Biến thông tin thành tài sản

Thành phố thông minh không chỉ dừng lại ở việc ứng dụng các công nghệ hiện đại mà quan trọng là việc sử dụng thông tin từ các công nghệ đó một cách thông minh…
 Xem thông tin quy hoạch quận Bình Tân qua cổng thông tin Ảnh: CAO THĂNG
Xem thông tin quy hoạch quận Bình Tân qua cổng thông tin Ảnh: CAO THĂNG

Cần khung pháp lý

Sở Thông tin và Truyền thông (TT-TT) TPHCM cho biết, trong tháng 4-2017, Hội đồng tư vấn xây dựng đề án “Thành phố thông minh giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn đến năm 2025” sẽ báo cáo UBND TP về đề án này. Với mục tiêu ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại để xây dựng chính quyền điện tử, đề án tập trung thực hiện trước 10 lĩnh vực cấp thiết của thành phố như chỉnh trang đô thị, quy hoạch, y tế - giáo dục, quản lý chất thải, chống ngập, an toàn thực phẩm… Phó Giám đốc Sở TT-TT TPHCM Lê Quốc Cường cho biết: “Thành phố thông minh phải gồm hai nhánh là cơ sở dữ liệu thông minh của toàn thành phố và từng lĩnh vực thông minh. Hiện nay, Sở TT-TT đang lấy ý kiến của các sở, ngành để xây dựng dữ liệu số hóa sử dụng chung cho toàn thành phố”.  

Theo ông Kai Kaiser, Ban quản trị công - Ngân hàng Thế giới (WB), đô thị thông minh không chỉ có công nghệ hiện đại vì máy móc, công nghệ dù thông minh cách mấy cũng không thể bằng con người. Do đó, điều quan trọng nhất là con người phải biến các thông tin thành tài sản, có nghĩa thông tin đó phải được chia sẻ và sử dụng rộng rãi. Bởi lẽ, công nghệ dù có hiện đại cách mấy nhưng nếu không sử dụng thường xuyên sẽ bị lạc hậu.

Dẫn chứng cụ thể tại TPHCM, TS Nguyễn Thế Dũng (chuyên gia WB) phân tích, 90% diện tích và thửa đất tại thành phố đã được bản đồ số bao phủ từ năm 2003-2007, thế nhưng các bản đồ đã trở nên lỗi thời do thiếu duy trì theo thời gian, trong khi cả số lượng và cấu hình thửa đất đã thay đổi đáng kể. Hiện nay, chất lượng dịch vụ đất đai của thành phố ở mức trung bình (theo chuẩn quốc tế) nhưng nếu so với đảo quốc Singapore thì tụt hậu trên hầu hết các tiêu chuẩn chất lượng dịch vụ, như: sự minh bạch, giải quyết tranh chấp, độ tin cậy của cơ sở hạ tầng đăng ký, độ bao phủ về lập bản đồ và hồ sơ các thửa đất tư nhân. Vì thế, thành phố bắt buộc phải cập nhật bản đồ địa chính và hồ sơ đất đai để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về các dịch vụ thông tin đất đai từ các cơ quan chính phủ và các bên liên quan khác. Đồng thời, xây dựng nền tảng cho việc lập quy hoạch quản lý, sử dụng đất, thu thuế, công chứng, thế chấp… đầy đủ, đáng tin cậy và công bằng hơn. Trưởng Chương trình phát triển bền vững của WB, bà Madhu Raghunath, đánh giá không chỉ Việt Nam mà nhiều nước trên thế giới khi xây dựng đô thị thông minh đều vấp phải nhiều vấn đề khó khăn trong lĩnh vực đất đai, quy hoạch.

Đồng tình với nhận định của các chuyên gia WB, ông Hoàng Tùng, Phó giám đốc Sở Quy hoạch và Kiến trúc, cho rằng sau khi số hóa các dữ liệu thì cũng cần có khung pháp lý, trong đó quy định cơ chế phối hợp chia sẻ thông tin giữa các sở ngành, địa phương cũng như thông tin nào cần bảo mật (về an ninh, quốc phòng…), thông tin nào có thể cung cấp rộng rãi cho các tổ chức, cá nhân…

