Bình đẳng để phát triển bền vững

Theo báo cáo công bố ngày 20-10 của Diễn đàn Kinh tế thế giới về tình hình bình đẳng giới toàn cầu năm 2010, trong số 134 quốc gia có tên trong danh sách, Iceland tiếp tục nhận danh hiệu là nơi có môi trường sống lý tưởng nhất đối với phụ nữ. Tuy không dẫn đầu các tiêu chuẩn như bình đẳng về cơ hội hoạt động kinh tế, về giáo dục, về chăm sóc y tế… nhưng quốc gia này đã ghi điểm vì trở thành nơi tạo điều kiện tốt nhất trong bình đẳng giới.

Năm 2009, Iceland ghi nhận nỗ lực bảo vệ quyền bình đẳng giới của mình với sự kiện có vị nữ Thủ tướng đầu tiên, bà Johanna Sigurdardottir. Đây cũng chính là vị lãnh đạo đầu tiên trên thế giới công khai quan hệ đồng tính. Trong 11 thành viên nội các của Thủ tướng này, có đến 5 phụ nữ.

Nhưng đáng tiếc, trường hợp như Iceland không nhiều, nếu không nói là hiếm hoi. Báo cáo có tựa đề “Phụ nữ thế giới năm 2010” của LHQ chỉ rõ tỷ lệ nữ nguyên thủ các nước thành viên LHQ hiện nay vẫn vô cùng khiêm tốn với mức chưa đến 5%.

Ở nhóm được đánh giá cao nhất về đẩy mạnh quyền phụ nữ trong chính phủ gồm 23 nước, tỷ lệ lãnh đạo nữ chỉ 30%. Ở khu vực Đông Á, Trung Quốc là nước có số lượng nữ lãnh đạo chiếm tỷ lệ cao nhất với 21%. Buồn hơn, các quốc gia như Belize, Micronesia, Oman, Qatar, Saudi Arabia và đảo quốc Solomon không có bóng hồng nào trong Quốc hội. Đó là trong phạm vi hoạt động chính trị.

Ở lĩnh vực kinh tế, quyền lãnh đạo của phụ nữ lẽ ra phải được nhắc đến và đẩy mạnh tại các tập đoàn kinh tế - tài chính. Tuy nhiên, thống kê được thực hiện đối với 500 doanh nghiệp lớn nhất toàn cầu cho thấy chỉ có 13 tập đoàn có nữ giám đốc điều hành (chiếm 2,6%).

Trong khi đó, những rủi ro đối với phụ nữ lại tăng với cấp số nhân. Đi kèm với báo cáo này, LHQ khẳng định, nạn bạo lực về tâm lý, tình dục và thể chất phụ nữ thế giới đang gánh chịu đã trở thành vấn đề nghiêm trọng. Theo báo cáo, chỉ riêng tại CH Congo, 15.000 phụ nữ đã bị cưỡng bức trong năm vừa qua. Các cuộc khảo sát được thực hiện riêng biệt cho thấy bạo hành phụ nữ không chừa một quốc gia nào.

Tại Trung Quốc, 12% phụ nữ được hỏi xác nhận rằng họ đã từng là nạn nhân của nạn bạo hành trong một thời gian khá dài. Ở Đức 40%, Australia và Zambia là 50% và 60%. Còn Ấn Độ và Anh, khoảng 20% phụ nữ khẳng định họ là nạn nhân của chính chồng mình.

Những chính sách, những lời hô hào e rằng chỉ mới cần thôi chứ chưa đủ xóa bỏ quan niệm “trọng nam khinh nữ” tồn tại đã rất lâu trong đời sống ở mọi miền trên thế giới. Quan trọng nhất vẫn là nhận thức dẫn tới hành động của mỗi cá nhân.

Nhiều chuyên gia xã hội học từng khẳng định: Khi nào cụm từ “bình đẳng giới” còn tồn tại, khi ấy vẫn chưa có bình đẳng thực sự, trong khi thế giới đang ngày càng hiện đại hơn, đa dạng hơn với mục tiêu là phát triển bền vững. Do vậy, một trong những yếu tố tạo nên sự bền vững này chính là sự bình đẳng và cân bằng về vai trò của hai giới trong mọi lĩnh vực đời sống. 

NHƯ QUỲNH

Tin cùng chuyên mục