Bờ biển miền Trung trong cơn đại nạn

Hàng ngàn ao hồ nuôi tôm thẻ chân trắng tự phát, thiếu kỹ thuật và hệ thống xử lý nước thải... đang gây ô nhiễm nghiêm trọng môi trường ven biển miền Trung. Cùng lúc đó, nạn đào móc trộm cát biển để san lấp mặt bằng và làm vật liệu xây dựng diễn ra theo kiểu mạnh ai nấy làm, gây nguy cơ sạt lở bờ biển trên diện rộng, nhất là khi đang vào mùa mưa bão.
Bờ biển miền Trung trong cơn đại nạn

Hàng ngàn ao hồ nuôi tôm thẻ chân trắng tự phát, thiếu kỹ thuật và hệ thống xử lý nước thải... đang gây ô nhiễm nghiêm trọng môi trường ven biển miền Trung. Cùng lúc đó, nạn đào móc trộm cát biển để san lấp mặt bằng và làm vật liệu xây dựng diễn ra theo kiểu mạnh ai nấy làm, gây nguy cơ sạt lở bờ biển trên diện rộng, nhất là khi đang vào mùa mưa bão.

Lấy bãi biển làm hố tự hoại

Tại diễn đàn khuyến nông về phát triển nuôi tôm thẻ chân trắng công nghiệp theo hướng an toàn ở vùng cát ven biển miền Trung tổ chức tại Huế, đại diện Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho rằng, cùng với việc tăng sản lượng tôm xuất khẩu của cả nước, nghề nuôi tôm thẻ chân trắng trên cát ở miền Trung (khoảng 1.500ha với năng suất bình quân đạt 10 - 15 tấn/ha/vụ, cá biệt có mô hình nuôi đạt năng suất 50 - 60 tấn/ha/vụ) còn tận dụng tối đa diện tích đất bạc màu bỏ hoang, tạo thêm công ăn việc làm cho dân cư ven biển, giảm áp lực khai thác tận diệt các loại hải sản ven bờ... Tuy nhiên, hầu hết các hộ là nuôi nhỏ lẻ, chưa có ao chứa lắng đọng. Đặc biệt, tình trạng xả thải bừa bãi nguồn nước từ các ao hồ nuôi tôm chưa qua xử lý ra môi trường ven biển không chỉ tạo điều kiện cho dịch bệnh dễ lây lan mà còn khiến nhiều bãi biển đẹp ở đây bị ô nhiễm, nguy cơ cạn kiệt nguồn nước ngầm...

Chúng tôi về xã Hải An - địa phương được xem là “thủ phủ” nuôi tôm thẻ chân trắng của huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị, với doanh thu mỗi năm đạt hàng trăm tỷ đồng. Những hộ nuôi với diện tích lớn là ông Nguyễn Công Tường, Phan Thanh Hoàn, Lê Trung Hiếu, Mai Văn Sơn..., có thu nhập bình quân từ 300 triệu đến 1 tỷ đồng/năm. Lợi ích kinh tế thì đã rõ song hệ lụy từ việc tận dụng bãi cát ven biển làm hố tự hoại khổng lồ, “đón” toàn bộ nước thải chưa qua xử lý từ hàng trăm ao hồ nuôi tôm trực tiếp xả ra thì chẳng mấy ai quan tâm. Ông Nguyễn Văn Hiền (50 tuổi, xã Hải An) lo lắng, hầu hết các con kênh dẫn nước thải từ 32ha ao hồ nuôi tôm về phía biển đều không hề lót bạt hay đúc bê tông nên nước thải ngày qua ngày thẩm thấu vào lòng đất, ảnh hưởng đến nguồn nước ngầm trong khu dân cư. Tại những đoạn mương dẫn nước thải ra mép biển, chất cặn bã trong quá trình nuôi tôm ứ đọng đen ngòm, bốc mùi hôi thối đến mức ngay cả bà con làm nghề ngư cũng ngại ra biển…

Nạn khai thác cát trái phép đang khiến nhiều bãi biển tại Thừa Thiên - Huế bị biến dạng.

