BigC đơn phương tạm dừng đặt hàng may mặc Việt

Chiều 3-7, nhiều doanh nghiệp (DN) dệt may đã tìm đến trụ sở chính của Tập đoàn Central Group Việt Nam (sở hữu hệ thống siêu thị BigC Việt Nam) ở quận Bình Thạnh, TPHCM để phản đối việc BigC đơn phương tạm ngưng đặt mua hàng may mặc của các DN này.
Đại điện một số doanh nghiệp dệt may Việt chờ gặp lãnh đạo Tập đoàn Central Group Việt Nam, tại trụ sở của tập đoàn này ở TPHCM chiều 3-7
Đại điện một số doanh nghiệp dệt may Việt chờ gặp lãnh đạo Tập đoàn Central Group Việt Nam, tại trụ sở của tập đoàn này ở TPHCM chiều 3-7

Bất ngờ, thất vọng

Đó là chia sẻ của nhiều DN  với phóng viên Báo SGGP tại trụ sở của Tập đoàn Central Group Việt Nam về quyết định tạm ngưng đặt hàng may mặc của họ.

Theo các DN này, trước đó, vào 8 giờ tối 2-7, Tập đoàn Central Group Việt Nam bất ngờ gửi thư thông báo tạm ngừng đặt hàng theo hợp đồng hợp tác thương mại đã được ký kết giữa 2 bên.

Nguyên nhân được đưa ra là: “Có sự thay đổi chiến lược phát triển mô hình ngành hàng may mặc cho phù hợp với chỉ đạo của tập đoàn tại Thái Lan”. “Chúng tôi quyết định tạm dừng hoạt động thu mua các sản phẩm may mặc từ các nhà cung cấp ngành hàng may mặc tại Việt Nam, kể từ tháng 7-2019. Các vấn đề phát sinh trước ngày 2-7-2019 sẽ tiếp tục giải quyết theo quy định của Hợp đồng Hợp tác thương mại giữa hai bên”, nội dung thư nhấn mạnh.

Bà Đỗ Thị Thùy Dung, Giám đốc Công ty cổ phần Ấn Tượng Việt, đơn vị đã cung cấp mặt hàng áo quần cho hệ thống BigC 13 năm qua, cho biết thêm, với thông báo bất ngờ này, BigC đã tỏ ra thiếu thiện chí với nhà cung cấp. Hợp đồng cung cấp hàng thường được 2 bên tái ký vào tháng 2 và tháng 7 mỗi năm, nhưng năm nay đợi đến 30-6 phía Công ty cổ phần Ấn Tượng Việt vẫn chưa thấy thông báo gì. Sau đó, công ty nhận được thông báo này vào 8 giờ tối như đã nêu.

“Chúng tôi không biết phải trả lời sao với khoảng 100 công nhân đang làm việc, chưa kể lượng hàng lớn, gồm sản phẩm may sẵn, vải vóc… thiết kế riêng cho hệ thống siêu thị BigC còn ở trong kho”, bà Thùy Dung nói.

Cùng tâm trạng này, đại diện một DN giấu tên nhận xét, phía BigC xử lý đột ngột, cực kỳ khó hiểu. Vị đại diện DN này nhắc lại câu chuyện trước đó, Tập đoàn Central Group Việt Nam nhận chuyển giao BigC từ Casino Group (Pháp) đã cam kết rõ ràng với các nhà cung ứng là tiếp tục hợp tác, nhưng nay lại ngưng bất ngờ.

“Chúng tôi đã ở thế bị động. Biết ăn nói sao với người lao động khi lương, các chế độ phúc lợi khác phụ thuộc hoàn toàn vào việc sản xuất này… Tập đoàn Central Group Việt Nam nên xem xét kỹ và có câu trả lời thỏa đáng cho hàng trăm DN chuyên ngành hàng may mặc như chúng tôi”, giám đốc một DN giấu tên nói.

