Bình Dương tìm giải pháp phát triển ngành logistics

GIANG ĐÌNH
Bình Dương tìm giải pháp phát triển ngành logistics

(SGGPO).- Sáng 30-6, tại ICD Tân Cảng-Sóng Thần, dưới sự chủ trì của UBND tỉnh Bình Dương, Cục Hải quan Bình Dương phối hợp cùng Tạp chí Vietnam Logistics Review tổ chức Hội thảo “Bình Dương-Tiềm năng, lợi thế phát triển logistics và vai trò của Hải quan”.

Quang cảnh hội thảo

Tại hội thảo, các chuyên gia, doanh nghiệp ngành logistics, các doanh nghiệp chủ hàng - các nhà xuất nhập khẩu cho rằng: Bình Dương tuy không có sân bay, cảng biển, vận tải đường sông thị bị độ tĩnh không của cầu hạn chế việc vận chuyển bằng container, xà lan, các cảng sông chỉ có thể tiếp nhận được tàu trọng tải không quá 2.000 tấn…nhưng tỉnh có nhiều lợi thế khác như giáp TPHCM và Đồng Nai - 2 địa phương có tốc độ phát triển kinh tế sôi động bậc nhất cả nước, luôn đứng trong top đầu về thu hút vốn đầu tư nước ngoài với cơ sở hạ tầng hiện đại, phát triển đồng bộ, kết nối với nhiều vùng kinh tế khác trong nước và khu vực. Bình Dương tập trung nhiều khu công nghiệp hiện đại quy mô lớn, có khả năng sản xuất khối lượng lớn hàng hóa sản phẩm phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 28 khu công nghiệp và 8 cụm công nghiệp hoạt động. Về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, tỉnh có 2.700 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 24,7 tỷ USD. Kim ngạch xuất nhập khẩu của tỉnh đạt hơn 34,7 tỷ USD vào năm 2015, trong đó xuất siêu gần 5 tỷ USD. Riêng 6 tháng đầu năm 2016, Bình Dương xuất siêu hơn 1,9 tỷ USD.

Đối với hoạt động logistics, hiện trên địa bàn tỉnh Bình Dương có khoảng 48 doanh nghiệp cung ứng các dịch vụ logistics như vận tải và cho thuê container, kho bãi, nhà xưởng, dịch vụ đóng nhãn, thu gom và phân phối hàng hóa, dịch vụ giao nhận hàng hóa và khai thuê hải quan, đại lý vận tải…

Hoạt động vận chuyển hàng hóa tại ICD Tân Cảng - Sóng Thần.

Vì vậy, để ngành dịch vụ logistics của tỉnh Bình Dương phát triển ngoài việc các doanh nghiệp không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ, các cấp quản lý nhà nước cần có những chính sách đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng giao thông đồng bộ, quy hoạch những trung tâm logistics có vị trí và năng lực phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi thương mại cho các doanh nghiệp dịch vụ logistics hoạt động có hiệu quả.

GIANG ĐÌNH

Tin cùng chuyên mục