Bộ LĐ-TB&XH: Người lao động không nên di chuyển khỏi Hàn Quốc nếu không thực sự cần thiết

Hiện Việt Nam đang có khoảng 48.000 người lao động đang làm việc tại Hàn Quốc, nơi dịch Covid-19 đang bùng phát mạnh. Tuy nhiên, tối nay 27-2, Cục Quản lý lao động ngoài nước thông báo, không có người lao động Việt Nam nào bị nhiễm nên cần bình tĩnh, không di chuyển khỏi Hàn Quốc nếu chưa thật sự cần thiết.
Dongsung-ro, một khu mua sắm lớn ở Daegu, cách Seoul 300 km về phía đông nam, gần như vắng người trong ngày 26-2. Ảnh: YONHAP
Dongsung-ro, một khu mua sắm lớn ở Daegu, cách Seoul 300 km về phía đông nam, gần như vắng người trong ngày 26-2. Ảnh: YONHAP

Sau khi có chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung về triển khai các giải pháp hỗ trợ lao động Việt Nam đang làm việc tại Hàn Quốc, tối nay (27-2), Cục Quản lý lao động ngoài nước thông báo đã triển khai các chính sách, nhiệm vụ cụ thể, đồng thời đưa ra những khuyến cáo cần thiết cho người lao động Việt Nam đang làm việc tại tâm dịch.

Theo cơ quan này, hiện Việt Nam đang có 48.000 lao động đang làm việc tại Hàn Quốc theo hợp đồng. Trong đó, tại vùng tâm dịch đang có khoảng 4.000 lao động. Cụ thể, số lao động Việt Nam đang làm việc tại TP Daegu là 1.000 người, còn tại tỉnh Gyeongsangbuk là 3.007 người, trong đó riêng tại huyện Cheongdo là 201 người.

Tuy nhiên, “hiện chưa có thông tin về người lao động Việt Nam nào bị nhiễm Covid-19. Người lao động Việt Nam tại TP Daegu và tỉnh Gyeongbuk vẫn đi làm bình thường” - Cục Quản lý lao động Việt Nam nhấn mạnh. 

Trong trường hợp các nhà máy tại tâm dịch tạm thời đóng cửa do phát hiện có người bị lây nhiễm Covid-19, người lao động sẽ được thông báo tạm nghỉ làm.

Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid -19 tại Hàn Quốc, Cục Quản lý lao động ngoài nước khuyến cáo người lao động đang làm việc tại Hàn Quốc cần bình tĩnh làm việc, hạn chế đi lại nơi công cộng, không đi đến vùng tâm dịch, hạn chế di chuyển, đặc biệt không nên di chuyển khỏi Hàn Quốc nếu không thực sự cần thiết.

Cơ quan này cũng đề nghị người lao động kịp thời liên hệ theo số điện thoại nóng của Ban Quản lý lao động Việt Nam tại Hàn Quốc và Văn phòng Quản lý lao động phổ thông EPS để cung cấp thông tin về tình hình dịch bệnh, sức khỏe của bản thân cũng như cộng đồng để được tư vấn hỗ trợ, ứng phó khi cần thiết.

“Trường hợp người lao động hết hạn hợp đồng về nước trong thời gian này, phải tuân thủ khuyến nghị của cơ quan kiểm soát dịch bệnh của Hàn Quốc và Việt Nam. Đặc biệt tuân thủ quy định về khai báo y tế khi nhập cảnh Việt Nam và quy định về cách ly của Bộ Y tế để được giám sát y tế, kịp thời chữa trị, nhằm đảm bảo sức khỏe cho mình và gia đình mình” - Cục Quản lý lao động ngoài nước khuyến cáo. 

Cục Quản lý lao động ngoài nước cũng thông tin thêm: Hàn Quốc đã thực hiện một số biện pháp khẩn cấp để ngăn ngừa sự lây lan của virus như: khuyến cáo người dân không tụ tập nơi đông người; phun khử trùng tiêu độc các địa điểm công cộng, tòa nhà văn phòng; chính quyền thủ đô Seoul đã ban hành lệnh đóng cửa quảng trường thành phố (cấm biểu tình, tụ tập đông người) và đóng cửa tạm thời một số trung tâm mua sắm lớn; chính quyền TP Daegu khuyến cáo người dân không nên ra khỏi nhà nếu không có việc gì cấp bách…

Nhằm hỗ trợ giải quyết tình trạng thiếu nhân lực của các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong thời gian dịch gia tăng mạnh, Bộ Tư pháp Hàn Quốc đã phối hợp với Bộ Lao động và Việc làm, Bộ Thủy sản Hàn Quốc cho phép người lao động nước ngoài theo chương trình EPS và thuyền viên nước ngoài nếu hết hạn hợp đồng (4 năm 10 tháng) được tiếp tục ở lại làm việc tại doanh nghiệp thêm tối đa 50 ngày. 

Trước đó, Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Bộ Tư pháp Hàn Quốc có thông báo chính thức: Những công dân nước ngoài đang cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc nếu có các biểu hiện liên quan đến dịch Covid-19 khi đến khám, điều trị tại các cơ sở y tế công cộng sẽ không bị truy cứu về tình trạng cư trú bất hợp pháp và không bị trục xuất.

Tin cùng chuyên mục