Lê Trung Thực quê Phú Thọ nhưng Nghệ An lại là nơi để anh “gửi gắm đời mình”. Mỗi góc vườn, lối đi, căn phòng... ở Trung tâm Công tác xã hội tỉnh Nghệ An tại xã Lưu Sơn (huyện Đô Lương) đã trở thành hơi thở, nhịp đập, lẽ sống đời anh. Nơi đây là mái nhà chung của những cháu bé bị ruồng bỏ được anh và cộng sự đón về nuôi dưỡng, là chốn các cụ già không nơi nương tựa tìm đến để sống quãng đời còn lại. Đó là “gia tài”, là “cơ ngơi” của ông giám đốc không vợ con, không nhà cửa, chưa bao giờ biết đến lương…
1. - A lô, em Cường bên báo…
- Ôi anh ơi, từ nay đến cuối năm tôi có nhiều chương trình lắm, mong anh thông cảm…
Tôi suýt phì cười và giới thiệu lại, anh kêu lên:
- A, à, mình nhớ ra rồi. Tưởng em gọi làm quảng cáo. Nhưng hôm nay mình đang đi trao quà ở Tương Dương. Mai mời em lên chơi.
Nhưng hôm sau anh nhắn tin có việc đột xuất, hẹn hôm khác.
Thì ra, vào chiều 26-10, nhận được tin báo tại cơ sở 2 của trung tâm ở xã Hưng Lộc (TP Vinh) có một bà cụ bị bỏ rơi ngay trước cổng. Tức tốc từ Đô Lương, anh chạy xe một mạch trên 70km xuống. Bà cụ được đưa vào trung tâm trong tình trạng tinh thần hoảng loạn, tay chân bị sưng phù không thể đi lại được, việc ăn uống, vệ sinh phải có người giúp đỡ. Cụ tên Nguyễn Thị Minh, quê ở huyện miền núi Quỳ Hợp (Nghệ An). Sau khi lo cho bà Minh ổn định, anh mới ngược về “tổng hành dinh” ở Đô Lương. Chưa ấm chỗ, lại nhận được thông báo từ UBND xã Hưng Lộc - nơi anh vừa xuống - có một cụ ông cần anh giúp đỡ. Anh lại tất tả quay ngược xuống, gặp cụ Nguyễn Thìn trong tình cảnh bơ vơ ngay chính trên quê hương mình. Cách đây mấy chục năm, cụ Thìn theo con vào Bình Thuận, nay con cái tứ tán không biết đi đâu nên đành quay về quê, nhưng ở quê không nhà không cửa, không nơi nương tựa. Vì cơ sở 2 tại Hưng Lộc hết chỗ, anh phải đưa ngược cụ Thìn lên trung tâm tại Đô Lương ở cùng các cháu.
Vuốt ngược mái tóc xoăn ra sau, anh cười khà khà: Đến là khổ. Giờ vào Nhà nước rồi, nhận thêm các cụ là vượt “chỉ tiêu”. Vì muốn nuôi thêm các cụ phải có thủ tục này nọ mới có trợ cấp. Nhưng bây giờ gặp hoàn cảnh của các cụ như thế, biết ai nuôi cho, chẳng lẽ trả các cụ ra đường à?
Bố Thực phát bánh kẹo cho các con ở lớp mẫu giáo của trung tâm.
2. Bây giờ anh Thực đã bỏ rượu, ăn chay. Nhưng cách đây gần 8 năm, khi tôi đến thăm trung tâm, gặp anh làm việc là phải có rượu. Anh tếu táo: “Rượu là nước trong người mình rồi, mà đã là nước thì khát phải uống”. Sáng sớm bước vào phòng anh đã có chai rượu trên bàn và mấy cái ly. Anh ngồi xuống, đưa ly rượu lên “mời em”, xong, đặt ly xuống, với chùm sung trên bàn bẻ một quả, cười khà khà:
- Đời mình ấy hả? Đời mình vui lắm.
