Bình đẳng giới

Bình đẳng giới được hiểu là nam nữ có vị trí, vai trò ngang nhau, được tạo điều kiện và cơ hội phát huy năng lực của mình cho sự phát triển của cộng đồng, của gia đình và thụ hưởng như nhau vì thành quả của sự phát triển đó. Đối với Việt Nam, bình đẳng giới là một trong những mục tiêu quan trọng mà Bác Hồ, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm nhằm tăng cường hơn nữa vai trò phụ nữ trong đời sống xã hội. Hiến pháp năm 2013 đã nêu: Công dân nam, nữ bình đẳng về mọi mặt. Nhà nước có chính sách bảo đảm quyền và cơ hội bình đẳng giới.

Bình đẳng giới được hiểu là nam nữ có vị trí, vai trò ngang nhau, được tạo điều kiện và cơ hội phát huy năng lực của mình cho sự phát triển của cộng đồng, của gia đình và thụ hưởng như nhau vì thành quả của sự phát triển đó. Đối với Việt Nam, bình đẳng giới là một trong những mục tiêu quan trọng mà Bác Hồ, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm nhằm tăng cường hơn nữa vai trò phụ nữ trong đời sống xã hội. Hiến pháp năm 2013 đã nêu: Công dân nam, nữ bình đẳng về mọi mặt. Nhà nước có chính sách bảo đảm quyền và cơ hội bình đẳng giới.

Hiện nay, chúng ta đã đạt được những thành tựu nhất định về bình đẳng giới. Những vị trí quan trọng trong Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội - nghề nghiệp, phụ nữ đảm nhận với tỷ lệ khá. Đại biểu Quốc hội nữ chiếm 24,4%, đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh chiếm 25,2%, cấp huyện 24,6%, cấp xã 21,7%. Lao động nữ là 48,5%, nhiều ngành sản xuất, dịch vụ như nông nghiệp, chế biến, dệt may, y tế, giáo dục… có tỷ lệ nữ cao.

Nữ học sinh phổ thông chiếm 49,4% và nữ sinh viên đại học, cao đẳng chiếm 49,6%. Doanh nghiệp do nữ doanh nhân làm chủ chiếm 1/3. Các nữ doanh nhân làm ăn linh hoạt, thận trọng và chắt chiu, có tỷ lệ trụ vững cao trong khó khăn.

Tuy nhiên, những hạn chế, bất cập và thách thức về bình đẳng giới là không nhỏ. Tư tưởng định kiến vẫn còn. Tỷ số chênh lệch giới tính trẻ em mới sinh là 111,9 trẻ em trai/100 trẻ em gái. Tình trạng bạo lực gia đình, tệ nạn mại dâm, buôn bán phụ nữ, trẻ em…còn diễn biến phức tạp. Nhiều vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa… phụ nữ còn bị ràng buộc bởi phong tục, tập quán lạc hậu. Những công việc không chính thức và dễ bị tổn thương, có tỷ lệ nữ nhiều. Tiền công của lao động nữ thấp, bằng 69% so với nam. Tỷ lệ nữ lãnh đạo, quản lý của Việt Nam, nhất là những vị trí then chốt, vị trí ra quyết định còn ít. Tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội đạt thấp nhất trong 4 khóa gần đây. Riêng ở TPHCM, tỷ lệ nữ trong Ban Thường vụ Thành ủy đạt khá, có 5/17 là nữ; có 5 bí thư cấp ủy và 4/24 chủ tịch UBND các quận - huyện là nữ.

Mặc dù Việt Nam đã có Luật Bình đẳng giới, có Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới với các mục tiêu tiến bộ nhưng so với thực tế thì khoảng cách còn lớn và chưa quy định về trách nhiệm giải trình.

Trong công cuộc đổi mới, hội nhập và phát triển, chúng ta phấn đấu trở thành quốc gia có thành tựu bình đẳng giới tiến bộ của khu vực và coi trọng việc phát triển đội ngũ cán bộ nữ lãnh đạo, quản lý các cấp cả về số lượng, chất lượng và cơ cấu hợp lý. Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011 - 2020, có chỉ tiêu khá cao (nữ tham gia cấp ủy Đảng nhiệm kỳ 2011 - 2015 là 25% trở lên, 2016 - 2020 là 30% trở lên; nữ tham gia đại biểu Quốc hội, HĐND từ 30% - 35% trở lên. Phấn đấu 2015 đạt 80% và 2020 đạt 95% bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc chính phủ, UBND có cán bộ lãnh đạo chủ chốt là nữ. Phấn đấu 2015 đạt 70% và 2020 đạt 100% cơ quan Đảng, nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội có lãnh đạo chủ chốt là nữ nếu cơ quan, tổ chức có tỷ lệ 30% trở lên nữ cán bộ công chức, viên chức, người lao động).

Việc tăng cường bình đẳng giới, nâng cao năng lực, vị thế phụ nữ là hết sức cần thiết và cũng vì lẽ công bằng - phụ nữ chiếm một nửa dân số. Phụ nữ có cách tiếp cận giới, có sự quan tâm đến các lợi ích khác nhau, có kinh nghiệm - nhất là về mặt xã hội học và sinh học. Phụ nữ thường chú trọng đến chính sách, luật pháp về bảo vệ con người và môi trường, về phát triển bền vững. Khi ở những vị trí ra quyết định, phụ nữ luôn đưa ra những định hướng sáng tạo trong môi trường cạnh tranh để tạo ra sự ổn định và tăng trưởng kinh tế…

Bình đẳng giới tạo cơ hội cho sự phát triển của phụ nữ, đẩy mạnh công tác cán bộ nữ không phải là công việc dễ làm và ai cũng nhận thức đúng tầm quan trọng. Ngoài chính sách, cần có sự thấm nhuần về bình đẳng giới, trong đó đòi hỏi bản thân phụ nữ phải không ngừng phấn đấu vươn lên tự khẳng định mình mới có sự phát triển bền vững. Và xã hội ủng hộ cho cuộc vươn lên này. Cùng với đẩy mạnh việc kiểm tra, giám sát thực hiện chính sách pháp luật, thúc đẩy sự quan tâm sâu sắc, toàn diện về bình đẳng giới.

Nhân ngày 8-3 nói về bình đẳng giới, một trong những mục tiêu mà chúng ta đang phấn đấu. Và năm nay, chúng ta còn tổ chức các hoạt động hướng tới ngày Quốc tế Hạnh phúc 20-3 – lần đầu tiên được tổ chức ở Việt Nam với các hoạt động thiết thực vì mục tiêu nâng cao chất lượng sống tốt và hạnh phúc con người. Hy vọng tinh thần 8-3, 20-3 thấm sâu và lan tỏa.

PHẠM PHƯƠNG THẢO

Tin cùng chuyên mục