Bộ GT-VT: Xe kinh doanh vận tải ứng dụng hợp đồng điện tử đều là taxi

Trong Báo cáo gửi tới phiên giải trình của Ủy ban Tư pháp Quốc hội, Bộ Giao thông – Vận tải (GTVT) cho biết, Bộ GTVT đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ và đề xuất chọn phương án quản lý áp dụng quy định tất cả các xe kinh doanh vận tải theo hợp đồng dưới 9 chỗ mà ứng dụng hợp đồng điện tử thì là xe taxi.

Sáng 6-3, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội tổ chức phiên giải trình “Tình hình vi phạm pháp luật và tội phạm xâm phạm an toàn giao thông đường bộ, đường sắt trong các năm 2017, 2018, đầu năm 2019 và giải pháp trong thời gian tới”. Hàng chục nhóm vấn đề đã được nhóm nghiên cứu của Ủy ban Tư pháp yêu cầu các cơ quan có trách nhiệm giải trình.

Bộ GT-VT: Xe kinh doanh vận tải ứng dụng hợp đồng điện tử đều là taxi ảnh 1 Chủ nhiệm Ủy  ban Tư pháp Lê Thị Nga phát biểu khai mạc phiên giải trình 
Thay mặt nhóm nghiên cứu phát biểu tại phiên giải trình, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp Nguyễn Thị Thuỷ nhận định, bên cạnh những kết quả đạt được, tình hình vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông (TTATGT) và tai nạn giao thông (TNGT) vẫn diễn biến rất phức tạp; số người chết và số người bị thương tuy có giảm, nhưng vẫn rất nghiêm trọng (TNGT đường bộ và đường sắt trong năm 2018 làm 8.190 người chết; 14.792 người bị thương).

“Trong phạm vi của phiên Giải trình, đề nghị các bộ, ngành hữu quan tập trung giải trình, làm rõ một số hạn chế trong công tác quản lý nhà nước”, bà Thủy nói.

Cụ thể, đề nghị Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công an báo cáo việc nợ đọng các văn bản quy định chi tiết hướng dẫn thi hành Luật Giao thông đường bộ, Luật Giao thông đường sắt và những quy định tuy đã được ban hành nhưng không phù hợp, gây khó khăn trong thực tiễn.

Về phía Bộ Y tế, đề nghị giải trình về những hạn chế, vướng mắc trong các văn bản pháp luật quy định về tiêu chuẩn sức khỏe của người lái xe, việc khám sức khỏe định kỳ đối với người lái xe ô tô, quy định về cơ sở y tế khám sức khỏe cho người lái xe.

Bộ Giáo dục và Đào tạo được đề nghị giải trình về việc giáo dục và tuyên truyền pháp luật về TTATGT cho học sinh, sinh viên còn hình thức. Vẫn còn một bộ phận học sinh, sinh viên vi phạm pháp luật về TTATGT, nhất là tình trạng sử dụng xe đạp điện không đội mũ bảo hiểm, chở quá số người cho phép, đi sai làn đường, không chấp hành tín hiệu đèn giao thông...

“Có trường hợp ngay tại buổi tuyên truyền về TTATGT, có cô giáo chở 3 người trên 1 xe máy, không đội mũ bảo hiểm đến trường tham dự chương trình tuyên truyền về TTATGT”, Ủy viên Nguyễn Thị Thủy nêu một ví dụ rất điển hình.

Liên quan đến công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm, nhóm nghiên cứu nhận xét, công tác tuần tra, kiểm soát mới chủ yếu tập trung ở các địa bàn đông dân cư, tuyến đường trọng điểm, trong thời gian cao điểm. Mặc dù số lượng các vi phạm được phát hiện qua công tác tuần tra, kiểm soát là khá lớn nhưng vẫn chưa phản ánh đúng thực trạng vi phạm hiện nay.

Công tác tuần tra, kiểm soát đối với xe siêu trường, siêu trọng chưa chặt chẽ, vẫn để xảy ra nhiều vụ việc vi phạm nghiêm trọng về tải trọng; thậm chí nhiều xe ngang nhiên, công khai đi qua nhiều tuyến quốc lộ từ Bắc vào Nam và ngược lại. Cử tri phản ánh, bằng mắt thường có thể phát hiện xe vận chuyển quá tải nhưng thực tế các xe này vẫn vận chuyển trót lọt.

