Hơn 3 năm TPHCM triển khai thực hiện bình ổn đối với các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu đã tạo được uy tín, có sức lan tỏa mạnh mẽ. So với những năm trước, chương trình năm nay đã thực sự lớn mạnh. Số lượng hàng hóa cung ứng cho thị trường ngày càng đa dạng do có sự vào cuộc của nhiều thành phần doanh nghiệp (DN).
Hàng bình ổn chiếm 25%-30% thị phần
Chương trình Bình ổn thị trường các mặt hàng lương thực, thực phẩm năm 2013 - Tết Giáp Ngọ 2014 được triển khai từ ngày 1-4-2013 đến ngày 31-3-2014 với 5 ngân hàng tham gia tài trợ tín dụng ưu đãi và 31 DN sản xuất, kinh doanh, cung ứng hàng hóa, tăng 6 DN so với năm 2012.
Về mặt hàng, chương trình tiếp tục thực hiện bình ổn thị trường đối với 9 nhóm hàng như năm 2012, có bổ sung thêm chủng loại hàng hóa: mì, bún khô, thủy hải sản khô… Lượng hàng hóa của chương trình chiếm thị phần từ 25% - 30% trong tháng thường và 30% - 40% trong tháng tết. So với năm ngoái, năm nay lượng hàng tăng từ 10% - 80% ở các tháng thường và từ 3% - 67% trong tháng tết.
Ông Văn Đức Mười, Tổng Giám đốc Công ty Vissan cho biết, việc triển khai thực hiện chương trình đã và đang diễn ra khá thuận lợi, đặc biệt là về vốn. Năm nay, ngoài hạn mức các sở, ngành duyệt cho Vissan vay hơn 100 tỷ đồng từ nguồn vốn ưu đãi 6%/năm, thì phần vốn vay thêm, các ngân hàng cũng đều áp dụng lãi suất ngang bằng với mức lãi trong hạn mức. Với cách triển khai chương trình hoàn toàn mới, các DN tham gia chương trình được chủ động hơn về nhiều mặt và không bị áp lực nhiều từ việc sử dụng nguồn vốn từ ngân sách với lãi suất 0%.
Bà Nguyễn Thị Hạnh, Tổng Giám đốc Liên hiệp HTX Thương mại TPHCM (Saigon Co.op) cũng cho rằng, dù không còn vay vốn từ ngân sách với lãi suất 0% nhưng Saigon Co.op vẫn thực hiện việc ứng vốn cho các DN, các HTX vệ tinh để phát triển sản xuất, chuẩn bị hàng hóa cung ứng cho chương trình. Mặt khác, Saigon Co.op cũng chủ động tổ chức sản xuất để đảm bảo lượng hàng bình ổn tăng 20% so với năm ngoái. Tại các DN khác như Công ty TNHH Ba Huân, Công ty San Hà… cũng đã chuẩn bị kế hoạch đầu tư để phát triển chăn nuôi theo mô hình khép kín, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm từ “trang trại đến bàn ăn”.
Theo số liệu của Sở Công thương TPHCM, kết quả cung ứng hàng hóa đến tháng 5-2013, tổng doanh thu hàng bình ổn trong chương trình đạt 789,1 tỷ đồng, tăng 29,87% (188,5 tỷ đồng) so cùng kỳ. Về lượng hàng cung ứng, có 2 nhóm hàng vượt kế hoạch là rau củ quả (139,9%) và thực phẩm chế biến (125,9%); 2 nhóm hàng đạt thấp so kế hoạch do sức mua thấp là thủy hải sản (41%), lương thực (38,5%); các mặt hàng còn lại đạt xấp xỉ so với kế hoạch.
Mở rộng điểm bán
Bà Lê Ngọc Đào, Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết, bên cạnh việc chuẩn bị hàng hóa, một trong những công tác trọng điểm của chương trình bình ổn năm nay là TP sẽ tiếp tục phát triển mạnh các điểm bán ở khu vực ngoại thành, các KCX - KCN, các khu lưu trú công nhân. Để thực hiện được mục tiêu này, TP sẽ đẩy mạnh chương trình hợp tác giữa DN bình ổn thị trường với Hội Liên hiệp Phụ nữ và Thành đoàn TNCS Hồ Chí Minh. Hiện nay hội phụ nữ các quận, huyện đã phối hợp với Saigon Co.op triển khai được 46 cửa hàng tiện lợi. Đoàn Thanh niên phát triển được 6 cửa hàng từ việc liên kết với Saigon Co.op và Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn (Satra), trong đó có 2 cửa hàng trong khu lưu trú công nhân.
