Bình ổn thị trường nhìn từ giá đường

Gần 1 tuần qua, tại thị trường TPHCM đã không còn cảnh người dân xếp hàng đi mua đường bình ổn giá (chỉ 18.000 đồng/kg) nữa. Song giá đường bán lẻ tại nhiều chợ vẫn còn đứng ở mức rất cao, từ 23.000-24.000 đồng/kg, thậm chí tại một số vùng sâu, vùng xa của TP giá đường đã từng “đội” lên tới 26.000 đồng/kg.

Đường đã được Bộ Công thương đưa vào danh sách mặt hàng thiết yếu cần được quan tâm và theo dõi đặc biệt về khả năng cung cầu và giá bán. Tại TPHCM, đường đã trở thành một trong 9 mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu được bình ổn giá kể từ tháng 6-2010 cho đến hết tháng 3-2011. Vấn đề đặt ra, giá đường từ nhiều năm qua luôn trong tình trạng “đến hẹn lại tăng”, trong khi các bộ, ngành biết mà không thể can thiệp?

Theo tính toán, thị trường trong nước tiêu thụ mỗi tháng từ 80-100 ngàn tấn đường, dịp cao điểm có thể tăng lên đến 110-120 ngàn tấn. Trong khi đó, niên vụ 2009 - 2010, toàn ngành chỉ sản xuất được trên 889.000 tấn. Để bù đắp khoản thiếu hụt sản xuất trong nước, năm 2010, Bộ Công thương đã cấp hạn ngạch nhập khẩu 300.000 tấn đường nhằm đảm bảo cung cầu, ổn định giá cả thị trường.

Từ tháng 8-2010, giá đường thế giới bắt đầu tăng do nhu cầu tăng đột biến. Trong số 300 ngàn tấn đường nhập khẩu, tính đến tháng 11-2010, các DN mới chỉ nhập 200 ngàn tấn. Số còn lại  còn lại vẫn chỉ nằm trên giấy! Do giá đường thế giới tăng liên tục, cao điểm lên tới 900 USD/tấn đã quá muộn cho các DN có ý định nhập nốt số còn lại. Nếu tính thuế và các chi phí khác, giá đường nhập khẩu hiện đã đứng ở mức 22.000 đồng/kg, cao hơn giá thành sản xuất đường trong nước khoảng 4.000 đồng/kg. Giá cao, khiến các DN đứng trước ngã ba đường, nếu nhập sẽ bị lỗ (khi vụ mía đường sẽ bước vào cao điểm, giá đường trong nước sẽ giảm), bằng không sẽ không có đường bán làm mất cung cầu thị trường nội địa.

Trong bối cảnh đó, lãnh đạo TPHCM và các DN thực hiện bình ổn giá đã phải đối mặt với dư luận có hay không việc thương lái gom đường bình ổn, và rằng hàng bình ổn góp phần gây rối loạn thị trường do mức giá chênh lệch quá cao… Sức mua hàng bình ổn tăng cao đã đẩy các DN vào tình trạng tiến thoái lưỡng nan: Có nên đề xuất tăng giá bán theo sát giá thị trường nhằm giảm áp lực sức mua? Ý kiến này ngay lập tức đã bị lãnh đạo TPHCM bác bỏ! Thay vào đó, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thị Hồng cũng đã triệu tập gấp cuộc họp, yêu cầu các DN tiếp tục thực hiện đúng cam kết, ổn định giá đường đến hết tháng 3-2011 và đẩy mạnh hơn nữa lượng hàng bình ổn được dự trữ ra thị trường. Được biết, lượng đường bình ổn giá theo các DN hiện vẫn còn tới 11 ngàn tấn, đảm bảo đủ nguồn cung cho thị trường.

Báo cáo mới nhất của Bộ Công thương về khả năng cung ứng và cung cầu đối với mặt hàng đường năm 2011, Việt Nam vẫn sẽ nhập 300 ngàn tấn đường. Rút kinh nghiệm về sự cố giá đường vừa qua. Bộ Công thương nên phân bổ quota trực tiếp cho các tỉnh, thành. Từ đây các tỉnh, thành sẽ tự phân bổ quota cho các DN nhằm giải quyết hơn bài toán cung cầu cũng như ổn định được giá bán trong những thời điểm nhạy cảm. Bên cạnh đó, rất cần các bộ, ngành chức năng làm rõ có hay không việc găm hàng hoặc giao hàng nhỏ  giọt  ra thị trường của một số nhà máy để làm giá vào cao điểm tiêu thụ trong năm 2011 sắp tới. Trong trường hợp phát hiện sai phạm, cần có mức xử lý thật nghiêm để làm lành mạnh hóa thị trường đường.

Thúy Hải


Đường lậu tăng, đường nội giảm giá

Chiều 9-12, Hiệp hội Mía đường Việt Nam cho biết: Đến nay, đã có 23/38 nhà máy đường trong cả nước chính thức hoạt động, riêng khu vực ĐBSCL và Đông Nam bộ có 15 nhà máy, ép được trên 54.000 tấn đường các loại. Mía 10 chữ đường được các nhà máy mua tại bàn cân với giá khoảng 1.200 đồng/kg, đảm bảo nông dân có lãi. Do các nhà máy đường đã đồng loạt sản xuất, cộng với đường cát Thái Lan nhập lậu qua biên giới Tây Nam tăng mạnh khiến giá đường giảm liên tục. Hiện các nhà máy bán sỉ ra thị trường chỉ còn 19.000 - 19.500 đồng/kg, giảm từ 3.000 - 5.000 đồng/kg (tùy loại) so thời điểm giữa tháng 11-2010.

Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam, với sự cạnh tranh của đường Thái Lan nên thời gian tới giá đường sẽ khó tăng. Hiệp hội đang tính toán giảm giá mua mía nguyên liệu xuống để cân đối với giá đường, tránh tình trạng doanh nghiệp bị lỗ.

H.Lợi

Tin cùng chuyên mục