Đáng lưu ý, từ lâu, dư luận đã phản ánh tình trạng lái xe đường dài sử dụng ma túy, song công tác tuần tra, kiểm soát chưa tập trung nhiều vào việc kiểm tra tình trạng này. Chỉ đến khi xảy ra các vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng ở Long An, Hải Dương do lái xe sử dụng ma túy, gây bức xúc trong dư luận thì việc kiểm tra tình trạng này mới được chú trọng.

Bộ GT-VT: Xe kinh doanh vận tải ứng dụng hợp đồng điện tử đều là taxi ảnh 2 Hiện trường vụ tai nạn kinh hoàng ở Long An vào ngày 2-1-2019
Các nhóm vấn đề khác được nêu bao gồm công tác đầu tư xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông và quản lý, khai thác kết cấu hạ tầng giao thông; trong đó nhấn mạnh việc xử lý vi phạm chưa hiệu quả, còn tồn đọng lớn (năm 2017 còn tồn 59% số vụ vi phạm chưa xử lý; năm 2018 còn tồn 68,3% số vụ vi phạm chưa xử lý); một số trạm thu phí BOT có dấu hiệu đặt tại vị trí không hợp lý, gây bức xúc trong dư luận; thậm chí một số nơi, người tham gia giao thông đã tụ tập đông người tại các trạm thu phí BOT, sử dụng tiền có mệnh giá nhỏ để nộp phí, gây ùn tắc giao thông nghiêm trọng.

“Trong khi đó, Quyết định về việc thu phí điện tử tự động không dừng được ban hành từ năm 2017 đến nay chưa được thực hiện. Theo Quyết định số 07/2017/QĐ-TTG ngày 27-3-2017 của Thủ tướng Chính phủ thì đối với các dự án xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ trên Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên, chậm nhất đến ngày 31-12-2018, nhà đầu tư phải bàn giao toàn bộ các trạm thu phí sử dụng đồng bộ đang vận hành cho nhà cung cấp dịch vụ thu phí để thực hiện việc thu theo hình thức điện tử tự động không dừng”, bà Thủy nêu rõ. 

Bên cạnh đó, theo thống kê, một trong những nguyên nhân dẫn đến TNGT có liên quan đến lỗi kết cấu hạ tầng giao thông. Tuy nhiên, cử tri phản ánh đến nay hầu hết các vụ TNGT chưa có cá nhân, tập thể nào bị xử lý liên quan đến lỗi kết cấu hạ tầng giao thông.

Bộ GTVT đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong hoạt động vận tải

Bộ GTVT cho biết, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Văn bản số 10494/VPCP-CN ngày 29-10-2018, Văn bản số 10593/VPCP-CN ngày 1-11-2018, Văn bản số 506/VPCP-CN ngày 17-1-2019 của Văn phòng Chính phủ, thông báo kết luận số 23/TB-VPCP ngày 16-1-2019 của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, Bộ GTVT đã tổng hợp, tiếp thu, giải trình ý kiến Thành viên Chính phủ đối với dự thảo Nghị định quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô (thay thế Nghị định số 86/2014/NĐ-CP).

Quá trình tiếp thu ý kiến Thành viên Chính phủ, Bộ GTVT đã chủ trì mời Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, Viện nghiên cứu và quản lý kinh tế trung ương, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, Hiệp hội taxi (Đà Nẵng, Hà Nội, TPHCM) và các cơ quan, đơn vị tham mưu trực thuộc Bộ để tiếp thu vấn đề liên quan đến quản lý hoạt động xe taxi và xe hợp đồng điện tử.

Hiện tại hai quan điểm khác nhau về việc quản lý xe ô tô kinh doanh vận tải dưới 9 chỗ ứng dụng hợp đồng điện tử (là xe taxi hay là xe hợp đồng) vẫn đang là vấn đề còn nhiều vướng mắc do mỗi phương án đều có những ưu điểm và hạn chế khi đưa ra để quản lý, tác động rất lớn đến xã hội và hoạt động kinh doanh vận tải của các doanh nghiệp, hợp tác xã.