Sinh năm 1964 ở Việt Trì - Phú Thọ. Sau khi học đủ thứ, nào văn hóa nghệ thuật, nghề mộc, may… ở Hà Nội xong, năm 1993 anh vào TP Vinh làm may mặc cho một cơ sở từ thiện. Một lần lên huyện Đô Lương dạy nghề miễn phí cho trẻ khuyết tật và trẻ có hoàn cảnh khó khăn, dự kiến sau 3 tháng truyền nghề là anh về lại Vinh, nhưng quãng thời gian ấy và nhất là sau khi lớp học xong, thấy các cháu bỗng bơ vơ không biết làm ở đâu, anh lại lăn tăn. Có phụ huynh đến năn nỉ: “Thầy ơi, thầy đã thương thì thương cho trót. Giờ thầy về thì các cháu tật nguyền, mồ côi thế này sẽ đi đâu để người ta nhận, tiền đâu mua máy khâu?”. Anh quyết định ở lại cùng các cháu. Hoạt động về nghề may là chính, nhưng muốn sống được và để nuôi nhau được, anh cùng 20 học trò phải xoay đủ nghề, từ làm đậu hũ, nuôi heo cho đến đóng gạch, làm mộc, thu mua phế liệu… Tóm lại là cái gì có thể làm ra tiền một cách lương thiện, để sống mà không phải phụ thuộc là anh và các cháu lao vào làm, làm ngày làm đêm. Năm 1997, anh bán xe máy, nhẫn vàng, cả cây đàn ghi ta vốn gắn bó một thời thanh niên sôi nổi, rồi nhờ bố mẹ, vay mượn bạn bè anh em để thành lập Trung tâm Dạy nghề và giới thiệu việc làm nhân đạo Đô Lương. Anh bảo:
- Bây giờ mình có hàng ngàn học trò ở khắp mọi nơi. Riêng quần áo là không bao giờ phải may nhé, học trò tặng, mặc mỗi đứa một lượt đã không xuể. Mà này, nó như cái duyên tiền định em ạ. Em thấy không, rõ là mục đích của trung tâm mình lập ra là giúp đỡ, là dạy nghề cho các cháu khuyết tật, các hoàn cảnh khó khăn. Nhưng không hiểu sao, ngoài các cháu này thì càng ngày mình càng có nhiều trẻ bị bỏ rơi đến với mình. Từ các bệnh viện có trẻ bị bỏ rơi cũng kêu; các xã, phường có trẻ không nơi nương tựa cũng gọi. Không vợ, nhưng mình là bố của cả trăm con đấy, sướng không!
3. Anh ghé vào căn phòng nhỏ có một bé đang được quấn trong tã lót. Đây là cháu trai trung tâm mới nhận ở xã Hưng Đạo (huyện Hưng Nguyên), hiện chưa đặt tên. Anh hỏi cô nhân viên trực: “Con nó thế nào”, “Con ngoan anh ạ”. Xong, anh sang bên khu vực dành cho các cháu lớn hơn. Vừa bước vào thì cả ngoài hành lang lẫn trong phòng rộ lên những tiếng kêu i a, tiếng khóc đòi, có cả tiếng “bố bố”. Tôi chợt thốt lên: “Nhìn các cháu không khác gì bầy chim non!”. Anh cầm gói bánh đi đến bên các con, thì thầm: “Như những con chim non nhưng đều có những tổn thương”. Đây là con Lê Quang Sáu bị não úng thủy, Lê Thị Bình bị bại não, Trần Văn Ngọc bị thiểu năng... Dừng lại hồi lâu bên chiếc cũi có một bé không đứng dậy được, anh lại cúi xuống nói nhỏ: “Con đây là Lê Thị Ước, với mong ước rằng con được phẫu thuật chân. Khi nhận được con mới 6 tháng tuổi nhưng hai chân thì bị dính vào nhau…”. Anh kể:
- Chuyện xin con nuôi, người ta cũng chỉ xin con khỏe mạnh, còn các con bệnh tật thì… Hiện có 10 con bị các dạng bệnh tật trong tổng số 78 con đang được trung tâm nuôi dưỡng. Có nhà đi coi bói là phải có con nuôi thì mới có được con đẻ. Đến gặp, mình bực quá bảo mời ông bà về cho. Ông bà mà có con ông bà lại vứt con tôi ra đường à? Lỡ các con bị bỏ rơi, bơ vơ thêm một lần nữa thì tội chết.
Chúng tôi sang thăm lớp mẫu giáo. Thấy bố Thực từ ngoài sân, cả lớp đang học bỗng nhao lên tranh nhau: “Con chào bố, con chào bố!”. Đây là lớp học khá đặc biệt, vì có cháu 3 - 4 tuổi nhưng cũng có cháu đến 11, 13 tuổi. Những cháu lớn tuổi là người dân tộc thiểu số được bố Thực đưa về từ các huyện miền núi. Khi các cháu về thì đã quá tuổi, lại không biết tiếng Kinh nên không thể đưa đi học lớp lớn. Gần đây nhất, trung tâm đón 2 cháu người dân tộc Mông ở Nậm Cắn (Kỳ Sơn). Hai cháu lang thang gần khu vực Cửa khẩu Nậm Cắn. Đêm ngủ vật ngủ vờ, trưa và chiều tối thì mon men đến các đơn vị, nhà dân đợi mọi người ăn xong thì sà vào ăn vét những thứ còn lại.
