Chính phủ đang chỉ đạo xây dựng Nghị định về cơ chế tự chủ của cơ sở giáo dục đại học công lập và Nghị định về cơ chế tự chủ trong các trường giáo dục nghề nghiệp, cao đẳng và trung cấp. Trong dự thảo hai nghị định này vẫn giữ biên chế công chức và viên chức.
“Tôi có hỏi Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ thì được biết Bộ trưởng đề xuất thí điểm bỏ biên chế giáo viên như vậy là vì Bộ trưởng muốn khắc phục tình trạng "biên chế suốt đời", "chỉ có vào không có ra", sau khi vào biên chế có không ít giáo viên không còn nỗ lực phấn đấu, không đáp ứng được yêu cầu giảng dạy trong tình hình mới”, Phó Thủ tướng cho biết.
Theo Phó Thủ tướng, Luật Cán bộ công chức, Luật viên chức đều quy định là nếu công chức, viên chức 2 năm liên tiếp không hoàn thành nhiệm vụ thì được đưa ra khỏi biên chế. “Vấn đề là ở chỗ quản lý, đánh giá giảng viên, giáo viên một cách thực chất, nghiêm túc chứ không phải nằm ở câu chuyện giữ biên chế hay là bỏ biên chế”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Tại cuộc tiếp xúc với cử tri TP Hải Phòng ngày 26-6, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng khẳng định chưa có chủ trương bỏ biên chế đối với giáo viên, tất cả các thầy giáo, cô giáo hãy yên tâm.
Trước đó, ngày 12-5, phát biểu của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ về thí điểm bỏ biên chế giáo viên tại cuộc tiếp xúc cử tri tỉnh Bình Định đã nhận được nhiều ý kiến phân tích, trao đổi, tranh luận từ các chuyên gia giáo dục, pháp luật, đại biểu Quốc hội và các nhà giáo.
Tại kỳ họp Quốc hội vừa qua, trả lời ý kiến các ĐBQH, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng cho rằng, đây mới là ý kiến phát biểu của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, Bộ GD-ĐT chưa hề có văn bản đề xuất và trong nhiều lần làm việc với Bộ GD-ĐT, Phó Thủ tướng cũng chưa bao giờ nghe thấy đề xuất này.