Bỏ phiếu tín nhiệm - Không nên là việc “xuân thu nhị kỳ”

Ngày 4-6, Quốc hội sẽ thảo luận ở hội trường về Đề án tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội. Một trong những nội dung được quan tâm nhất của đề án là việc Quốc hội thực hiện lấy phiếu tín nhiệm hàng năm đối với các chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn. SGGP trao đổi với ông Lê Văn Học, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên Nhi đồng Quốc hội xung quanh vấn đề này.

- Phóng viên: Đa phần ĐBQH đồng tình với việc lấy phiếu tín nhiệm nhưng cho rằng phải làm thận trọng, không nên lấy phiếu tín nhiệm tất cả các chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn. Ý kiến ông thế nào?

Ông LÊ VĂN HỌC: Ủy viên của một ủy ban Quốc hội cũng do Quốc hội bầu, số lượng rất lớn, phải lên đến mấy trăm người, theo tôi là không nên lấy phiếu tín nhiệm hết. Tôi cho rằng phải xem thế giới họ làm thế nào đã, phải rút kinh nghiệm từ họ chứ nếu chúng ta mò mẫm làm từ đầu sẽ rất khó khăn.

Chúng ta nói bỏ phiếu tín nhiệm còn thế giới họ lấy phiếu bất tín nhiệm. Ví dụ trong quá trình thực hiện nhiệm vụ từ kỳ họp này đến kỳ họp sau, có việc gì xảy ra ảnh hưởng lớn đến vấn đề an ninh quốc gia, đến phát triển kinh tế - xã hội, những việc rất nổi cộm khiến người dân bức xúc, thấy rằng người đó không đủ khả năng, trình độ lãnh đạo, không đủ tư cách đạo đức thì Quốc hội phải có ý kiến về người đó. Lúc đó Quốc hội sẽ bỏ phiếu bất tín nhiệm, nếu 2/3 số phiếu bất tín nhiệm người đó phải nghỉ. Còn ở chúng ta mới chỉ nói là sẽ bỏ phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn, chưa hề có gì cụ thể, chưa hiểu sẽ làm ra sao. Chưa có cụ thể tiêu chí là gì.

- Ông có ủng hộ lấy phiếu tín nhiệm?

Tôi không phản đối lấy phiếu tín nhiệm cán bộ, vì đó là việc cần thiết. Nhưng theo tôi trước hết phải học kinh nghiệm của các nước. Theo quy định của chúng ta thì 2 năm liên tiếp bị dưới 50% mới xử lý nhưng nếu người cán bộ, lãnh đạo đó có tín nhiệm dưới 50% chẳng hạn, dù chưa bị sao nhưng họ nói có ai nghe với tỷ lệ tín nhiệm thấp như thế, chắc chắn ảnh hưởng đến hiệu quả công việc của người cán bộ đó.

- Vậy theo ông nên làm theo hướng nào?

Tôi cho rằng chỉ nên bỏ phiếu tín nhiệm đối với một số chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn, trong đó có các thành viên Chính phủ. Đã làm thì phải hiệu quả, chất lượng, phải học kinh nghiệm của các nước trước khi làm vì Việt Nam chưa làm bao giờ, đùng một cái làm sẽ không hiệu quả. Nếu làm như vậy chúng ta suốt ngày chỉ lo lấy phiếu tín nhiệm, rồi lại chuẩn bị cho việc lấy phiếu tín nhiệm. Đối tượng lấy phiếu tín nhiệm cũng phải tính, ví dụ lấy phiếu tín nhiệm ông thường trực ủy ban của Quốc hội để làm gì? Hoặc Chủ tịch nước chẳng hạn, nhiệm kỳ 5 năm, công tác hoàn thành tốt, lý gì lại bỏ phiếu tín nhiệm trước Quốc hội vì từ chi bộ sinh hoạt, chính quyền, Đảng kiểm điểm hàng năm đều đã đánh giá. Với những người làm việc tốt chẳng hạn, cả nhiệm kỳ họ không cần lấy phiếu tín nhiệm.

- Tức là chỉ nên lấy phiếu tín nhiệm một số chức danh, trong một số trường hợp?

Chỉ nên bỏ phiếu một số chức danh và quy định trong những trường hợp nào thì phải bỏ phiếu mà chỉ nên bỏ phiếu tín nhiệm với các thành viên Chính phủ. Mà ở đây là bỏ phiếu bất tín nhiệm chứ không phải bỏ phiếu tín nhiệm. Trường hợp nào phải bỏ phiếu bất tín nhiệm thì chúng ta tiếp tục cân nhắc, chẳng hạn trong quá trình làm để xảy ra tham nhũng ở cơ quan, đơn vị mình. Nói chung, phải có tiêu chí rõ ràng về việc bỏ phiếu tín nhiệm, chứ không nên coi đó là việc “xuân thu nhị kỳ” của Quốc hội, chắc chắn sẽ không có hiệu quả, rất dễ lâm vào tình trạng bỏ phiếu theo kiểu tất cả đồng ý một cách vui vẻ.

Phan Thảo thực hiện

Tin cùng chuyên mục