Mùa World Cup, nhiều “đệ tử của túc cầu phái” thức trắng đêm để theo dõi những trận cầu đỉnh cao. Bên cạnh đó, đây cũng là thời điểm có không ít bạn trẻ miệt mài suốt đêm bên sách vở cho kỳ thi đại học. Việc thức đêm liên tục trong khi thời tiết lại đang trong giai đoạn khắc nghiệt, nóng bức gay gắt đã khiến nhiều người đổ bệnh, mệt mỏi, suy nhược cơ thể. Để tìm cách hồi phục và bảo vệ sức khỏe, không ít người đã tự tìm tới các loại thuốc bổ hoặc truyền nước, đạm, vitamin... mà không hề có chỉ dẫn của bác sĩ, nên đã dẫn tới những hệ lụy nguy hiểm.
Đua nhau dùng vitamin và truyền dịch
Tối mịt, dãy hàng thuốc trên phố Ngọc Khánh (Hà Nội) vẫn sáng đèn, dừng xe tấp vội vào một hiệu thuốc bên đường, chị Lê Thúy (ở phố Vạn Bảo, Ba Đình, Hà Nội) mua liền một lúc 3 chai đạm, kèm 5 hộp vitamin tổng hợp. “Cháu lớn sắp thi đại học, đêm nào cũng thức khuya học bài. Sợ cháu ốm, nên tôi mua cho cháu ít thuốc bổ về uống để còn giữ được sức khỏe mà thi cử...” – chị Thúy chia sẻ khi chủ hiệu thuốc tỏ ra khá ngạc nhiên trước việc khách hàng mua một lượng thuốc bổ quá nhiều.
Trong khi đó, tại một phòng khám tư trên đường Hoàng Ngân, cả 5 giường bệnh của phòng khám này đều đang có bệnh nhân nằm chờ truyền dịch. Mệt mỏi chờ gần 3 giờ để truyền hết chai khoáng chất, anh Hùng Anh (ở khu Trung Hòa, Nhân Chính) cho biết: “Tôi thức đêm liên tục để xem bóng đá, người cứ rũ ra, mệt mỏi quá nên gần tuần nay, tối nào tôi cũng tới đây để bác sĩ truyền cho chai đạm và thuốc bổ nhằm lấy lại sức còn xem World Cup”.
Nhiều bác sĩ cho biết, hiện nay đang vào giai đoạn thời tiết nóng bức gay gắt lại trùng với dịp World Cup và mùa thi đại học nên nhiều người thức khuya, đầu óc căng thẳng dẫn tới mệt mỏi, suy nhược và đổ bệnh. Trước thực tế này, nhiều người đã tự ý mua các loại thuốc bổ về dùng, hay truyền đạm, uống nhiều nước hoa quả và khoáng chất... với tâm lý cho rằng đã bổ thì đâu có hại. Thế nhưng, đây lại là sai lầm phổ biến. Không chỉ vậy, nhiều bậc phụ huynh thấy thời tiết nóng bức, con trẻ ăn uống ít hơn cũng tìm mua các loại thuốc bổ cho trẻ uống với hy vọng có thể thay thế được thực phẩm.
Thậm chí, không ít người dù chỉ mệt mỏi, xuống sắc chút ít cũng tới bệnh viện, phòng khám tư nằng nặc đòi bác sĩ cho dùng thuốc bổ và truyền đạm để khỏe và đẹp ra, nhưng thực tế lại không đạt được kết quả như mong muốn mà còn nguy hại tới sức khỏe và tính mạng.
Hậu quả khôn lường
Bác sĩ Ngô Mai Xuân, Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Thanh Nhàn (Hà Nội) cho biết, đã có không ít bệnh nhân phải nhập viện cấp cứu trong tình trạng nguy hiểm, tím tái, co giật vì cơ thể bị sốc do tự ý truyền dịch. Việc tự ý sử dụng hay lạm dụng các loại thuốc bổ và dịch truyền có thể dẫn tới những hậu quả khôn lường về mặt sức khỏe.
Theo bác sĩ Xuân, thuốc bổ hay vitamin dù có lợi cho sức khỏe song trước hết, nó vẫn là một loại thuốc, chỉ dùng khi có bệnh và dùng theo đúng liều lượng với chỉ định của bác sĩ. Ngay cả các loại vitamin nhóm B, C như B1, B6, B12, C… khá lành tính và có thể tự mua về uống tại nhà nhưng vẫn phải tuân theo liều lượng hướng dẫn và tuyệt đối không được lạm dụng, sử dụng kéo dài. Những loại vitamin khác, nếu dùng tùy tiện có thể gây phản ứng phụ khó lường, chẳng hạn dùng tùy tiện vitamin D2 có thể gây sỏi thận, dùng vitamin A quá liều có thể gây ngộ độc, dùng vitamin PP không theo đúng chỉ định có thể bị dị ứng.
Đối với việc truyền dịch cần đặc biệt lưu ý là với bất cứ dịch truyền nào, dù là nước hay đạm, khoáng biển, nước hoa quả... đều có thể xảy ra các tai biến và đôi khi rất trầm trọng nguy hiểm đến tính mạng. Trước hết là nguy cơ nhiễm trùng, xuất phát từ nơi đưa thuốc vào cơ thể. Các bệnh lây nhiễm như: HIV/AIDS, viêm gan B, C... đều có thể lây nhiễm qua con đường truyền dịch, nếu việc truyền dịch bừa bãi không đúng quy cách và không được vô trùng. Hơn nữa do truyền dịch là đưa vào cơ thể một số lượng nước lớn, các chất điện giải, chất dinh dưỡng nên có thể tạo sự rối loạn về chuyển hóa gây các hiện tượng phù ở tim, thận.
Đặc biệt, dịch truyền có thể gây phản ứng toàn thân như hiện tượng sốt run hoặc gây sốc dịch truyền rất nguy hiểm. Vì vậy, khi thầy thuốc chỉ định cho dùng dịch truyền là đã có sự cân nhắc rất kỹ và quá trình truyền dịch phải có sự theo dõi chặt chẽ của y, bác sĩ để có thể xử lý kịp thời nếu tai biến xảy ra.
|
TRUNG KIÊN