Bộ ba thành quả từ những góc vườn

Thu gom trái cây dư thừa do chưa có nơi tiêu thụ và phân phối cho những người có nhu cầu, đó là mục đích của ProduceGood, một tổ chức phi lợi nhuận do bà Nita Kurmins Gilson và đồng Giám đốc điều hành Alexandra White sáng lập, điều phối hỗ trợ cho các cơ quan cứu trợ lương thực trên khắp quận San Diego, bang California, Mỹ. 
Tập kết trái cây do các tình nguyện viên của ProduceGood hái được để giúp cung cấp cho những người có thu nhập thấp Ảnh: CSM
Tập kết trái cây do các tình nguyện viên của ProduceGood hái được để giúp cung cấp cho những người có thu nhập thấp Ảnh: CSM

Bà Kurmins Gilson bắt đầu những hành động đầu tiên từ năm 2009. Bà đến cửa hàng tạp hóa địa phương, thu gom những chiếc hộp đựng trái cây dư thừa bị bỏ đi vào đêm hôm trước, cùng bạn bè lựa lại ngay trong sân nhà của một người nào đó vào sáng hôm sau. Sau đó, họ nhanh chóng lái xe trái cây đến một ngân hàng thực phẩm dành cho người có thu nhập thấp gần đó cho kịp trước giờ đóng cửa vào buổi trưa. Công việc lượm lặt bình thường đã trở nên lớn lao hơn nhiều khi vào năm 2014, bà và hai mẹ con - Jeri và Alexandra White - sáng lập ra ProduceGood. 

Trong bối cảnh có đến 40% thực phẩm ở Mỹ bị lãng phí, cứ 3 người là có 1 người trong tình trạng thiếu dinh dưỡng ở hạt San Diego… thì ProduceGood đang góp phần cố gắng giảm thiểu lãng phí thực phẩm và nạn đói ngày càng tăng trong thời kỳ hậu đại dịch và khủng hoảng lương thực trên toàn cầu. Hàng tuần, các tình nguyện viên thu thập trái cây thừa chưa bán được tại 3 chợ nông sản trong khu vực và gom những nông sản bội thu nhưng chưa thu hoạch kịp từ những nhà vườn. Ngoài ra, họ cũng làm việc với các cửa hàng tạp hóa địa phương để họ lấy trái cây còn ăn được. Ông Melka, 1 trong 700 người trồng trọt trong danh sách ProduceGood, rất biết ơn những “thợ lượm” trên mảnh đất khoảng 10.000m2 của mình. Bởi nếu không có họ, bưởi dư thừa sẽ bị bỏ đi rất lãng phí. 

Hiện ProduceGood có khoảng 3.500 tình nguyện viên và phần lớn là những người tình nguyện trong các nhà thờ, sinh viên và nhân viên công ty đóng góp một ngày công lao động. Điều thực sự quan trọng là đảm bảo sao cho sản phẩm được tươi lâu vì nó thực sự quý hiếm đối với cộng đồng có thu nhập thấp. Ước tính, bằng việc làm này, mỗi năm, ProduceGood đã nuôi sống khoảng 90.000 người có nguy cơ bị đói do rơi vào tình trạng mất an ninh lương thực.  

Theo luật tái chế hữu cơ mới của California, trong đó có yêu cầu chuyển hướng các chất hữu cơ từ các bãi chôn lấp để giảm thiểu khí nhà kính, ProduceGood cũng sẽ bổ sung yếu tố biến đổi khí hậu vào mục đích công việc của họ. Colleen Foster, nhân viên môi trường của thành phố Oceanside, nói rằng 15 năm trước, bộ phận xử lý rác thải của thành phố chỉ có xử lý và tái chế. Nhưng hiện nay, chương trình bao gồm dịch vụ thu lượm với ProduceGood. Nhiều thành phố cũng đã ký hợp đồng với ProduceGood để giúp thực hiện giảm thiểu khí nhà kính từ bãi chôn rác hữu cơ. Người dân có thể gọi điện đến thành phố để đặt lịch thu lượm. Đây là một chiến thắng bộ ba của ProduceGood: thu gom thực phẩm dư thừa (giảm lãng phí), cung cấp cho những người đang có nguy cơ bị đói (cứu đói) và giảm khí nhà kính (bảo vệ môi trường).

Thêm một điều khích lệ nữa cho ProduceGood là họ đã xây dựng được một cộng đồng kết nối cư dân với nông dân và biến hoạt động tình nguyện thành một hoạt động giải trí. Hiệp hội các tổ chức hái lượm theo kiểu ProduceGood hiện được lan tỏa và nhân rộng ra hơn 200 nhóm ở nhiều nơi trên nước Mỹ.

Tin cùng chuyên mục