Những ngày qua, dư luận đặc biệt quan tâm tới các vụ việc liên quan đến công tác cán bộ. Đầu tiên là vụ việc Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Trịnh Xuân Thanh sử dụng xe tư nhân Lexus LX570 trị giá hơn 5 tỷ đồng gắn biển số công vụ. Đó là chiếc xe “mượn” của người bạn và chủ xe hiện làm tài xế cho ông Thanh. Sự quan tâm của dư luận thực sự “bùng nổ” sau khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ đạo các cơ quan liên quan kiểm tra, xem xét, kết luận vụ việc, coi đây là “việc cần làm ngay” và báo cáo với Ban Bí thư. Yêu cầu kiểm tra không chỉ liên quan đến “xe tư nhân gắn biển số xanh” mà còn là “di sản” của vị Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang này.
Cho đến nay, vụ việc “xe tư nhân gắn biển số xanh” gần như đã rõ ràng với những ý kiến của các cơ quan chức năng. Tỉnh ủy Hậu Giang cũng đã nhận thiếu sót việc cấp biển số xanh cho xe tư nhân. Nhưng chuyện biển số trắng - biển số xanh mới chỉ là một phần nhỏ trong mối quan tâm của dư luận đối với ông Thanh, bởi đáng chú ý hơn là quy trình bổ nhiệm, thuyên chuyển vị cán bộ này. Ông Trịnh Xuân Thanh từng có 5 năm giữ các vị trí lãnh đạo chủ chốt tại Tổng Công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC). Trong khi đó, lỗ lũy kế đến 31-12-2013 của PVC là hơn 3.000 tỷ đồng. Năm 2013, ông Thanh rời PVC và trong vòng 3 năm sau đó, ông Trịnh Xuân Thanh được bổ nhiệm, luân chuyển nhiều chức vụ quan trọng khác nhau như Phó Chánh văn phòng Bộ Công thương, Trưởng đại diện Bộ Công thương tại Đà Nẵng; Vụ trưởng, Chánh văn phòng Ban Cán sự Đảng Bộ Công thương trước khi chuyển về Hậu Giang giữ chức Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhiệm kỳ 2011-2016. Chính những lần thuyên chuyển, bổ nhiệm này đang là câu hỏi rất lớn của dư luận.
Ông Thanh từ lãnh đạo doanh nghiệp thua lỗ trên 3.000 tỷ đồng, bị Thủ tướng Chính phủ yêu cầu kiểm điểm rồi được về làm các vị trí ở Bộ Công thương, được luân chuyển vào Hậu Giang làm Phó Chủ tịch tỉnh, trúng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV... Vì vậy, dư luận có quyền hoài nghi về quy trình lựa chọn và sử dụng cán bộ. Hệ quả, Ban Tổ chức Trung ương đã có ý kiến về việc dừng bầu chức danh Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang đối với ông Thanh, lý do là cơ quan chức năng đang vào cuộc làm rõ các nội dung báo chí phản ánh theo chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Không chỉ trường hợp ông Trịnh Xuân Thanh, mà vài ngày gần đây, thông tin nguyên Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng dưới thời ông làm bộ trưởng đã bổ nhiệm con trai ông là Vũ Quang Hải làm lãnh đạo Tổng Công ty Bia rượu nước giải khát Sài Gòn (SABECO) cũng đang khiến xã hội chú ý. Theo thư chất vấn của Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam, năm 25 tuổi, ông Vũ Quang Hải giữ cương vị Tổng giám đốc Tổng Công ty cổ phần Đầu tư Tài chính công đoàn Dầu khí Việt Nam PVFI, trong 2 năm đã khiến công ty bị thua lỗ tổng cộng 220 tỷ đồng. Sau đó, ông Hải được điều chuyển về Bộ Công thương, tiếp tục được bổ nhiệm hàm Phó Vụ trưởng trước khi về SABECO làm thành viên Hội đồng quản trị (HĐQT) kiêm Phó Tổng giám đốc SABECO…
Trước những chất vấn này, nguyên Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng khẳng định, việc bổ nhiệm con trai (ông Vũ Quang Hải) và thư ký (ông Võ Thanh Hà) không phải do ông đề xuất mà là do SABECO “có công văn thiết tha xin đích danh” và Đảng ủy cơ quan bộ đã xem xét theo đúng quy trình. Còn SABECO dẫn lý do ông Hải là người có năng lực, kinh nghiệm và có tiếng Anh tốt để đảm nhiệm chức vụ Phó Tổng giám đốc. Bình luận về trường hợp này, TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, SABECO là công ty cổ phần, Bộ Công thương chỉ được quyền đề cử người vào thành viên HĐQT, sau đó Đại hội đồng cổ đông bầu HĐQT rồi HĐQT mới bổ nhiệm các chức danh Tổng Giám đốc và các Phó Tổng giám đốc. Khi bổ nhiệm còn có thể phải hỏi ý kiến HĐQT. Còn trong trường hợp này, SABECO đi “xin” người Bộ Công thương là trái luật và “SABECO đã phạm luật thì đừng nói đúng quy trình”.
Trong cùng thời gian, liên tiếp 2 vụ liên quan đến bổ nhiệm cán bộ thực sự đã khiến dư luận “dậy sóng”. Đúng sai thế nào, trách nhiệm ra sao sau này khi các cơ quan chức năng báo cáo sẽ rõ. Tuy nhiên, ngay tại lúc này, dư luận đều đã nhìn thấy rất rõ: việc luân chuyển, bổ nhiệm cán bộ trong thời gian ngắn, ở các chức vụ khác nhau trong khi đều đã từng điều hành doanh nghiệp gây thua lỗ là “có vấn đề”. Ông Phạm Thế Duyệt, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, thẳng thắn cho rằng: “Không phải bình luận gì nữa mà những việc đó không thể gọi là đúng đắn được. Ai đã quyết những việc này, ai đã đánh giá cán bộ để tiến hành bổ nhiệm, thuyên chuyển thì bất kể là ở dưới hay trên đều phải chịu trách nhiệm”.
Câu chuyện con ông cháu cha, lợi ích cá nhân che mờ luật, bổ nhiệm cán bộ không minh bạch luôn là bức xúc lớn của người dân, là yếu tố tác động rất lớn đến lòng tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước. Các cơ quan có thẩm quyền luôn khẳng định, quy trình bổ nhiệm cán bộ rất chặt chẽ, bổ nhiệm cán bộ là ý chí tập thể, không thể là ý chí cá nhân. Thế nhưng vẫn thường xuyên phát hiện những vụ việc bổ nhiệm cán bộ có vấn đề, cho thấy vẫn còn những “lỗ hổng” trong công tác này. Đơn cử trường hợp ông Trịnh Xuân Thanh, Thủ tướng Chính phủ khi đó đã có chỉ đạo phải xem xét nhưng thực tế đã không được làm rõ, không đánh giá đúng cán bộ mà lại coi đó là nguồn luân chuyển, trở thành cán bộ cấp cao của một địa phương ở vùng ĐBSCL. Như vậy, bản thân “quy trình” đó cũng đã không thực sự ổn. Giờ đây, chỉ bằng việc sớm kết luận rõ ràng đúng sai, xử lý nghiêm những vi phạm kể cả do nể nang, vô nguyên tắc thì mới góp phần trả lại lòng tin cho người dân về công tác cán bộ, góp phần xóa đi quan niệm có phần ai oán “con quan thì lại làm quan”...
LÂM NGUYÊN