Nói về công tác phát triển mạng lưới phân phối, bà Nguyễn Thị Hạnh thừa nhận đây là việc làm không dễ dàng, bởi lẽ ngoài việc thuyết phục các chị em phụ nữ tham gia, rồi đầu tư vốn để nâng cấp cửa hàng thì Saigon Co.op còn phải tổ chức huấn luyện về kiến thức bán và trưng bày hàng hóa cho các chủ cửa hàng. Điều quan trọng là sau khi nâng cấp, doanh thu và lợi nhuận của cửa hàng phải cao hơn, giúp chị em cải thiện đời sống, qua đó tạo được sức lan tỏa trong cộng đồng.
Theo kế hoạch, năm 2013, Saigon Co.op sẽ tiếp tục phối hợp với Hội Phụ nữ, đồng thời vận động ngay chính gia đình của cán bộ, công nhân viên trong Saigon Co.op tham gia phát triển mạng lưới phân phối, vừa đáp ứng được mục tiêu đa dạng hóa các loại hình kinh doanh, vừa đảm bảo tốt việc đưa hàng bình ổn đến người tiêu dùng của TP.
Về công tác tổ chức bán hàng lưu động năm 2013 và Tết Giáp Ngọ 2014, Sở Công thương đã xây dựng xong kế hoạch. Theo đó, việc tổ chức bán lưu động đã phân chia các DN trong chương trình thành 3 nhóm do Saigon Co.op, Satra và Công ty Ba Huân làm đầu mối. Hiện các đơn vị đầu mối đã xây dựng lịch trình bán hàng lưu động cụ thể. Từ nay đến Tết Giáp Ngọ dự kiến tổ chức tối thiểu 1.232 chuyến, kết hợp với việc tổ chức các hội chợ mini tại các trường đại học, các KCN-KCX.
Tính đến tháng 5-2013, tổng số điểm bán của chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng lương thực, thực phẩm là 3.062 điểm, tăng 2.814 điểm so năm 2008 và tăng 765 điểm so đầu chương trình năm 2012. Hàng bình ổn đã được đưa vào các hệ thống phân phối cụ thể như sau: 106 siêu thị, 398 cửa hàng tiện lợi, 812 điểm bán trong 128 chợ truyền thống, 1.746 điểm bán trong khu dân cư. Theo Sở Công thương, toàn bộ danh sách các điểm bán đã được sở công bố trên website của sở, gửi đến UBND các quận - huyện, cơ quan truyền thông thực hiện tuyên truyền đến người dân biết để mua sắm, đồng thời thực hiện giám sát.
Tại cuộc họp đánh giá kết quả sau 2 tháng triển khai chương trình bình ổn thị trường vừa được tổ chức, bà Lê Ngọc Đào nhìn nhận, việc triển khai bình ổn theo cơ chế mới, về cơ bản chương trình đang vận hành khá suôn sẻ. Các DN đã chủ động có kế hoạch tạo nguồn hàng, phát triển điểm bán, chấp hành quy định chương trình, thể hiện tính chuyên nghiệp cao trong điều phối, tăng nguồn hàng, đảm bảo cung cầu thị trường.
Đây là năm đầu tiên TP không sử dụng ngân sách để ứng vốn vay cho các DN với lãi suất 0% để chuẩn bị hàng hóa cung ứng cho chương trình, thay vào đó TP đã đưa 5 ngân hàng vào chương trình để cung ứng vốn với lãi suất ưu đãi cho DN. Do vậy, trong quá trình triển khai thực hiện, nếu DN gặp khó khăn, cần báo ngay cho các sở, ngành chức năng để tìm biện pháp giải quyết kịp thời, tạo điều kiện tốt nhất cho các DN thực hiện chương trình, góp phần ổn định an sinh xã hội.
| |
THÚY HẢI