Họ là những người rất bình thường nhưng công việc của họ từng ngày lan tỏa trong xã hội và nhận được sự tin yêu, quý trọng của những người xung quanh. Với họ, sự hết mình vì công việc, tận tâm với cộng đồng là cách thiết thực nhất làm theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Hết lòng vì mọi người...
Sự nể phục, yêu thương là tình cảm mà các công nhân Công ty TNHH May - thương mại Hữu Nghị II (trụ sở tại phường Sơn Kỳ, quận Tân Phú) dành cho Giám đốc Nguyễn Thị Hồng Phiệt. Quản lý hàng trăm công nhân, công việc bộn bề vậy mà cô Phiệt vẫn thấu hiểu hoàn cảnh từng người và chăm lo bằng tấm lòng của người mẹ, người chị.
Ông Nguyễn Văn Quý, 57 tuổi, là một trường hợp khó khăn tại công ty. Gần đây do sức khỏe kém nên ông không thể làm việc ở tổ đóng gói được. Ông kể: “Biết hoàn cảnh tôi khó khăn, phải nuôi mẹ già hơn 90 tuổi nên chị Phiệt không đành lòng cho nghỉ việc mà giữ tôi lại, chuyển tôi sang công việc làm vườn với công việc đơn giản, thời gian tự do. Ngoài tiền lương, mỗi tháng tôi còn được hưởng trợ cấp 500.000 đồng/tháng. Nếu không có sự giúp đỡ của chị Phiệt, mẹ con tôi không biết dựa vào đâu để sống”.
Không chỉ riêng anh Quý, nhiều người ở công ty cũng được chị Phiệt quan tâm với tấm lòng rộng mở như vậy. Ở công ty ai cũng biết chuyện cách đây chục năm, con của một công nhân bị bệnh tim bẩm sinh, bác sĩ yêu cầu phải mổ nhưng anh không có tiền và cũng phân vân vì tỷ lệ thành công không cao. Biết chuyện, chị Phiệt đã góp tiền và kêu gọi mọi người chung tay giúp cháu bé được mổ tim. Nay cháu đã học đến lớp 5, rất mạnh khỏe, thông minh. Hay như cô Nhung ở chuyền 3 bị tai nạn giao thông, bị chấn thương sọ não, dập lá lách. Chị Phiệt không chỉ vào bệnh viện thăm nom thường xuyên mà còn vận động anh chị em trong công ty góp tiền, hiến máu cứu cô Nhung.
Tấm lòng của cô Nguyễn Thị Phiệt không giới hạn chỉ ở trong công ty. Nhờ công ty ăn nên làm ra, mỗi năm, cô Phiệt đều dành khoảng 200 triệu đồng làm công tác xã hội. 18 năm qua, cô còn tích cực đóng góp cho các quỹ học bổng của TP và của quận… Từ năm 2003 đến nay, cô nhận đỡ đầu cho Cơ sở Thiên Phước (huyện Củ Chi) và hàng tháng hỗ trợ 1 tạ gạo cho các cháu ở Trường chuyên biệt Bình Minh (quận Tân Phú).
Bên cạnh đó, với tấm lòng hướng về cán bộ, chiến sĩ cùng biên giới, hải đảo, cô Phiệt cùng công ty kết nghĩa với các đơn vị bộ đội biên phòng đóng ở Đồn 558 (huyện Cần Giờ, TPHCM), Đồn 404 (tỉnh Bình Thuận), Đồn Lũng Cú Mèo Vạc (tỉnh Hà Giang). Ngưỡng mộ và kính trọng Bác Hồ, bất kỳ lúc nào đọc được lời Bác dạy cô đều chép vào sổ tay để học hỏi. Cô tâm sự: “Càng học, tôi càng thấm thía chiều sâu trong từng lời dạy của Bác. Những lời Bác dạy là lời răn, là chân lý để tôi noi theo, nhất là cái đức hết lòng vì mọi người. Tôi muốn học Bác để làm con người tốt sống giữa cộng đồng”.
Vì sự bình yên của người dân
5 năm công tác tại Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội - Công an quận Tân Phú cũng là khoảng thời gian thiếu úy Đoàn Hồng Phúc cùng đồng đội đấu tranh khám phá nhiều chuyên án giết người, trộm cắp, cướp giật tài sản… Bằng sự mưu trí và dũng cảm, anh đã không ít lần buộc tội phạm phải sa lưới. Trong đó, đáng nhớ nhất là vụ án giết người vì mâu thuẫn tình cảm xảy ra trước một căn nhà ở đường Gò Dầu phường Tân Quý vào tối 26-4-2008. Từ lời khai của nhân chứng, anh Phúc xác định được lai lịch hung thủ nhưng khi tìm đến nhà trọ thì hắn đã bỏ trốn.
Dự đoán hung thủ sẽ đưa người tình vừa sinh con trốn về quê ở tỉnh Bắc Giang, anh cùng đồng đội ra bến xe Ngã tư Ga đón lõng. Chiều 27-4-2008, phát hiện một người đàn ông đi cùng một cô gái nhét bông gòn trong lỗ tai, quấn khăn che kỹ lưỡng (dấu hiệu của một sản phụ), anh xác định 60% đây là kẻ cần tìm. Để chắc chắn, anh gọi vào số máy của tên này. Sau khi rút điện thoại ra nghe, hắn bị các trinh sát của đội bắt giữ.
Mới đây, trên đường tuần tra, phát hiện một thanh niên có dấu hiệu khả nghi, anh Phúc yêu cầu dừng xe để kiểm tra thì bất ngờ đối tượng này rút roi điện chích vào người anh rồi bỏ chạy. Quyết không để đối tượng trốn thoát, anh Phúc nhào theo ôm chặt, mặc cho tên này tiếp tục chích điện mình để người dân có thời gian hỗ trợ bắt giữ. Tại cơ quan công an, đối tượng khai nhận chiếc xe gắn máy đang sử dụng là tang vật trong một vụ trộm trước đó ở quận Bình Tân.
Hàng ngày, công việc của thiếu úy Đoàn Hồng Phúc là tham gia xác minh các vụ trọng án, rà soát các tụ điểm tệ nạn xã hội trên địa bàn, gọi hỏi răn đe đối tượng sưu tra. Dù bận rộn là vậy, anh vẫn luôn dành thời gian gần gũi, tâm sự cùng các cô chú cán bộ khu phố, cán bộ hưu trí, cựu chiến binh để tìm hiểu tình hình trật tự xã hội tại địa phương.
Bác Nguyễn Văn Sanh, nhà số 15 đường 19 phường Tân Quý, trìu mến nói: “Dù đã chuyển sang phụ trách địa bàn khác, nhưng chỉ cần tụi tui kêu là Phúc “béo” (tên gọi thân mật người dân dành cho anh) có mặt. Phúc làm việc nghiêm túc nhưng cũng sống rất tình cảm nên bà con thương lắm”. Về phần mình, chàng thiếu úy 27 tuổi chân thành tâm sự: “Cũng có lúc tôi thoáng lo lắng mình và đồng đội gặp nguy hiểm vì bọn tội phạm ngày càng liều lĩnh, xảo quyệt. Nhưng nỗi lo đó qua nhanh, nhường chỗ cho niềm hạnh phúc mỗi khi chúng tôi phá xong một vụ án, bảo vệ bình yên cho người dân”.
Ái Chân