Thời gian qua, câu chuyện về những cuốn sách thiếu nhi có nội dung sai lệch, nhảm nhí đã trở thành một trong những đề tài “hot” nhất trên mạng xã hội. Hàng trăm lượt người like (thể hiện đồng tình) và share (chia sẻ cho bạn bè cùng đọc) nội dung trích dẫn các quyển sách đã thể hiện mức độ thu hút và nhận được nhiều quan tâm của dư luận xã hội.
Theo một kết quả thống kê chưa đầy đủ, chỉ tính riêng trong năm 2014 đã có hơn 10 cuốn “Từ điển tiếng Việt” dành cho thiếu nhi bị thu hồi vì có nội dung phản cảm, mang tính chất phản giáo dục. Đây là một thực tế vô cùng đáng báo động. Những kiểu giáo dục trẻ con kiểu như “để gian lận thi cử, bạn có thể thu tất cả câu trả lời vào máy thu âm và nói với cô giáo rằng, bạn đang cố giảm bớt căng thẳng bằng cách nghe nhạc qua tai nghe” hay “dán bìa sách giáo khoa lên bìa sách hướng dẫn giải bài tập và dùng nó như sách giáo khoa. Nếu bị phát hiện thì giả vờ ngất xỉu trước mặt cô giáo để tránh bị phạt” khiến nhiều phụ huynh lắc đầu ngao ngán. Nhiều sách còn có các câu hỏi kiểu như: “Loại người nào không cần kiểm tra X-quang vẫn biết được bên trong?”, đáp án “Người lòng lang dạ thú”; “Ai là người không chịu nghe lời?” - “Người điếc”; “Một con trâu chỉ có đầu, không có thân thì được gọi là gì?” - “Đầu trâu”; “Đánh vào chỗ nào sẽ không có cảm giác đau?” - “Đánh vào người khác”; “Người nào suốt ngày xoa vào mông người khác?” - “Y tá tiêm cho bệnh nhân”... khiến những người theo trường phái giáo dục tân tiến nhất cũng phải “ngả mũ kính chào”.
Chưa dừng ở đó, những ngày qua nhiều phụ huynh có con học mẫu giáo còn chuyền tay nhau cuốn “Truyện cổ tích Việt Nam” (NXB Kim Đồng phát hành) có tình tiết sai lệch và kích động bạo lực. Cụ thể, câu chuyện đã “sáng tạo” thêm chi tiết mẹ con Thạch Sanh cởi truồng, mặc chung quần và Thạch Sanh chém chằn tinh “vỡ đầu, óc phọt ra chết tươi” so với nguyên bản gốc. Nhiều chuyên gia văn học dân gian đã cho rằng, cách kể chuyện vô hồn, nhảm nhí như vậy không phù hợp với tâm lý tiếp nhận của lứa tuổi thiếu nhi, đặc biệt gây tác động xấu đến nhận thức còn non nớt của các em trong độ tuổi này. Song đáng tiếc là những lỗi nội dung ngớ ngẩn này vẫn vượt qua hết các khâu kiểm duyệt, nằm chễm chệ trên các kệ sách và ảnh hưởng đến một bộ phận không nhỏ thiếu nhi. Một phụ huynh ở quận 3 thẳng thắn bày tỏ: “Đành rằng chính chúng tôi là người bỏ tiền ra mua sách cho con em, nhưng thử hỏi từ trước đến nay đã từng có cá nhân hay tập thể nào đứng ra giới thiệu, hay ít nhất có sự định hướng, bảo chứng cho phụ huynh tên những quyển sách hay, phù hợp với lứa tuổi con mình? Không thể cứ cẩu thả quăng ra thị trường vàng thau lẫn lộn rồi bắt người đọc hoàn toàn chịu trách nhiệm thẩm định”. Kể cả trong những trường hợp sách bị thu hồi, tiền lệ ngành xuất bản cũng chưa từng có buổi gặp gỡ nào để đơn vị xuất bản chính thức gửi lời xin lỗi và đính chính nội dung sách cho phụ huynh.
Qua đó cho thấy đây vẫn là câu chuyện dài kỳ chưa có hồi kết. Vế “trách nhiệm” vẫn còn bị bỏ lửng trong khi thiệt thòi chắc chắn thuộc về phía phụ huynh và học sinh.
MINH QUÂN