Biến tướng xe hợp đồng - Chế tài mạnh, quy trách nhiệm cụ thể

Trên các số báo ra ngày 21, 22-9, Báo SGGP đã phản ánh và chất vấn cơ quan chức năng về tình trạng xe dừng - đậu - đón - trả khách không đúng nơi quy định tràn lan trên nhiều tuyến đường nội thành. Hàng chục nhà xe với hàng trăm lượt xe ra vào các quận trung tâm TPHCM đón - trả khách trên nhiều tuyến đường dưới dạng “xe hợp đồng” nhưng thực chất là chạy tuyến cố định, ảnh hưởng an ninh trật tự, an toàn giao thông.

Ngay sau khi báo đăng, nhiều ý kiến người dân, bạn đọc cho rằng, phải có chế tài mạnh đối với nhà xe, chủ xe, doanh nghiệp vi phạm, cũng như quy trách nhiệm địa phương, lực lượng chức năng có liên quan.

Biến tướng xe hợp đồng - Chế tài mạnh, quy trách nhiệm cụ thể ảnh 1 Xe đón khách trên đường Trần Phú, quận 5. Ảnh: CAO THĂNG

*  Luật sư PHẠM HOÀI NAM (Đoàn Luật sư TPHCM):

Không thiếu chế tài, chỉ thực thi không nghiêm

Xe hợp đồng biến tướng không chỉ gây mất an ninh trật tự đô thị, mà ảnh hưởng đến quyền lợi hành khách. Đây là căn bệnh khó chữa ở những đô thị lớn, trong đó, có cả TPHCM. Để ngăn chặn tình trạng xe hợp đồng biến tướng, Nhà nước đã ban hành văn bản quy phạm pháp luật với xu hướng ngày càng nghiêm khắc, xử phạt nặng nhưng vẫn chưa trị dứt điểm căn bệnh này. 

Theo dõi trong thời gian qua, đặc biệt trong 2 năm trở lại đây, Chính phủ và các bộ đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật để xử lý hành vi “biến tướng xe hợp đồng”. Năm 2019, Chính phủ ban hành Nghị định (NĐ) 100/2019 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt. Điều 23 (NĐ 100) quy định xử phạt người điều khiển ô tô chở hành khách, ô tô chở người và các loại xe tương tự ô tô chở hành khách, chở người vi phạm về vận tải đường bộ, mức phạt lên đến 2 triệu đồng đối với hành vi “đón, trả khách không đúng địa điểm đón, trả khách ghi trong hợp đồng; điều khiển xe tham gia vận tải hành khách không gắn thiết bị giám sát hành trình của xe…”.

Năm 2020, Chính phủ ban hành NĐ 10/2020 quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô. Để xử lý xe dù bến cóc, xe hợp đồng trá hình, tại Điều 7 và 8 của NĐ 10 quy định phải được niêm yết dán cố định bảng “xe hợp đồng” làm bằng chất liệu phản quang trên kính phía trước và kính phía sau xe, với kích thước tối thiểu 6x20cm; phải có phù hiệu “xe hợp đồng” và được dán cố định phía bên phải mặt trong kính trước của xe.

Bộ Công an cũng vừa ban hành Thông tư 58/2020 thay thế Thông tư 15/2014 (quy định quy trình cấp, thu hồi đăng ký, biển số phương tiện giao thông cơ giới đường bộ), theo đó biển số xe hoạt động kinh doanh vận tải có nền màu vàng, chữ và số màu đen để phân biệt với các loại xe khác. Như vậy, việc nhận diện xe kinh doanh hoạt động trá hình đến các biện pháp xử phạt rõ ràng, nghiêm khắc.   

Cùng với quy định pháp luật, đối tượng giám sát, thực thi pháp luật cũng khá hùng hậu gồm thanh tra giao thông, cảnh sát trật tự, cảnh sát giao thông… Các lực lượng này đều có chức năng kiểm tra, xử phạt đối với những đối tượng vi phạm. Thế nhưng, tình trạng xe hợp đồng vẫn tung hoành đã cho thấy đội ngũ giám sát, thực thi pháp luật chưa nghiêm. Chính sự thiếu giám sát, không cương quyết trong xử lý là nguyên nhân làm giảm hiệu lực của luật, dẫn đến nạn xe hợp đồng biến tướng vẫn tung hoành trên nhiều con đường như hiện nay. 

* Ông Nguyễn Tuấn Tú, Giám đốc Công ty Vận tải Nam Phong (TPHCM):  

Cạnh tranh không lành mạnh

Vấn nạn “xe dù, bến cóc” ở một số quận nội thành, xe khách đậu và trả khách trên một số tuyến đường thuộc quận 5 và quận 10 (TPHCM) mà Báo SGGP phản ánh trong những ngày qua, gây sự bức xúc trong dư luận. Thực trạng này không chỉ gây cản trở giao thông mà còn làm thất thu thuế của Nhà nước, phá vỡ trật tự kỷ cương, văn minh đô thị. 

Các loại hình hoạt động vận tải hành khách liên tỉnh như báo nêu, đang tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh. Trong khi các doanh nghiệp vận tải hành khách bằng ô tô tuyến cố định như chúng tôi phải chịu sự quản lý rất chặt chẽ, với nhiều quy định từ Trung ương đến địa phương và chi phí lớn, thì loại hình xe hợp đồng, hay các nhà xe có “bến” trong phố lại lỏng lẻo, dẫn đến phá vỡ quy hoạch luồng tuyến vận tải, gây mất trật tự an toàn giao thông. Điều này đã dẫn đến việc nhiều doanh nghiệp vận tải phải bỏ Bến xe miền Đông, Bến xe miền Tây để ra ngoài hoạt động. Thiết nghĩ, cơ quan hữu quan cần nghiên cứu điều chỉnh biểu đồ hoạt động trên từng tuyến đảm bảo công khai, minh bạch giữa các đơn vị vận tải hành khách và các nhà xe đang khai thác, cho phù hợp với điều kiện thực tế tại bến xe.