Hiện chưa có kết luận từ phía cơ quan chức năng về tình trạng ô nhiễm này. Song hỗn hợp các hóa chất trong qua trình thả nuôi và dập dịch đối với các hồ tôm nhiễm bệnh đổ trực tiếp ra biển đã khiến nhiều loại cá trước đây thường xuất hiện với mật độ dày ở ven bờ biển (như cá chim, cá sủ, cá song) thì nay hiếm khi có mà chỉ còn nhiều cá tạp, cá không rõ nguồn gốc. Trong khi các hộ nuôi tôm lại phân trần, xây dựng bể xử lý nước thải đâu có đơn giản vì vừa tốn kém tiền bạc vừa không tìm được vị trí thuận lợi. Trường hợp hộ này đầu tư bể xử lý nước thải nhưng hộ khác lại xả nước chưa qua xử lý ra môi trường thì cũng bằng không (!?).

…Đến băm nát bờ biển

Lợi từ con tôm thẻ chân trắng mang lại quá lớn đã khiến nhiều hộ dân và một số doanh nghiệp tại miền Trung thời gian gần đây bất chấp tất cả, kể cả việc chặt bỏ rừng phòng hộ chắn sóng gió bảo vệ làng mạc để đào hồ nuôi tôm. Điển hình là vào trung tuần tháng 7 vừa qua, người dân xã Kỳ Nam, thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh đồng loạt phản đối quyết liệt việc UBND tỉnh Hà Tĩnh cho phép Công ty Grobest phá rừng phi lao hàng trăm tuổi, được xem như “tấm áo giáp” che chắn sóng biển, gió, bão để bảo vệ nhà cửa cùng vườn tược của họ. Cùng thời điểm, UBND huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế ra quyết định xử phạt hành chính 26 hộ dân ở xã Vinh Mỹ (mỗi trường hợp từ 5 đến 6 triệu đồng) do tự ý đốn hạ gần 15ha rừng phòng hộ ven biển vào tháng 4-2015 để đào ao nuôi tôm. Đồng thời, yêu cầu UBND xã Vinh Mỹ nghiêm túc kiểm điểm trách nhiệm trong quản lý nhà nước về đất đai và rừng phòng hộ của địa phương này.

Cùng với đào rừng phòng hộ ven biển, nhu cầu lấy cát san lấp mặt bằng ngày càng ồ ạt nên các đụn cát khổng lồ ven biển miền Trung lập tức trở thành “mỏ vàng” để các đối tượng khai thác cát trái phép nhắm tới. Trong đó, nhức nhối nhất là khu vực ven biển Chân Mây - Lăng Cô, nơi có vịnh biển Lăng Cô (đã trở thành thành viên Câu lạc bộ Vịnh đẹp nhất thế giới vào năm 2009) hiện đang bị nạn trộm cát “băm nát” từng ngày. Theo quan sát, dọc theo con đường ven biển từ xã Lộc Vĩnh đến thị trấn Lăng, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế dài hơn 10km, đập vào mắt là hàng chục đồi cát ven biển đã bị san phẳng, thảm thực vật bị sa mạc hóa. Những cồn cát đang bị “cát tặc” khai thác trái phép bừa bãi cày xới để lại nhiều hố sâu, vực cao, hàng vạn khối cát bị lấy đi làm tăng nguy cơ xâm thực biển vào tận tuyến đường ven biển và vào khu vực rừng phòng hộ.

Ông Trần Văn Giảng, Chủ tịch UBND thị trấn Lăng Cô, cho biết: “Tình trạng trên đã diễn ra khá phổ biến gần đây. Chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng phát hiện và đã xử phạt nhiều trường hợp vi phạm. Nhưng do các đối tượng vẫn lén lút khai thác ở các đồi cát xa khu dân cư và nằm trong khu vực đã được tỉnh quy hoạch cấp cho các dự án phát triển khu du lịch ven biển Lăng Cô nên chính quyền sở tại rất khó giám sát, quản lý”. Liệu rằng, Lăng Cô có còn giữ được danh hiệu “Vịnh đẹp nhất thế giới” nữa hay không? Câu trả lời này tùy thuộc vào sự kiên quyết trong hướng giải quyết của địa phương này.

VĂN THẮNG

Tin cùng chuyên mục