Cũng trong chiều 3-7, một số DN cho biết hàng hóa giao cho một số siêu thị BigC đã không được nhận.
Doanh nghiệp thiệt đơn, thiệt kép
Ông Phạm Xuân Hồng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam; Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TPHCM - cho biết, việc hệ thống BigC ngưng tiếp nhận sản phẩm may mặc của nhiều DN mà không thông báo trước một thời gian hợp lý nhất định, chắc chắn sẽ gây thiệt hại lớn cho DN. Tất nhiên, để có cơ sở xác định rõ vấn đề này, trước hết phải xem việc ngưng tiếp nhận hàng may mặc từ các DN dệt may của hệ thống siêu thị BigC có phù hợp với các điều khoản đã ký trong hợp đồng hay không. Nếu không đúng như hợp đồng thì DN cung cấp hàng có thể kiện BigC ra tòa án kinh tế.
Theo đó, DN sẽ thẩm định và thống kê những thiệt hại của mình. Thiệt hại này không đơn thuần là hàng hóa đang bán mà còn là hàng hóa đang sản xuất, nguyên liệu nhập khẩu hoặc thu mua để phục vụ cho hợp đồng cung ứng. Ở góc độ cao hơn, tùy vào giá trị của hợp đồng, DN có thể còn phải mở rộng nhà xưởng sản xuất để đáp ứng đơn hàng của nhà phân phối. Do vậy, những thiệt hại của DN cung ứng cần được thống kê đầy đủ để buộc hệ thống siêu thị BigC phải bồi thường.
Hiện Hội Dệt may thêu đan TPHCM đang xác định thiệt hại của các hội viên để hỗ trợ tư vấn về pháp lý. Ông Phạm Xuân Hồng cũng cho biết, hiệp hội đang rà lại thông tin từ những DN có hàng gửi bán tại BigC. Theo ông, hành động của BigC như vậy là bất thường, vì siêu thị tại Việt Nam nên ưu tiên sản phẩm Việt Nam cho thị trường Việt Nam.

Còn theo chuyên gia thị trường Vũ Vinh Phú, BigC được hưởng rất nhiều ưu đãi khi đầu tư tại Việt Nam. Ông Phú cho rằng, Việt Nam đã “trải chiếu hoa” mời BigC vào làm ăn kinh doanh. Ở khía cạnh tích cực, họ đã góp phần kích thích DN sản xuất tại Việt Nam phát triển. Nhưng ngược lại, họ cũng có mặt trái.

BigC nói gì?

Tối 3-7, trả lời phóng viên Báo SGGP, đại diện BigC khẳng định, việc tìm kiếm các nguồn cung ứng hàng hóa là nhà cung cấp Việt Nam luôn là ưu tiên hàng đầu trong kế hoạch phát triển.
“Hiện tại, BigC Việt Nam đang trong quá trình xem xét cùng với hơn 200 nhà cung cấp hàng may mặc để phát triển các sản phẩm với chất lượng tốt nhất nhằm thỏa điều kiện không chỉ cho thị trường trong nước mà còn hướng tới xuất khẩu sang các thị trường tiềm năng. Việc tạm dừng các đơn đặt hàng chỉ là tạm thời và BigC Việt Nam khẳng định không dừng hoạt động kinh doanh của ngành hàng may mặc tại Việt Nam”, đại diện BigC cho biết.

Theo phản ánh của DN, để đưa được hàng vào BigC, DN phải chiết khấu “cứng”, chiết khấu “mềm” rất cao. Trong những năm qua, một số DN lớn của Việt Nam đã phải rời khỏi BigC như trường hợp của Thế giới di động. Nhiều DN sản xuất nhãn hàng riêng cho BigC cũng ngừng sản xuất từ năm 2017…

Ông Phú cho rằng: “Xét về đạo đức kinh doanh, họ kinh doanh trên đất Việt Nam mà làm như vậy là không thể chấp nhận được”.

Nhận định về “hiện tượng” này, chuyên gia kinh tế Huỳnh Thanh Điền, Đại học Kinh tế TPHCM, cho rằng, hệ thống bán lẻ là một trong những đầu ra cực kỳ quan trọng cho các DN. Không phải ngẫu nhiên, nhiều quốc gia khi đầu tư ở nước ngoài bao giờ cũng “mua” hệ thống phân phối trước, sau đó mới dần đưa hàng hóa vào. Vì thế, Việt Nam phải thận trọng với thị trường bán lẻ vì đây là đầu ra cho sản phẩm Việt.

Chưa biết “vụ BigC” sẽ giải quyết ra sao nhưng đây cũng là kinh nghiệm cho các nhà quản lý. Nhà nước nên có các hỗ trợ hợp lý cho hệ thống bán hàng Việt Nam phát triển để đảm bảo hàng Việt không bị mất thị phần ngay trên thị trường trong nước. Ngược lại, các DN Việt cũng phải từng bước nâng chất hàng hóa của mình, để vững chân không chỉ trong nước mà còn ở nước ngoài.

Ở góc độ quản lý Nhà nước, bà Nguyễn Huỳnh Trang, Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM, cho biết, hiện sở đang yêu cầu Tập đoàn Central Group báo cáo về việc ngưng tiếp nhận sản phẩm may mặc từ DN Việt Nam đang cung ứng hàng trong hệ thống BigC.

Ngoài ra, sở sẽ làm việc với các DN, hiệp hội dệt may để nắm toàn bộ vấn đề, xác định cụ thể nguyên nhân dẫn đến việc BigC ngưng tiếp nhận sản phẩm may mặc của các DN. Đây sẽ là cơ sở để có biện pháp xử lý phù hợp, đảm bảo quyền lợi hợp pháp của DN Việt Nam.

Tin cùng chuyên mục