Bộ GD-ĐT không nên biên soạn sách giáo khoa ?

Chiều 11-11, Quốc hội thảo luận ở tổ về Dự án Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Bộ GD-ĐT không nên biên soạn sách giáo khoa ?

(SGGPO). – Chiều 11-11, Quốc hội thảo luận ở tổ về Dự án Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Xấu hổ vì dân kêu cơ quan quản lý thực hiện không đúng luật

Về Dự án Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, ĐB ĐB Trần Du Lịch (TPHCM) cảnh báo, trong lĩnh vực ban hành văn bản quy phạm pháp luật đang có tình trạng “phép vua thua lệ làng”, vì vậy cần phải làm rõ để hạn chế những việc này.

ĐB Lê Đông Phong (TPHCM) đồng tình với ý kiến ĐB Trần Du Lịch khi cho rằng, “phép vua” thì phải ra “phép vua”, “lệ làng” phải ra “lệ làng”. ĐB Phong nêu, ở cơ sở thường có những quy định kiểu hương ước, cái đó phải rõ ràng vì đó không phải là những quy phạm pháp luật hành chính. Không được làm đảo lộn trật tự ban hành văn bản quy phạm pháp luật. ĐB Nguyễn Văn Hưng (TPHCM) cảnh báo phải loại bỏ lợi ích nhóm trong việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật.

Về văn bản của chính quyền cấp huyện, cấp xã, dự thảo Luật đưa ra 2 phương án: Phương án 1: Không quy định thẩm quyền ban hành văn bản pháp luật của chính quyền cấp huyện, cấp xã. Phương án 2: Quy định thẩm quyền ban hành văn bản pháp luật của chính quyền cấp huyện, cấp xã. Một số ĐB đồng tình với phương án 1. Nhưng ĐB Lê Trọng Sang (TPHCM) có quan điểm khác khi cho rằng, cấp quận huyện, xã phường ban hành văn bản pháp luật là do họ có nhu cầu, nếu đánh giá rằng họ ban hành chủ yếu sao chép, trùng lắp để bỏ thẩm quyền này là chưa hoàn toàn chính xác. “Nếu bỏ quy định cấp huyện, xã được ban hành văn bản pháp luật thì tính sao, vì nếu họ không điều hành bằng văn bản thì bằng gì? Vì vậy, cần phải tùy vào điều kiện của từng nơi, nhất là ở nông thôn, đô thị đặc biệt. Đề nghị cấp huyện, xã vẫn phải có văn bản hành chính để điều hành”, ông Sang nói.

ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm (TPHCM) cho rằng, nếu cấp huyện, xã không được ban hành văn bản pháp luật thì có thực hiện được thẩm quyền, chức năng, vai trò của chính quyền quận huyện, xã phường hay không. “Vì vậy, cần xác định lại chức năng, thẩm quyền của chính quyền cấp huyện, xã để quy định họ được ban hành văn bản loại gì, quy phạm pháp luật hay văn bản hành chính”, ĐB Quyết Tâm nói.

Đặc biệt, ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm nêu thực tế, có nhiều văn bản pháp luật không đi vào cuộc sống. Nhiều luật không sát thực tiễn, ví dụ như luật xử lý vi phạm hành chính về cai nghiện, xa thực tiễn. Vì vậy, cách phân công các bộ ngành trong trình dự án luật phải tính lại. Như vậy thì mới khắc phục những “lỗi” trong ban hành văn bản pháp luật hiện nay. “Về thực hiện luật, dân nói, chỉ cần các cơ quan quản lý Nhà nước thực hiện đúng pháp luật là được. Nghe rất xấu hổ. Dân kêu các cơ quan quản lý thực hiện không đúng luật, khiến dân khổ. Đừng làm luật theo kiểu “thích đổi, thích sửa thì đổi, sửa”. Làm luật phải sát thực tiễn, không để chết yểu, tốn kém thời gian, tiền của. Nguy hiểm nhất là làm mất niềm tin của dân”, ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm bức xúc. Đồng thời đặt vấn đề, nếu ban hành luật không sát thực tiễn, không áp dụng được, gây bao tốn kém thì ai bồi thường?

Đề nghị Bộ GD-ĐT không biên soạn SGK

Về Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, ĐB Huỳnh Minh Thiện (TPHCM) đề nghị đổi mới chương trình-SGK cần đồng bộ, có lộ trình từng bước. “Đồng tình về định hướng 1 chương trình - nhiều bộ SGK . Tuy nhiên, không đồng tình Bộ GD-ĐT biên soạn SGK, nên tập trung cho công tác quản lý Nhà nước. Bộ biên soạn SGK là vừa đá bóng vừa thổi còi; tổ chức, cá nhân nào dám “đua” với Bộ. Bộ sẽ không bao giờ thẩm định SGK của mình thua sách của tổ chức, cá nhân. Bộ soạn thì không sở, phòng GD-ĐT, trường nào dám làm. Bộ soạn thì phải lấy tiền Nhà nước để làm, nhưng nếu không đạt chất lượng thì đổ tiền Nhà nước ra sông ra biển?”, hàng loạt câu hỏi được ĐB Thiện đưa ra.

Cũng theo ĐB Huỳnh Minh Thiện, thay toàn bộ chương trình - SGK hay chỉ thay những gì chưa phù hợp, đã lạc hậu, còn những gì đang tốt thì phải giữ, phát huy. Cần phải có đánh giá tổng thể vấn đề này. Đồng thời, phải có cơ chế đề quy tụ các chuyên gia giỏi để biên soạn SGK. Phải có kế hoạch để bồi dưỡng đội ngũ giáo viên thực hiện CT-SGK mới thì mới có hiệu quả.

