Nhân dịp khai giảng năm học 2017 - 2018. Phóng viên Báo SGGP đã phỏng vấn đồng chí Nguyễn Tiến Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước xung quanh công tác triển khai nhiệm vụ năm học mới.
PHÓNG VIÊN: Xin đồng chí cho biết một số nét chính về công tác chuẩn bị cho năm học mới 2017 - 2018 ở Bình Phước?
Đồng chí NGUYỄN TIẾN DŨNG: Để chuẩn bị cho năm học mới, UBND tỉnh đã chỉ đạo Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp của tỉnh và UBND các huyện, thị xã đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án đã được phê duyệt nhằm đảm bảo đưa vào sử dụng ngay từ đầu năm học 2017 - 2018.
Đến nay, tại các huyện, thị xã đã xây dựng và đưa vào sử dụng 300 phòng học, 210 phòng chức năng; sửa chữa và nâng cấp 405 phòng học, 55 phòng chức năng.
Để khắc phục tình trạng thiếu phòng học, một số trường đã chủ động thực hiện các biện pháp dồn học sinh, mượn phòng của các trường học khác, mượn nhà văn hóa… để làm lớp học. Về cơ bản, toàn tỉnh không còn tình trạng học ca 3, số lượng phòng học đáp ứng đầy đủ nhu cầu học tập của học sinh phổ thông.
Toàn ngành GD-ĐT tỉnh Bình Phước có 20.101 biên chế (kể cả cán bộ quản lý cấp sở, phòng, hợp đồng chuyên môn và hợp đồng theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP ngày 17/11/2000 của Chính phủ), trong đó có 1.244 cán bộ quản lý, 14.678 giáo viên và 4.179 nhân viên.
Dịp hè vừa qua, Sở GD-ĐT đã tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ quản lý, giáo viên, quán triệt những nội dung cần tập trung để đảm bảo thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ năm học 2017 - 2018; hoàn thành công tác tổ chức thi tuyển vào lớp 10, xét tuyển học sinh vào lớp 1, lớp 6, đảm bảo huy động hết số học sinh trong độ tuổi đến lớp.
UBND tỉnh chỉ đạo ngành GD-ĐT kiểm tra, thực hiện đúng quy định về dạy thêm, học thêm và các khoản thu đầu năm… Phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể địa phương chăm lo đời sống, hỗ trợ quần áo, sách vở để học sinh khó khăn có đủ điều kiện đến trường.
Trường THPT Ngô Quyền, xã Long Hà, huyện Phú Riềng xây dựng mới và đưa vào sử dụng từ đầu năm học 2017 - 2018
Tình hình giải ngân vốn đầu tư công chậm ở Bình Phước thời gian qua có ảnh hưởng gì đến tiến độ xây dựng trường lớp cho năm học mới?
Nhìn chung, tình hình giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh chậm tiến độ so với yêu cầu, do có sự chuyển đổi, bàn giao chủ đầu tư từ các sở, ban, ngành về ban quản lý dự án chuyên ngành. Tuy nhiên, các công trình xây dựng trường học để phục vụ cho năm học mới không chịu ảnh hưởng của việc chậm giải ngân này.
Hiện tại, vốn đầu tư cho các công trình trường học đều đã giải ngân trên 80% so với kế hoạch vốn 2017 và đều hoàn thành, kịp đưa vào sử dụng ngay từ đầu năm học (tính riêng khối trực thuộc sở).
Công tác đổi mới, nội dung phương pháp đánh giá học sinh đang được Bình Phước thực hiện như thế nào?
Chuẩn bị cho năm học 2017 - 2018, Sở GD-ĐT đã tổ chức tập huấn, tư vấn kịp thời để 100% CBQL và GV hiểu được mục đích, ý nghĩa của việc đổi mới đánh giá học sinh, biết cách nhận xét và hướng dẫn, hỗ trợ học sinh trong quá trình học tập, tham gia các hoạt động giáo dục.
Các trường THPT và THCS trong tỉnh đã chú trọng bồi dưỡng năng lực giáo dục đạo đức, đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới kiểm tra đánh giá nhằm phát huy tốt tính chủ động, sáng tạo của học sinh, thực hiện tốt mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Sở GD-ĐT luôn quán triệt và chỉ đạo các phòng chuyên môn chú ý đến công tác theo dõi, hướng dẫn và hỗ trợ các trường thực hiện chương trình, tránh gây áp lực cho giáo viên và học sinh trong giảng dạy và học tập.
Giáo dục ở khu vực có đông đồng bào dân tộc, trường nội trú dân tộc có gì mới trong năm học 2017 - 2018?
Ngành GĐ-ĐT đã chỉ đạo các trường làm tốt công tác chuẩn bị, tăng cường tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số, học sinh chưa qua lớp mẫu giáo 5 tuổi trước khi vào lớp 1, để các em có điều kiện làm quen với tiếng Việt trước khi bắt đầu năm học, tạo điều kiện cho các em tiếp thu tốt những kiến thức trong chương trình học.
UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo và thực hiện cơ chế, chính sách ưu tiên đầu tư phát triển GD-ĐT vùng dân tộc thiểu số, miền núi, đảm bảo các điều kiện phát triển giáo dục bền vững, góp phần ổn định chính trị vùng dân tộc thiểu số, giữ vững an ninh, chủ quyền vùng biên giới. Đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh có 6 trường phổ thông dân tộc nội trú, gồm 1 trường phổ thông dân tộc nội trú THPT, 4 trường phổ thông dân tộc nội trú THCS; 1 trường phổ thông dân tộc nội trú THCS và THPT; các trường đều được trang bị đầy đủ thiết bị dạy học, có ký túc xá nội trú cho học sinh.
UBND tỉnh yêu cầu các trường thực hiện tốt công tác tuyển sinh vào trường phổ thông dân tộc nội trú theo quy định; chỉ đạo các đơn vị thực hiện tốt chương trình và kế hoạch giáo dục trong các trường; đồng thời, chỉ đạo các trường đổi mới phương pháp giảng dạy, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý dạy - học, kiểm tra, đánh giá học sinh phù hợp đối tượng học sinh dân tộc thiểu số; chú trọng giáo dục toàn diện, nâng cao kỹ năng sống cho học sinh để chất lượng giáo dục ở các trường phổ thông dân tộc nội trú ngày càng được nâng cao.