Bình Định lập bản đồ cảnh báo trên 300 điểm nguy cơ sạt lở đất

Ngày 30-10, ông Lê Công Nhường, Giám đốc Sở KH-CN tỉnh Bình Định cho biết, hội đồng KH-CN tỉnh vừa thống nhất, nghiệm thu đề tài “Nghiên cứu ứng dụng công nghệ GIS, viễn thám và địa kỹ thuật để khoanh vùng và cảnh báo tình trạng trượt lở đất, đá tại các khu vực trọng điểm tỉnh Bình Định và đề xuất các giải pháp ứng phó”.
Lực lượng cứu hộ, cứu nạn tỉnh Bình Định đang xử lý sự cố sạt lở núi Bà Hỏa
Lực lượng cứu hộ, cứu nạn tỉnh Bình Định đang xử lý sự cố sạt lở núi Bà Hỏa

Đề tài do Viện Địa công nghệ và Môi trường (Tổng hội Địa chất Việt Nam) thực hiện, với 3 mục tiêu, gồm: đánh giá hiện trạng, xác định nguyên nhân trượt lở đất, đá; ứng dụng các công cụ GIS, ảnh viễn thám và dữ liệu mưa vệ tinh để khoanh vùng và dự báo nguy cơ sạt, trượt lở đất đá; đề xuất giải pháp ứng phó, giảm thiểu tối đa thiệt hại do sạt lở đất đá gây ra. Quá trình khảo sát, nhóm nghiên cứu sử dụng ảnh viễn thám, phương tiện không người lái (UAV) kết hợp với khảo sát thực địa đã xây dựng được bản đồ hiện trạng sạt, trượt lở đất với trên 300 điểm tại Bình Định (187 điểm tại miền núi An Lão; 168 điểm ở khu vực ven biển huyện Phù Cát; 35 điểm ở núi Bà Hỏa, TP Quy Nhơn). 

Nhóm nghiên cứu xác định các nguyên nhân sạt, trượt lở đều do phát triển hạ tầng đường giao thông, thủy lợi, thủy điện, suy giảm rừng (phá rừng trồng keo tràm), mỏ đất, đá… Hiện, các ngành chức năng Bình Định sẽ tích hợp kết quả nghiên cứu trên với các dữ liệu cảnh báo thiên tai, mưa lũ, chuyển giao cho các đơn vị phòng chống thiên tai trên địa bàn để kịp thời cảnh báo, ứng phó khi có mưa lớn, thiên tai xảy ra.

Tin cùng chuyên mục