ĐB Võ Thị Dung (TPHCM) cũng cho rằng, đổi mới chương trình - SGK là đề án hệ trọng, liên quan đến hàng chục triệu học sinh, phụ huynh. “Kết quả đổi mới sẽ tác động thế nào đối với đất nước, với nền giáo dục, cần làm rõ điều này. Đổi mới phải có kế thừa, nhưng đề án không thể hiện tính kế thừa, gần như làm mới hoàn toàn”, bà Dung phát biểu.

ĐB Võ Thị Dung cũng đồng tình ý kiến cho rằng Bộ GD-ĐT không biên soạn SGK, vì nếu Bộ làm không đạt yêu cầu thì lãng phí; không khách quan, công tâm trong cạnh tranh với SGK của các tổ chức, cá nhân khác.  “Bộ chỉ chăm chăm vào phương án Bộ làm SGK”, bà Dung phàn nàn.

 Bộ GD-ĐT không biên soạn SGK thì sẽ bị động, không kiểm soát được chất lượng


 PV SGGP đã có trao đổi với ông Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội xung quanh một số vấn đề mà dư luận còn nhiều ý kiến trái chiều về Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa  (CT-SGK) giáo dục phổ thông.

* Phóng viên: Thưa ông, lần này có vấn đề rất mới là sẽ có nhiều bộ SGK. Nhưng một trong vấn đề đang có nhiều ý kiến khác nhau của đề án này là việc Bộ Giáo dục-Đào tạo (GD-ĐT) có nên biên soạn bộ SGK hay không? Ý kiến của ông thế nào?

* Ông Đào Trọng Thi: Chúng tôi thấy rằng nhiều SGK cho một môn học là cần thiết, và đã đến lúc xã hội hóa xuất bản SGK với những điều kiện nhất định.

 Hiện đang có 2 luồng ý kiến về vấn đề này. Thứ nhất là giao hết cho tổ chức, cá nhân biên soạn SGK, Bộ GD-ĐT chỉ đứng ra thẩm định SGK. Thứ hai là cùng với các tổ chức, cá nhân biên soạn thì Bộ GD-ĐT vẫn phải biên soạn một bộ SGK. Nhưng tôi cho rằng, trong số SGK các tổ chức, cá nhân biên soạn thì chúng ta vẫn phải giao cho Bộ GD-ĐT chủ động biên soạn một SGK. Vì nếu giao cho các tổ chức, cá nhân biên soạn, Bộ GD-ĐT không làm thì đến lúc chúng ta cần SGK nhưng chưa có SGK thì làm thế nào, trong khi quy mô toàn quốc lớn như thế?

Vì vậy, chúng ta phải chủ động. Nếu không chủ động thì đến lúc cần SGK, người ta đưa cho mình bộ nào phải dùng bộ đó, như thế là bị động, là không kiểm soát được chất lượng. Đấy là chưa kể còn một số lý do khác, ví dụ như chúng ta phải tiến hành dạy thử nghiệm SGK trên quy mô nhỏ xem có thành công không.

Bộ GD-ĐT không nên biên soạn sách giáo khoa ? ảnh 1

Ông Đào Trọng Thi

* Lần này thực hiện đổi mới CT-SGK phổ thông, theo ông mất bao lâu thì chúng ta sẽ đi vào ổn định?

* Lần này chúng ta có chủ trương không làm cuốn chiếu từ lớp 1 đến lớp 12 như trước đây. Ở tiểu học không thay đổi nhiều thì chúng ta làm đồng thời, năm đầu tiên có thể làm luôn 5 lớp.

Còn THCS và THPT thì phải làm theo kiểu cuốn chiếu. Nhưng cuốn chiếu theo từng cấp học. Do đó, dài nhất chỉ 4 năm. Nếu năm học 2018-2019 bắt đầu thì đến năm năm 2023 sẽ xong. 

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận: Biên soạn SGK theo cách tiếp cận mới của thế giới

“Bao nhiêu bộ SGK là đủ thì không khẳng định được ngay, Bộ GD-ĐT dự kiến trên thực tế lạc quan nhất là có khoảng 4 bộ: trong dự toán kinh phí cũng tính kinh phí thẩm định cho 4 bộ. Qua 3 - 4 lần viết SGK, lực lượng tham gia viết không nhiều. Trong những người có thể có kinh nghiệm viết, lại không phải ai cũng sẵn sàng. SGK lần này sẽ không như ngày xưa mà theo cách tiếp cận mới. Trước đây là thầy truyền đạt kiến thức một chiều từ thầy đến trò, nay phải làm quen, tiếp cận cách làm của thế giới, chú trọng khơi gợi năng lực, phẩm chất sáng tạo của người học.

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận phát biểu về đổi mới giáo dục tại tổ. Ảnh: LÃ ANH

Cũng có ý kiến băn khoăn Bộ GD-ĐT vừa biên soạn, lại vừa thẩm định sách giống như vừa đá bóng, vừa thổi còi, không có chỗ cho nhóm viết sách khác. Thực ra từ trước đến nay, Bộ GD-ĐT chưa bao giờ trực tiếp viết mà tổ chức tập hợp các nhà khoa học, nhà giáo, nhà văn hóa, giáo viên… viết SGK. Việc thẩm định cũng vậy, tuy nói là Bộ GD-ĐT thẩm định nhưng là Hội đồng bao gồm các nhà khoa học, nhà văn hóa, giáo viên uy tín… Đây là Hội đồng độc lập, và bộ sẽ dựa trên kết quả thẩm định đó. Bộ GD-ĐT sẽ nghiên cứu, đề xuất cơ chế để khuyến khích các nhà khoa học tham gia viết SGK”.

PHAN THẢO - ANH PHƯƠNG - NGỌC QUANG

Tin cùng chuyên mục