Dùng thông tin “nuôi” thông tin

Ông Keith Clifford Bell, Bộ phận Không gian địa lý - nông thôn và đất đai toàn cầu (WB), cho rằng đầu tư vào hạ tầng địa chính sẽ tạo điều kiện để quản trị tốt thành phố thông minh. Hạ tầng địa chính cũng cần được đầu tư vốn như bất kỳ hạ tầng kỹ thuật nào khác. “Nếu việc thu phí đường bộ để khai thác sử dụng, duy tu bảo dưỡng thì cơ sở dữ liệu đất đai và địa chính cũng cần có ngân sách để đầu tư, nâng cấp và đảm bảo hệ thống phù hợp với mục đích, vì vòng đời trung bình của công nghệ thông tin tối đa là khoảng 3-5 năm”, ông Keith Clifford Bell nhận định. Việc duy trì đòi hỏi phải song song cả cơ sở dữ liệu đất đai phi không gian và dữ liệu địa chính không gian. Thêm vào đó, việc duy trì phải tiến hành liên tục chứ không phải định kỳ, vì nếu không duy trì nghĩa là khoản đầu tư đó bị mất đi. Vì thế, hạ tầng địa chính không cập nhật sẽ làm suy yếu về quản lý, yếu kém trong cung cấp dịch vụ, chưa thể tạo nguồn thu tối ưu và không thông minh. WB cũng đề xuất 3 phương án để TPHCM cân nhắc: không làm gì cả, làm lớn một lần (khởi công cập nhật cho toàn thành phố nhằm hoàn thành theo thời hạn xác định), tập trung vào một số  quận - huyện ưu tiên, sau đó mới mở rộng ra các quận - huyện khác, tùy thực lực tài chính. Để lựa chọn được phương án tối ưu, thành phố cần đánh giá lại nguồn thu - chi trong trung hạn để đảm bảo duy trì hệ thống cơ sở dữ liệu thông tin bằng chính nguồn thu tạo ra. Tại hầu hết các quốc gia trên thế giới, nguồn thu được tạo ra thông qua các dịch vụ như phí trước bạ đất đai, chuyển quyền sử dụng, vay thế chấp nhà đất…

Một giảng viên Trường Đại học Kiến trúc TPHCM nêu vấn đề thực tiễn: Người dân muốn mua một thửa đất, chắc chắn phải coi rất nhiều thửa để chọn, mỗi thửa đất phải hỏi dò từ rất nhiều kênh khác nhau để có thông tin nhưng những thông tin đó chưa chắc chuẩn xác. Do vậy, nếu có dịch vụ cung cấp thông tin từ đầu mối duy nhất của cơ quan nhà nước thì người mua đất sẽ đỡ vất vả và giao dịch cũng đáng tin cậy hơn. Việc thu phí để duy trì hệ thống cơ sở dữ liệu điện tử và cơ quan cung cấp thông tin cũng sẽ chịu trách nhiệm trong trường hợp thông tin không chính xác, khiến giao dịch bị ảnh hưởng. Giảng viên này cũng đề nghị thông tin cung cấp đến các tổ chức, cá nhân nên chia thành nhiều cấp độ, chẳng hạn các lớp thông tin yêu cầu chi tiết, độ chính xác cao sẽ được tính phí, nhưng cũng có những thông tin miễn phí (chỉ cần tính xác thực dành cho các cơ quan nghiên cứu…) để khuyến khích người dân sử dụng thông tin, giao dịch điện tử.

Về mặt chủ trương, chính sách, lĩnh vực đất đai cũng được ưu tiên thực hiện ứng dụng công nghệ và số hóa. Tổng cục Quản lý đất đai (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho hay, Nghị Quyết số 19-2012 của Ban chấp hành Trung ương khóa XI chỉ rõ, ưu tiên đầu tư xây dựng cơ sở dữ liệu, hạ tầng thông tin về đất đai và tài sản gắn liền với đất theo hướng hiện đại, công khai, minh bạch, phục vụ đa mục tiêu, từng bước chuyển sang giao dịch điện tử trong lĩnh vực đất đai. Phấn đấu đến năm 2020 cơ bản hoàn thành việc xây dựng hệ thống thông tin đất đai. Sau đó, Quyết định số 714 của Thủ tướng Chính phủ ban hành “Danh mục cơ sở dữ liệu quốc gia” cần ưu tiên triển khai tạo nền tảng phát triển Chính phủ điện tử thì cơ sở dữ liệu đất đai là một trong 6 cơ sở dữ liệu quốc gia (dân cư, dân số, đăng ký doanh nghiệp, tài chính và bảo hiểm) được ưu tiên xây dựng và vận hành theo hướng hiện đại. Mới đây, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã trình Chính phủ thẩm định dự thảo nghị định mới quy định về xây dựng, vận hành, khai thác sử dụng hệ thống thông tin đất đai và giao dịch đất đai điện tử. Mục tiêu của dự thảo nghị định là tạo nền tảng pháp lý cho xây dựng, vận hành, khai thác sử dụng hệ thống thông tin đất đai và giao dịch đất đai điện tử. Từ đó, tạo đà cho việc thực hiện dịch vụ công trực tuyến về đất đai.

Tin cùng chuyên mục