Bình Chánh: Chăn nuôi vượt qua trồng trọt

Bình Chánh, 1 trong 5 huyện ngoại thành TPHCM, có tốc độ tăng trưởng bình quân đạt trên 19%/năm.

(SGGP).- Bình Chánh, 1 trong 5 huyện ngoại thành TPHCM, có tốc độ tăng trưởng bình quân đạt trên 19%/năm.

Cơ cấu kinh tế của huyện chuyển dịch theo hướng ngành công nghiệp - xây dựng giữ vai trò động lực tăng trưởng chính (chiếm 80,8%, tăng bình quân 20,3%/năm); ngành thương mại - dịch vụ tiếp tục phát triển, quy mô kinh doanh ngày càng mở rộng, từng bước hình thành một số trung tâm thương mại văn minh (chiếm 16,5%, tăng bình quân 17,2%/năm); nông nghiệp chỉ còn 2,7%. Ngành nông nghiệp huyện Bình Chánh chuyển dịch theo hướng tích cực khi tỷ trọng chăn nuôi đã vượt qua trồng trọt, các mô hình chuyển đổi cây trồng tiếp tục được nhân rộng (hoa lan, cây kiểng, cá cảnh, rau an toàn), mang lại hiệu quả kinh tế cao, bình quân đạt từ 200 triệu - 1,2 tỷ đồng/ha/năm (tăng bình quân 4,7%/năm). Tốc độ tăng thu ngân sách nhà nước đạt 20,4%, từ năm 2010 đến 2015 thu, nộp ngân sách trên 4.000 tỷ đồng.

Từ một huyện với cơ sở hạ tầng trên địa bàn chưa đồng bộ, nạn ô nhiễm môi trường, dân số cơ học tăng nhanh gây nhiều khó khăn cho công tác quản lý của địa phương, giờ đây UBND huyện cùng người dân Bình Chánh đã tạo nên bộ mặt mới khi cơ sở hạ tầng dần được đầu tư hoàn thiện, đáp ứng nhu cầu sản xuất và dân sinh, thu nhập bình quân đầu người trên 40,4 triệu đồng/người/năm.

ĐẶNG CÔNG

Xây dựng tổ hợp trang trại bò sữa công nghệ cao

(SGGP).- Công ty cổ phần Vinamilk vừa khởi công xây dựng tổ hợp trang trại chăn nuôi bò sữa công nghệ cao tại huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa với 2.500ha (trong đó 147ha xây dựng trang trại và 1.600ha phát triển nguyên liệu thức ăn thô xanh), tổng vốn đầu tư 1.600 tỷ đồng.

Tổ hợp trang trại bò sữa được thiết kế bởi nhà thầu GEA Farm Technologies (Mỹ). Công nghệ chăn nuôi tiên tiến, giúp tối ưu hóa việc vận hành khi trang trại đi vào hoạt động, đáp ứng các điều kiện tiêu chuẩn ISO 9001-2008 và tiêu chuẩn GLOBAL GAP. Việc vệ sinh, xử lý chất thải, bảo vệ môi trường áp dụng các công nghệ tiên tiến nhất. Hệ thống làm mát dạng phun tắm tự động; hệ thống dự trữ thức ăn, chế biến thức ăn được đầu tư đồng bộ; hệ thống kiểm soát chất lượng sản phẩm, quản lý đàn, hỗ trợ sinh sản, giám sát sức khỏe hoàn toàn tự động. Các dữ liệu được truyền tải về trụ sở chính của công ty tại TPHCM. Quy mô đàn 16.000 con, có thể lên 24.000 con giai đoạn 2, cung cấp sữa trên 98.000kg/ngày, hơn 36 triệu lít/năm.

Dự kiến, tổ hợp trang trại sẽ hoạt động vào năm 2017.

CÔNG PHIÊN

Nestlé chế biến và bán cà phê Việt Nam tại 22 nước

(SGGP).- Hơn 300 nông dân trồng cà phê đã được Nestlé Việt Nam đào tạo trở thành những hướng dẫn viên. Qua đó, năm 2014, Nestlé Việt Nam đã chuyển giao kỹ thuật gieo trồng và chăm sóc cà phê cho khoảng 21.000 nông dân vùng Tây Nguyên. Năm nay, chương trình hỗ trợ tiếp tục được thực hiện trên quy mô tương tự. Trước đó, Tập đoàn Thực phẩm Nestlé (Thụy Sỹ) cử 8 chuyên gia tới vùng Tây Nguyên tập huấn những nông dân trồng cà phê, để nâng cao chất lượng hạt cà phê và sản lượng thu hoạch.

Về lâu dài, những nông dân được đào tạo áp dụng các quy chuẩn trong quá trình chăm sóc để hạt cà phê chất lượng hơn, Nestlé mua lại những hạt cà phê chất lượng cao này. Theo ông Ganesan Ampalavanar, Tổng Giám đốc Nestlé Việt Nam, năm 2014 công ty mua hơn 20% trong số 1,7 triệu tấn hạt cà phê thu hoạch tại Việt Nam, sau đó chế biến và xuất khẩu tới các nhà máy của tập đoàn tại 22 nước.

ĐĂNG LÃM

Tin cùng chuyên mục