Tuy nhiên, quá trình thí điểm ứng dụng hợp đồng điện tử thời gian qua, Bộ GTVT và các bộ, ngành, địa phương đã thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong việc đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, thí điểm đúng loại hình Thủ tướng đã cho phép, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp, đáp ứng yêu cầu thúc đẩy sự đổi mới trong hoạt động vận tải.

Đối với người dân, quan tâm nhất đó là sự thuận lợi và chi phí cho chuyến đi; yêu cầu đối với đơn vị kinh doanh vận tải đó là an toàn cho hành khách, thực hiện đầy đủ các điều kiện kinh doanh vận tải và các quy định khác liên quan như thuế, trách nhiệm đối với người lao động. Quá trình thí điểm cho thấy, phương thức hoạt động của các xe sử dụng hợp đồng điện tử là tương đối giống với xe taxi (có nhiều nét tương đồng về phạm vi hoạt động chủ yếu trong đô thị, đối tượng khách hàng, phương thức gọi xe…).

Mặc dù việc quy định là xe taxi hiện còn có những hạn chế (bao gồm cả việc chưa phù hợp với một số Luật hiện nay) như đã nêu trên nhưng đáp ứng được việc không triệt tiêu ứng dụng khoa học công nghệ trong hoạt động vận tải theo chủ trương của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; đồng thời tạo thuận lợi cho công tác quản lý và không ảnh hưởng đến nhu cầu đi lại của người dân.

Vì vậy, trên cơ sở kết quả thí điểm và những nét tương đồng giữa xe taxi với xe dưới 9 chỗ ứng dụng hợp đồng điện tử, để tăng cường công tác quản lý đối với xe dưới 9 chỗ chở khách, Bộ GTVT đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ và đề xuất chọn phương án quản lý áp dụng quy định tất cả các xe kinh doanh vận tải theo hợp đồng dưới 9 chỗ mà ứng dụng hợp đồng điện tử thì là xe taxi.

Thống kê TNGT không phản ánh đúng thực trạng 

Theo báo cáo của Bộ Công an về tình hình vi phạm pháp luật và tội phạm xâm phạm ATGT đường bộ, đường sắt trong các năm 2017, 2018 và đầu năm 2019, từ năm 2017 đến nay (từ 16-11-2016 đến 15-2-2019) đã xảy ra 42.814 vụ TNGT, làm chết 18.392 người, bị thương 35.069 người.

Tuy nhiên, việc phân loại và thống kê TNGT nói chung, TNGT đường bộ, đường sắt nói riêng chưa thống nhất, dẫn đến số liệu về tình hình TNGT còn khác nhau, nhất là số người chết do TNGT – Bộ này nhận xét.

Tại Việt Nam, số người chết do TNGT được hiểu là số người chết ngay tại hiện trường vụ TNGT. Trong khi đó, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thống kê số người chết do TNGT bao gồm số người chết ngay tại hiện trường vụ TNGT và cả những người bị thương, sau đó chết trong 30 ngày kể từ thời điểm xảy ra TNGT.

Để thống nhất trong công tác thống kê TNGT, năm 2018, Bộ Công an đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ đồng ý và hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng nghị định của Chính phủ về công tác thống kê, báo cáo, chia sẻ dữ liệu TNGT, lấy ý kiến tham gia của các bộ, ngành, địa phương và gửi Bộ Tư pháp cho ý kiến thẩm định để triển khai xây dựng nghị định.

Song, Bộ Tư pháp có công văn trả lời không thống nhất với việc xây dựng nghị định. Do vậy, hiện nay Bộ Công an đang giao Cục Cảnh sát giao thông đề xuất về việc này. Trước mắt có thể xây dựng thông tư của Bộ Công an quy định về chế độ thống kê, báo cáo, chia sẻ dữ liệu TNGT và tiến tới sẽ xây dựng nghị định của Chính phủ về vấn đề này.

Đề cập đến vấn đề này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội cũng cho biết, số liệu thống kê hiện nay không phản ánh đúng thực trạng nghiêm trọng về vi phạm TTATGT và tổn thất do TNGT. Ngoài việc quy định về thống kê chưa hợp lý, ông Cương còn cho rằng vẫn có tình trạng “giấu bớt” số liệu để coi việc giảm số vụ, số thương vong do TNGT như là kết quả của chỉ đạo điều hành.

Tin cùng chuyên mục