phải có thông tin bổ sung để người dân hiểu rõ hơn về việc này.
Bộ trưởng TN-MT Bộ Trần Hồng Hà đánh giá môi trường biển dần hồi phục. Môi trường tự nhiên của biển có thể tự làm sạch. Thời gian tới các nhà khoa học tiếp tục nghiên cứu sâu hơn để xác định vùng an toàn cho người dân nắm rõ, phục vụ đánh bắt, tắm biển, hoạt động thể thao dưới biển.
|
MINH PHONG - NGỌC OAI