- Trong này có nhiều con ngoài “chỉ tiêu” lắm em ạ. Vì nếu muốn các con có trợ cấp thì phải có xác nhận của địa phương, nhưng tòa án nào dám xác nhận là cha mẹ đẻ các con bỏ đi mất tích và không còn sống? Mà không có trợ cấp của Nhà nước thì chẳng lẽ lại đem các con thả lại rừng? Hiện trung tâm đang nuôi vượt “chỉ tiêu” 20 con như vậy.
- Anh có nhớ hết tên các con không?
- Ôi, nhớ làm sao được em. Trước đây còn nắn nót đặt tên đặt tuổi. Như khi bà con nhặt được một con trên đống cát, suy nghĩ mãi tôi đặt luôn là Cát Thành Tâm. Ai cũng bảo tên này độc đáo đó. Còn họ thì phần lớn đặt theo họ Lê của mình. Nhưng sau này đông con quá, nên cứ đặt tên theo những người có cái tâm, cái đức, cái tài với hy vọng cuộc đời của các con sẽ tốt đẹp, không như lúc sinh ra.
4. - Giữa một ông giám đốc tự quản trước đây và một ông giám đốc trong Nhà nước bây giờ, anh cảm thấy thế nào?
- Trước giờ mình làm gì thì cứ thế mà làm, không nghĩ làm cho mình. Rồi sau này mình nghiệm từ cuộc đời mình rằng, chính từ tình thương giữa con người với con người nó nảy sinh ra cái công việc bây giờ. Chứ ai nghĩ giám đốc giám điếc gì.
- Nhưng vào Nhà nước rồi đỡ hơn chứ?
- Có đỡ hơn chứ, nhưng mình… ngại lắm. Ngại đeo cà vạt, ngại họp hành…
Từ Trung tâm Dạy nghề và giới thiệu việc làm nhân đạo Đô Lương, sau 5 lần đổi tên trở thành Trung tâm Công tác xã hội tỉnh Nghệ An bây giờ. Năm 2007, Trung tâm chính thức “vào” Nhà nước, trực thuộc Sở LĐTB-XH Nghệ An. Bây giờ anh đã bắt đầu nghĩ đến việc chuyển giao công việc cho người khác. Trong các cuộc họp của lãnh đạo tỉnh cũng như với anh em trung tâm, anh luôn nhắc đi nhắc lại: “Ai thay tôi tôi đều để lại toàn bộ tài sản, nhưng xin giúp tôi mấy việc. Đó là phải đảm bảo rằng, ngoài cán bộ trong biên chế thì những cán bộ hợp đồng phải được đảm bảo đến khi về hưu, các con phải đầy đủ ngày ba bữa, ăn học đàng hoàng. Còn riêng tôi, khi nào đi là tôi đút hai tay vào túi quần và đi”.
Người không hiểu sẽ cho phát biểu của anh là “này nọ”, nhưng có biết anh mới hiểu. Thời anh đang còn “bơi một mình” thì không nói làm gì. Ngay cả đến khi anh được ăn lương Nhà nước từ năm 2007 đến nay, anh không biết cầm đồng lương là gì. Phần lương ấy đã được chuyển vào những bữa ăn, hộp sữa, những cuốn vở, cây bút… của các con ở trung tâm. Nhưng anh vẫn nghĩ, đó mới chỉ giải quyết được một phần rất nhỏ thôi. Bởi với mức trợ cấp cho mỗi con là 360.000 đồng/tháng, nếu không xoay xở thì làm sao nuôi nổi các con, chỉ riêng lo cho các con ăn sáng đã hụt tiền.
- Em có nhớ cô bé khi ta gặp ở cơ sở làm nhang của trung tâm không? Cô bé tên Hằng, quê ở huyện Yên Thành. Năm 2010, khi đang học ở Hà Nội, vì cứu bạn nên mang thương tật. Hằng xin về đây, làm nhang, vừa có niềm vui cho mình và mang thêm nguồn thu nuôi các cháu nhỏ nữa đấy.
Trong số 56 cán bộ nhân viên của trung tâm bây giờ thì chỉ có 29 người biên chế thôi, ngoài ra trung tâm phải tự xoay xở mà nuôi nhau và nuôi các con… Khi tôi đang viết những dòng này thì nhận được tin nhắn của anh: “Cường ơi, sáng nay, ngày 3-11, bọn mình vừa xuống Bệnh viện Sản nhi Nghệ An đón một bé gái bị bỏ rơi về…”.
DUY CƯỜNG