Bình Định: Bổ sung mới cụm công nghiệp 65ha, thu hút các dự án sạch

Ngay khi được bổ sung vào quy hoạch phát triển cụm công nghiệp toàn tỉnh, cụm công nghiệp Giao Hội (thị xã Hoài Nhơn) đã thu hút được dự án sản xuất gỗ tổng vốn đến gần 3.400 tỷ đồng.

Vừa qua, UBND tỉnh Bình Định đã ban hành quyết định về việc bổ sung vào Cụm công nghiệp (CCN) Giao Hội (thị xã Hoài Nhơn, Bình Định) và quy hoạch phát triển CCN toàn tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2035. CCN Giao Hội có quy mô diện tích 65ha, địa điểm tại khu phố Giao Hội 1, phường Hoài Tân, thị xã Hoài Nhơn (Bình Định).

Một góc thị xã Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định từ trên cao

Ngành nghề thu hút chính, gồm: chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre nứa (trừ giường, tủ, bàn, ghế) và sản xuất sản phẩm từ rơm, rạ và vật liệu tết bện (mã ngành C16); sản xuất giường, tủ, bàn, ghế (mã ngành C31); một số ngành sản xuất hàng tiêu dùng, hàng công nghiệp phụ trợ khác... Trong đó, ưu tiên các ngành ít gây ô nhiễm môi trường.

Mới đây, giữa tháng 11-2021, UBND tỉnh Bình Định chấp thuận chủ trương đầu tư dự án nhà máy sản xuất ván MDF, HDF và OKAL Bình Định (Công ty CP Lâm nghiệp Kim Thành Lập) đầu tư vào CCN Giao Hội với tổng vốn 4.371 tỷ đồng, tổng diện tích 45ha.

Mục tiêu dự án, xây dựng mới nhà máy chế biến gỗ nhằm khai thác và vận dụng những thế mạnh và thuận lợi của địa phương để giảm chi phí trong sản xuất, tăng tính liên kết hệ thống sản xuất ván MDF, HDF, OKAL trong khu vực, góp phần phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.

Các khu, cụm công nghiệp phát triển xanh. Ảnh minh họa - nguồn UBND tỉnh Bình Định

Dự án có quy mô sản xuất giai đoạn 1 gồm: sản xuất 180.000m3 ván dăm OKAL/năm; sản xuất 425.250m3 sản phẩm ván gỗ/năm (trong đó: Ván gỗ MDF là 232.500m3/năm; ván gỗ HDF là 192.750m3/năm).

Đây là dự án chuyên về sản xuất gỗ lớn đầu tư vào thị xã Hoài Nhơn, kỳ vọng sẽ đóng góp vào giá trị sản xuất công nghiệp, kim ngạch xuất khẩu; giải quyết việc làm, tạo thu nhập cho người lao động tại thị xã này. Nâng cao giá trị, đầu ra cho các nguyên liệu gỗ rừng trồng của người dân địa phương.

Đặc biệt, dự án góp phần tăng tính liên kết hệ thống xây dựng mới Nhà máy chế biến gỗ nhằm khai thác và vận dụng những thế mạnh và thuận lợi của địa phương để giảm chi phí trong sản xuất, tăng tính liên kết hệ thống sản xuất ván MDF, HDF, OKAL trong khu vực, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh này.

Vừa qua, Ban Quản lý KKT tỉnh Bình Định cũng đã chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư dự án Nhà máy đan nhựa giả mây và gia công cơ khí phục vụ ngành đan nhựa giả mây cho Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Nguyễn Đức, tổng vốn 8,7 tỷ đồng vào khu công nghiệp Phú Tài (TP Quy Nhơn).

Bình Định: Bổ sung mới cụm công nghiệp 65ha, thu hút các dự án sạch ảnh 3 Toàn cảnh KCN Phú Tài, TP Quy Nhơn. Ảnh minh họa
Dự án có diện tích 6.280m2, sản xuất các sản phẩm từ plastic và gia công cơ khí, quy mô gồm bàn ghế, giường tủ các loại đan nhựa giả mây 20.000 bộ sản phẩm/năm; gia công cơ khí 490 tấn sản phẩm/năm. Tiến độ đăng ký thực hiện dự án từ tháng 8-2021 đến tháng 2-2022.

Ngoài ra, BQL KKT Bình Định cũng vừa chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án đầu tư mới nhà máy hoàn thiện sản phẩm đan nhựa giả mây cấp lần đầu năm 2020, do Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Việt Mỹ Bình Định làm chủ đầu tư tại khu công nghiệp Long Mỹ (TP Quy Nhơn).

Theo đó, dự án điều chỉnh các nội dung, gồm: tên dự án là chế biến gỗ và hoàn thiện sản phẩm đan nhựa giả mây; địa điểm đầu tư tại lô BI-8, KCN Long Mỹ, xã Phước Mỹ; diện tích đất 20.209,6m2; tổng vốn đầu tư 50 tỷ đồng; quy mô gồm đan nhựa giả mây 30.000 bộ sản phẩm/năm, chế biến gỗ 2.000m3 sản phẩm/năm; tiến độ thực hiện dự án từ tháng 3-2020 đến tháng 5-2022.

Từ đầu năm 2021 đến nay, BQL KKT Bình Định đã chấp thuận chủ trương đầu tư 5 dự án về lĩnh vực đan nhựa giả mây, với tổng vốn trên 183,4 tỷ đồng.

Tin cùng chuyên mục