Ngày 6-11, cùng với các tỉnh Nam bộ, TPHCM trong tình trạng khẩn cấp đối phó với cơn bão số 13 dự báo có thể đổ bộ vào. Cư dân tại các tỉnh ven biển đã rất quen tình huống khẩn cấp khi có bão đổ bộ, nhưng với nhiều cư dân TPHCM, bão vẫn là một chuyện khá lạ lẫm, bởi trong lịch sử, rất hiếm khi có bão tràn vào TPHCM. Thế nên khi nghe tin có thể phải đối mặt với cơn bão số 13, có 2 dạng tâm lý ở cư dân TPHCM. Có người rất lo lắng khi hình dung cảnh mưa to gió lớn, cây đổ gãy, các panô từ trên cao bung ra bay tứ tung, nước ngập, mất điện, kẹt xe, xảy ra hàng loạt tai nạn… Rồi “té nước theo mưa”, vài ngày sau đó giá nhu yếu phẩm sẽ tăng cao. Cuộc sống đô thị vốn đã căng thẳng, tất bật, sẽ bị đảo lộn, rối tung sau một cơn bão lớn. Lại cũng có người rất chủ quan, đến mức xem thường nguy cơ bão, bởi cho rằng “Sài Gòn mấy thuở có bão, mà có thì với cao ốc, nhà bê tông, gió bão cũng nhằm nhè gì. Dữ dội lắm cũng chỉ gãy đổ chừng trăm cây xanh ngoài đường, trời kêu ai nấy dạ, hơi sức đâu mà lo âu!”.
Và rồi áp thấp nhiệt đới đã không mạnh lên thành cơn bão số 13 như dự báo. Thế là những người đã có tâm lý chủ quan được dịp khẳng định rằng mình đã đúng khi xem thường nguy cơ bão tràn vào thành phố. Sáng 7-11, nghe ngóng dư luận bàn tán tại các quán cà phê và trên mạng xã hội Facebook, có thể thấy không ít người có vẻ hả hê khi không tiếc lời chế nhạo năng lực dự báo thời tiết của ngành khí tượng - thủy văn Việt Nam, và cũng chế nhạo cả những nỗ lực sẵn sàng ứng phó với nguy cơ bão số 13 tràn vào TPHCM. Thật ra phản ứng như vậy là một cách nhìn, cách nghĩ rất thiển cận. Thiên nhiên vẫn ẩn chứa những điều kỳ bí và mãnh lực kinh hồn mà con người với trình độ và trang bị khoa học kỹ thuật cực kỳ hiện đại cũng không thể lường hết được. Nhiều trận động đất, sóng thần, thiên thạch, bão tố, núi lửa phun trào… với sức tàn phá dữ dội vẫn ngoài tầm kiểm soát của con người. Việc dự báo bão dù có căn cứ phối hợp, tham khảo thông tin dự báo thời tiết của quốc tế, cũng không thể hoàn toàn chính xác 100%, đường đi và diễn biến của bão vẫn rất khó lường. Nhưng không nên vì vậy mà dẫn đến tâm lý xem thường, phớt lờ những cảnh báo.
Có thể nói, việc TPHCM cấp tốc đưa tàu thuyền ngoài khơi vào nơi trú bão, di tản hàng ngàn dân ở Cần Giờ, cho học sinh khẩn trương rời trường về nhà vào chiều 6-11… là những việc làm rất cần thiết. Cho dù áp thấp nhiệt đới không mạnh lên thành cơn bão số 13, nhưng siêu bão Haiyan lại đang có khả năng vào biển Đông và trong tương lai lâu dài vẫn còn nhiều nguy cơ TPHCM phải đối mặt với bão trong tình hình biến đổi thời tiết ngày càng thất thường, phức tạp hơn. Do đó các giải pháp đã được TPHCM khẩn trương triển khai thực hiện trong ngày 6-11 trở thành một cuộc tổng diễn tập quan trọng ứng phó với tình huống bão đổ bộ. Nhiều phụ huynh kể, 14 giờ ngày 6-11 nhận được cuộc gọi của cô giáo nhắn đến trường đón con về, hoảng hốt nghĩ cổng trường sẽ diễn ra cảnh chen chúc và sẽ phải vất vả lắm mới đón được con. Vậy mà, 30 phút sau cuộc gọi của cô giáo đến nơi đã thấy sân trường chỉ còn ít học sinh, dù trường nhắn đột xuất, nhưng hầu hết học sinh đã được cha mẹ đến đón về rất nhanh. Ngành công viên - cây xanh quan tâm kiểm tra an toàn hệ thống cây xanh trên vỉa hè. Nghe tin có thể có bão, các chủ thầu xây dựng đều hối hả kiểm tra lại công trình đang xây dở dang, tránh vật tư bị gió bão cuốn rơi xuống đường gây tai nạn. Người dân ở từng hộ cũng đều tự giằng buộc lại mái nhà, sân thượng, cửa kính, cây cối… của nhà mình để phòng ngừa sự cố tai nạn khi gió bão. Tại nhiều khu dân cư, địa phương đã cho phát loa liên tục nhắc nhở người dân bình tĩnh ứng phó khi bão đổ bộ. Những động thái đó có làm nhịp sống của cư dân TPHCM trong ngày 6-11 xáo trộn, tất bật, vất vả hơn; có cả những phiền toái, tốn kém vì mất giờ công lao động, mất một buổi học và không ít chi phí ngân sách. Song đó là những động thái cần thiết để bảo đảm thật an toàn cho người dân, qua đó chính quyền và nhân dân TPHCM chủ động ứng phó với tình huống bão đổ bộ, không chủ quan. Biết lo xa sẽ không phải buồn gần, để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai, chúng ta phải làm hết sức mình để có thể phòng ngừa và sẵn sàng ứng phó.
HUỲNH THANH LUÂN