Bộ Công thương: Ưu tiên phát triển sản xuất thép tập trung ở vùng ven biển

Ngày 11-12, Bộ Công thương đã công bố dự thảo lần hai để lấy ý kiến rộng rãi của các cơ quan chức năng, doanh nghiệp và người dân về dự thảo Quyết định phê duyệt điều chỉnh quy hoạch hệ thống sản xuất thép cả nước đến năm 2025, định hướng đến năm 2035.

(SGGP).- Ngày 11-12, Bộ Công thương đã công bố dự thảo lần hai để lấy ý kiến rộng rãi của các cơ quan chức năng, doanh nghiệp và người dân về dự thảo Quyết định phê duyệt điều chỉnh quy hoạch hệ thống sản xuất thép cả nước đến năm 2025, định hướng đến năm 2035.

Theo Bộ Công thương dự báo, nhu cầu thép thô để sản xuất các sản phẩm thép (thép thanh, thép cuộn, thép hình, cuộn cán nóng, cuộn cán nguội, thép ống) trong nước đến năm 2020 là 285kg/người và tổng nhu cầu tiêu thụ trong nước là 27 triệu tấn. Vì vậy, mục tiêu mà Bộ Công thương đặt ra đối với ngành thép đến năm 2020 là cần nâng cao tỷ trọng sản xuất thép thô từ gang lỏng và sắt xốp sản xuất trong nước với sản lượng đến năm 2020 đạt 21 triệu tấn; năm 2025 đạt 46 triệu tấn; năm 2035 đạt 55 triệu tấn gang và sắt xốp.

Về sản xuất phôi thép, đến năm 2020 sản xuất đạt 32,3 triệu tấn; năm 2025 đạt 57,3 triệu tấn; năm 2035 đạt 66,3 triệu tấn. Phấn đấu tỷ lệ phôi sản xuất từ gang theo công nghệ lò cao/sắt xốp năm 2020 đạt 65%, năm 2025 đạt 80% và năm 2035 đạt 83%. Đối với sản xuất gang và sắt xốp, phôi thép sẽ thực hiện theo chủ trương đầu tư xây dựng các khu liên hợp luyện thép khép kín bằng nguồn quặng sắt trong nước và nhập khẩu. Về chủng loại sản phẩm, sẽ cân đối giữa phôi vuông và phôi dẹt để sản xuất các loại thép trong nước (trừ thép hợp kim). Sử dụng công nghệ hiện đại, tiết kiệm năng lượng và thân thiện môi trường. Đặc biệt dự thảo ghi rõ: Ưu tiên phát triển sản xuất thép tập trung ở vùng ven biển, nơi có nhiều cảng nước sâu, quỹ đất còn nhiều và không ảnh hưởng đến môi trường, ưu tiên phát triển sản xuất phôi thép chất lượng cao ở quy mô nhỏ phù hợp với nguồn quặng sắt phân tán nhỏ lẻ tại khu vực miền núi.

Để thực hiện mục tiêu này, giải pháp về vốn đầu tư chủ yếu là huy động vốn của các thành phần kinh tế thông qua thành lập các công ty cổ phần trong nước, tiến tới phát hành cổ phiếu trên thị trường chứng khoán trong và ngoài nước. Đối với các dự án đầu tư nước ngoài dưới hình thức liên doanh hoặc đầu tư 100% vốn nước ngoài cho các dự án luyện thép quy mô phù hợp, cần lựa chọn nhà đầu tư có đủ năng lực tài chính, công nghệ và kinh nghiệm đầu tư vào công đoạn thượng nguồn, sản xuất thép tấm cán nóng, thép chất lượng cao, thép hình lớn phục vụ cho ngành công nghiệp chế tạo với công nghệ tiên tiến và thân thiện môi trường.

Để đảm bảo đầu ra cho thị trường thép, sẽ xây dựng các hàng rào kỹ thuật và tiêu chuẩn chất lượng, ngăn chặn những sản phẩm không đáp ứng các tiêu chuẩn về chất lượng hoặc không phù hợp với xuất xứ hàng hóa được quy định trong các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia. Tiến hành triển khai các giải pháp phòng vệ thương mại đối với sản phẩm thép phù hợp với quy định thương mại quốc tế.

VĂN PHÚC

Tin cùng chuyên mục