Blouse trắng tiến vào tâm dịch

“Khi Tổ quốc cần họ biết sống xa nhau” - những vần thơ tưởng chừng chỉ xuất hiện trong thời chiến một lần nữa được tái hiện ở thời bình, khi đất nước trong tình cảnh “nước sôi lửa bỏng” bởi dịch Covid-19 hoành hành. Và lần này, những người khoác trên mình chiếc áo blouse trắng đã hóa thành chiến sĩ tiến vào tâm dịch.

Chuyến công tác không hẹn ngày về

Dù chưa từng điều trị cho bệnh nhân mắc Covid-19 nhưng bác sĩ Bùi Thị Hạnh Duyên, Trưởng khoa Hồi sức, Bệnh viện (BV) Đại học Y Dược TPHCM, vẫn mạnh dạn xung phong lên đường tiếp sức Đà Nẵng. Gác lại gia đình, xếp lại công việc ở cơ quan, hành trang mà chị mang theo chỉ là vài bộ quần áo và tờ quyết định công tác bỏ trống ngày về. Đến Đà Nẵng, chị hòa ngay vào nhịp làm việc khẩn trương nơi đây. “Giữa thời tiết nắng nóng nhưng vẫn phải mặc bộ đồ bảo hộ kín như bưng lại phải tắt hết máy lạnh nên ai cũng rất khó chịu. Nhưng chúng tôi vẫn quyết giữ vững phòng tuyến, không để bệnh nhân tử vong”, bác sĩ Hạnh Duyên tâm sự. Đây là đợt thử lửa đầu tiên của cuộc đời chị, trải nghiệm những khó khăn, vất vả chưa từng có.

Blouse trắng tiến vào tâm dịch ảnh 1 Bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy với quyết tâm chống dịch tại Quảng Nam. Ảnh: MỸ HẰNG
Điều dưỡng Nguyễn Thị Minh Thúy, Khoa Hồi sức cấp cứu, BV Chợ Rẫy, là một trong 3 bóng hồng của đội ngũ y bác sĩ TPHCM chi viện miền Trung. Nhớ lại ngày nhận lệnh lên đường, chị chia sẻ: “Đã khoác lên mình bộ đồ bảo hộ thì việc chăm sóc bệnh nhân sẽ khó khăn hơn rất nhiều. Thời điểm dịch mà, mình phải cố gắng hết sức thôi”. Và cứ như thế, 30 y bác sĩ của TPHCM đã lên đường chi viện cho tâm dịch với hành trang là những tờ giấy điều động công tác không có thông tin ngày về.

Tháng ngày không quên

Đà Nẵng, những ngày dịch bệnh bùng phát trở lại, bệnh viện quá tải, y bác sĩ làm việc liên tục, lòng người hoang mang, lo sợ. Bác sĩ Trần Thanh Linh, Phó Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu, BV Chợ Rẫy, là một trong những người có mặt đầu tiên để chia lửa cho đồng nghiệp. Tại đây, anh được giao nhiệm vụ thiết lập, chịu trách nhiệm chuyên môn về hồi sức cấp cứu cho bệnh nhân nặng. “Trận chiến này chúng tôi phải thắng”, anh quả quyết trong ngày đầu nhận nhiệm vụ. Trong 5 ngày, anh và đồng nghiệp từ BV Chợ Rẫy tất bật đêm ngày để thiết lập hệ thống hồi sức cấp cứu (ICU) đúng chuẩn đặt tại BV Phổi Đà Nẵng với đầy đủ hệ thống khí nén, khí oxy trung tâm; xét nghiệm, lọc máu, chẩn đoán hình ảnh; chuyên khoa tim mạch, nhiễm, cấp cứu; ECMO và hệ thống phân luồng... Nhờ hệ thống này, nhiều bệnh nhân đã được cứu sống. Thậm chí, một trường hợp bệnh nặng được đánh giá tương đương với bệnh nhân 91 (phi công người Anh) trước đây đã được các bác sĩ đưa về từ cửa tử. Mỗi ngày qua đi thực sự là một cuộc chiến. Các ca trực của y bác sĩ cũng kéo dài hơn, suốt đêm căng mình giữ những nhịp thở mong manh của người bệnh. Rất nhiều đêm, giấc ngủ hiếm hoi của các bác sĩ bị cắt đứt giữa chừng bởi những cú điện thoại. Cảnh bác sĩ rời khách sạn lúc 2-3 giờ sáng đi cấp cứu bệnh nhân diễn ra thường xuyên.

Blouse trắng tiến vào tâm dịch ảnh 2 Các bác sĩ BV Chợ Rẫy đặt ECMO cho bệnh nhân mắc Covid-19 tại BV Phổi Đà Nẵng. Ảnh: MỸ HẰNG
Bác sĩ Huỳnh Quang Đại, Đội trưởng đội phản ứng nhanh số 2 BV Chợ Rẫy, chia sẻ những ngày thật sự đáng nhớ ở Quảng Nam. Ở thời điểm dồn hết tâm trí và sức lực để điều trị bệnh nhân, anh hay tin cha nhập viện vì nhồi máu cơ tim. Lo lắng cho sức khỏe của cha nhưng anh không thể bỏ bệnh nhân trong tình trạng nước sôi lửa bỏng. “Tôi tin tưởng và yên tâm gửi gắm cha cho đồng nghiệp ở hậu phương. Tôi phải ở lại tiếp tục công việc đến bao giờ hết bệnh nhân Covid-19”, bác sĩ Đại bộc bạch.

Với nhiều y bác sĩ, gần 2 tháng ở miền Trung là quãng thời gian không thể nào quên trong cuộc đời. Có người phải hoãn đám cưới, có người đã phải cạo trọc đầu, cắt đi mái tóc dài để hoàn thành nhiệm vụ. Và khi Quảng Nam - Đà Nẵng bình yên, họ lại trở về với công việc đời thường. Bỏ qua lo âu, quên đi những nhọc nhằn, họ hoàn thành nhiệm vụ với tâm thế của chiến binh quả cảm. Những chiến sĩ blouse trắng này xứng đáng được tôn vinh như những người hùng của thế kỷ 21.

“Thương lắm đồng nghiệp tôi miệt mài trong tâm dịch
Chẳng kịp tội thân mình, chẳng kịp nghĩ xa xôi
Thương lắm những giọt mồ hôi trong lớp áo
Ai đã thử rồi… mới biết khổ cùng nhau”

Những lời thơ cũng là lời tâm sự của bác sĩ Võ Ngọc Anh Thơ, BV Chợ Rẫy, khi dịch Covid-19 bắt đầu xuất hiện tại Việt Nam và nó càng trở nên đúng hơn vào thời điểm dịch bệnh bùng phát tại Quảng Nam - Đà Nẵng. Không ngại khó, ngại khổ, hàng trăm y bác sĩ cả nước đã tình nguyện xông ra nơi tuyến đầu mà không cần bất cứ lời hiệu triệu nào.

Tin cùng chuyên mục