* Ông MAI VĂN CHIẾN, ngụ đường Lê Hồng Phong, quận 5:

Tuần tra liên tục để phát hiện, xử lý

Phải nói ngay rằng, thời điểm này, không ít người dân đã chọn xe chất lượng cao làm phương tiện di chuyển đến các tỉnh thành. Bởi lẽ, xe thoáng mát, sạch đẹp, khởi hành đúng giờ, đúng số khách… Tiện lợi là như vậy, nhưng có quá nhiều xe tổ chức dừng đậu, đón, trả khách… đã gây ách tắc giao thông. Tại khu vực đường Lê Hồng Phong, một số nhà xe, doanh nghiệp dùng xe lớn đón, trả khách bất kể giờ giấc, gây tình trạng mất trật tự giao thông liên tục. Trong khi khu vực vỉa hè trở thành nơi lên xuống hàng hóa, hàng quán lấn chiếm phục vụ hành khách nên chúng tôi không còn đường đi bộ. Lưu thông bằng xe gắn máy khi ngang khu vực nhiều xe khách lớn nhỏ dừng, đậu thì cũng gian nan vì thường xuyên bị ùn tắc. 

Để chấn chỉnh tình trạng đón, trả khách vô tội vạ của “bến cóc, xe dù”, chúng tôi mong mỏi chính quyền thành phố và địa phương có giải pháp căn cơ hơn. Ngoài việc vận động các nhà xe không tổ chức đón, trả khách tại văn phòng, phòng vé…, các cơ quan hữu quan và đội ngũ trật tự tại địa phương cần tuần tra liên tục để kịp thời phát hiện, xử lý sai phạm. Thực tế, theo tôi quan sát thì khi có lực lượng tuần tra, tình hình rất khả quan, trật tự giao thông ổn định, nhưng khi lực lượng này rút quân thì đâu lại vào đấy. 
* Bà NGUYỄN THỊ MỸ, ngụ đường Sư Vạn Hạnh, quận 10: 

Cản trở buôn bán của người dân, vừa dễ gây tai nạn

Việc đậu xe dưới lòng đường, hay các hoạt động đón, trả khách của các nhà xe trên đường Sư Vạn Hạnh (thuộc địa bàn các phường 9, 10 của quận 10) sẽ tác động không nhỏ đến người buôn bán, kinh doanh hai bên đường. Khách muốn ghé cửa hàng mua sắm, hay vào quán nước để nghỉ ngơi mà nhìn thấy ô tô đậu trước mặt thì tâm lý rất ngại vào. Những người có ý thức thì chỉ cần nhắc nhở nhẹ là tự đánh xe đi, người vô ý thức bị nhắc nhở còn cự cãi lại rất phiền. Còn các hoạt động đón, trả khách của các nhà xe thì phức tạp hơn, họ không hiểu làm vậy là người kinh doanh, mua bán bị ảnh hưởng rất lớn. Không chỉ thế, xe khách đỗ trên đường còn gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông, vì các con đường ở các quận nội thành, như quận 10, là rất chật hẹp; các phương tiện đan xen trên cùng tuyến đường rất dễ xảy ra tai nạn giao thông. Đó là chưa kể tình trạng này còn gây mất mỹ quan đô thị, trật tự lòng lề đường.

Để chấn chỉnh thực trạng “xấu xí” nói trên, người buôn bán nhỏ chúng tôi đề nghị chính quyền quận 10 và các lực lượng chức năng cần mạnh tay hơn nữa trong việc xử phạt, thậm chí tước giấy phép các nhà xe có hoạt động dừng, đỗ, đón và trả khách trên đường Sư Vạn Hạnh, bởi tuyến đường này có nhiều bệnh viện, siêu thị quy mô, lượng người đi lại rất lớn. Thêm nữa, chính quyền địa phương nên cấm ô tô đậu đỗ dưới mặt đường; thay vào đó có thể mở những bãi đỗ xe trên địa bàn quận 10, để cánh tài xế có chỗ đậu tập trung, vừa đảm bảo mỹ quan đô thị, vừa đảm bảo trật tự an toàn giao thông khu vực nội thành.

* Bà NGÔ THỊ THU QUẾ, ngụ đường Nguyễn Duy Dương, quận 5:

Trả lại lối đi thông thoáng cho người đi đường 

Cứ độ sáng sớm, hàng loạt xe khách loại 16 chỗ và 42 chỗ lại dừng hàng dài hai bên lề đường đón trả khách, chắn lối đi của người dân, khiến người điều khiển phương tiện phải lách lấn làn, vào đi chung phần đường ô tô mới lưu thông qua được. Tình trạng này diễn ra cũng đã lâu, gây mất an toàn cho người tham gia giao thông, người dân nhiều lần phản ánh ở các cuộc họp tổ dân phố, nhưng vẫn không thấy cơ quan chức năng xử lý dứt điểm. Thi thoảng cũng thấy lực lượng chức năng đến nhắc nhở, lập biên bản các xe vi phạm, tuy nhiên vài ngày sau đâu lại vào đấy. Đề nghị cơ quan chức năng tuần tra kiểm soát, xử lý các hành vi vi phạm trên, nhằm trả lại lối đi thông thoáng cho người dân.

Tin cùng chuyên mục