Có những con người cụ thể, có tên có tuổi, sống bên chúng ta hàng ngày, mà cuộc đời và sự nghiệp trở thành bài học lớn, tấm gương soi, thành thần thoại, huyền thoại, thành nền tảng văn hóa của quê hương, đất nước và nhân loại. Con người đó trong thời đại chúng ta là Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Hơn nửa thế kỷ qua, cùng với sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, Hồ Chí Minh trở thành biểu tượng đẹp cho khát vọng sống, cho hòa bình, độc lập, tự do, hạnh phúc. Biểu tượng đó đã khơi nguồn cảm hứng vô bờ cho sáng tạo VHNT. Và cũng từ Người, chúng ta nhìn và hiểu quá khứ, hiểu và tin hiện tại, tương lai. Chúng ta tự hào là người Việt Nam!
Từ chiến khu Việt Bắc kháng chiến chống Pháp, nhà thơ Nguyễn Đình Thi kể:
“Ở đây sống một người tóc bạc/ Người không con mà có triệu con/ Nhân dân ta gọi người là Bác/ Cả đời Người là cả nước non.
Và cũng chính từ chiến khu “thủ đô gió ngàn” này, nhà thơ Tố Hữu khắc họa: “Nhớ Ông Cụ mắt sáng ngời/ Áo nâu túi vải đẹp tươi lạ thường/ Nhớ Người những sáng tinh sương/ Ung dung yên ngựa trên đường suối reo/ Nhớ chân Người bước lên đèo/Người đi rừng núi trông theo bóng Người”.
Trước hết là thơ, hầu như các nhà thơ Việt Nam sống trong thế hệ Hồ Chí Minh đều có sáng tác hay nhất của mình về Bác Hồ. Có thể nhắc tên những bài thơ hay về Bác Hồ của Chế Lan Viên, Xuân Diệu, Hoàng Trung Thông, Minh Huệ, Hải Như, Việt Phương, Trần Đăng Khoa… Kế đến là âm nhạc. Những ca khúc viết về Bác Hồ thuộc hạng những ca khúc tân nhạc hay nhất. Cũng như thơ ca, âm nhạc cũng chứng minh một sự nở rộ những sáng tác ca khúc hay về Bác Hồ. Những nhạc sĩ Việt Nam đều có những sáng tác hay nhất về Bác. Đó là trách nhiệm tự nguyện và thể hiện tài năng. Chúng ta có thể kể tên các sáng tác của Văn Cao, Lưu Hữu Phước, Nguyễn Xuân Khoát, Tô Vũ, Phạm Tuyên, Chu Minh, Hồng Đăng, Cao Việt Bách, Văn Dung, Trần Kiết Tường, Nguyễn Đồng Nai, Trương Quang Lục, Xuân Giao…
Giới mỹ thuật cũng vậy. Họa sĩ tìm nguồn cảm hứng từ Hồ Chí Minh. Họa sĩ Hoàng Trầm, họa sĩ Diệp Minh Châu trong bưng biền Đồng Tháp lấy máu mình vẽ chân dung Bác Hồ. Họa sĩ Diệp Minh Châu sau này đã dành cả đời sáng tác của mình cho đề tài Bác Hồ.
Và thật tự hào, Hồ Chí Minh không chỉ là nguồn cảm hứng của văn nghệ sĩ Việt Nam mà còn là nguồn cảm hứng của văn nghệ sĩ thế giới.
Nhà văn hóa Phạm Văn Đồng khi bàn về VHNT có đưa ra một công thức có tính định hướng: “Hiểu biết - khám phá - sáng tạo”. Có thể nói công thức này xuất phát từ yêu cầu sáng tác về chủ đề hiện thực cuộc sống nói chung và về Hồ Chí Minh nói riêng.
Từ những thành công qua các sáng tác, những công trình lớn hơn đã xuất hiện và thành công. Những truyện dài, kịch bản sân khấu, điện ảnh, những tượng đài, những luận văn về văn hóa Việt Nam qua đề tài Bác Hồ.
Từ một con người để “hiểu biết - khám phá - sáng tạo” về một đất nước là một phương pháp luận được thể hiện qua con người Hồ Chí Minh và nước Việt Nam.
Có nhà thơ nước ngoài sáng tác bài thơ về Hồ Chí Minh: “Tên Người là cả một niềm thơ”. Cảm ơn nhà thơ nước ngoài trên đã hiểu Việt Nam. Bởi vì dân tộc Việt Nam là dân tộc thơ, đất nước Việt Nam là đất nước của thơ ca. Nói niềm thơ tức là nói một nền văn hóa!
Mỗi người trong chúng ta đều tìm thấy ở Hồ Chí Minh một điều gì đó của cái đẹp thuần khiết. Và chúng ta càng yêu quý Bác Hồ. Bởi vì, như nhà thơ Tố Hữu nói: “Yêu Bác lòng ta trong sáng hơn”…
VŨ ÂN THY