Nỗi lo về kinh phí tổ chức Đại hội Thể thao châu Á lần thứ 18 (Asiad 18) tại Việt Nam lại một lần nữa được nhắc tới trong phiên giải trình trước một ủy ban của Quốc hội hồi đầu tuần này. Chưa nói tới việc nguồn tiền thực hiện từ đâu, nhưng mức chi phí cho Asiad 2019 liên tục thay đổi đã khiến nhiều người lo ngại.
Theo đề án đăng cai Asiad 2019 xây dựng năm 2010, khái toán kinh phí là 5.155 tỷ đồng. Sau đó, do không được sự đồng thuận của Bộ Tài chính, tháng 6-2012 Bộ VH-TT-DL trình Chính phủ đề án đăng cai Asiad 2019 với chi phí giảm còn 4.162 tỷ đồng (thực chi dự tính 3.149 tỷ đồng - khoảng 150 triệu USD). Và nhiều người lại phải giật mình, con số mới nhất được đưa ra để tổ chức Asiad đã nâng lên tới 5.475 tỷ đồng.
Tại phiên giải trình trên, Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL Hoàng Tuấn Anh trấn an rằng chúng ta tổ chức Asiad chỉ phải đầu tư 20%, còn 80% là tận dụng cơ sở hạ tầng sẵn có. Thế nhưng, theo đại diện Bộ Tài chính, ngay cả nếu chỉ phải đầu tư phần 20% kia thì con số chi cho nâng cấp, sửa chữa và xây công trình mới đã vào khoảng 5.800 tỷ đồng.
Đó là chưa kể tới việc một chuyên gia trong ngành thể thao thẳng thắn nhận định: 80% cơ sở vật chất hiện có chỉ là cái... xác nhà, thực tế chỉ có thể đáp ứng được 20%. Một vấn đề khác theo đề án của Bộ VH-TT-DL là 72% chi phí cho Asiad 18 sẽ huy động từ nguồn xã hội hóa. Đây quả thực là một cách nghĩ quá lạc quan, bởi trong nền thể thao Việt Nam hiện nay, mức độ xã hội hóa còn rất thấp.
Chỉ xem xét riêng 2 dự án dự kiến từ đầu tư từ nguồn xã hội hóa là trường đua xe lòng chảo (dự kiến vốn đầu tư 10.000 tỷ đồng) và làng vận động viên (vốn đầu tư trên 2.000 tỷ đồng) đã thấy tính khả thi rất có vấn đề. Dự án trường đua xe chỉ được nhà đầu tư bỏ vốn nếu Chính phủ Việt Nam cam kết cho họ tổ chức cá cược, nhưng điều này pháp luật hiện hành vẫn chưa cho phép. Làng vận động viên dự kiến khi dùng xong sẽ đem bán cũng rất không ổn trong bối cảnh thị trường bất động sản còn khó khăn.
Từ kinh nghiệm của thế giới và của chính Việt Nam trong tổ chức các đại hội thể thao lớn, dư luận có quyền nghi ngờ về con số “trong mơ” 150 triệu USD mà ngành thể thao đưa ra để chi phí cho Asiad 18. Thực tế chi phí tổ chức Asiad luôn vượt dự tính của chủ nhà. Busan (Hàn Quốc) năm 2002 đã chi tới hơn 4,2 tỷ USD để đầu tư cho Asiad 14. Năm 2006, để tổ chức Asiad Doha, Qatar đã phải chi 2,8 tỷ USD; tới Asiad Quảng Châu 2010, tổng kinh phí Trung Quốc phải bỏ ra là gần 20 tỷ USD; Asiad Incheon 2014 Hàn Quốc cũng dự tính chi 1,62 tỷ USD...
Ở Việt Nam, năm 2003 khi chúng ta tổ chức SEA Games 22, dự tính chi ban đầu là 90 triệu USD, nhưng thực tế số tiền phải chi đã đội lên tới 300 triệu USD! Bởi vậy, theo tính toán của một số chuyên gia ngành thể thao, số tiền để tổ chức Asiad tối thiểu phải gấp 7 - 8 lần con số mà Bộ VH-TT-DL dự tính, tức là khoảng 1 tỷ USD.
Đành rằng việc đăng cai tổ chức Asiad 18 là một bước khẳng định và nâng cao uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế; là cơ hội lớn để quảng bá về đất nước, con người của Việt Nam với thế giới. Tuy nhiên, với những gì mà chúng ta đã chuẩn bị, có thể thấy rằng việc đăng cai tổ chức Asiad 18 thực sự là một bài toán khó giải. Với đề án mang tính “siêu tưởng” như hiện nay, nghi ngờ của một đại biểu Quốc hội về việc “chia nhỏ tổng kinh phí dự kiến chi cho Asiad 2019 ra làm nhiều gói để dư luận không giật mình về số tiền khủng” là hoàn toàn có cơ sở.
Một điều khác là sau này chi phí cho Asiad đội lên nhiều lần thì ai sẽ là người chịu trách nhiệm? Đặc biệt, hiện nay ngân sách của quốc gia đang vô cùng khó khăn. Từ nay đến năm 2020, nhu cầu đầu tư vào cơ sở hạ tầng, vào khu vực nông nghiệp - nông thôn (là những lĩnh vực then chốt phục vụ mục tiêu tăng trưởng bền vững) của Việt Nam còn rất lớn. Nay ngân sách cũng như các nguồn lực xã hội lại phải “gồng mình” chia sẻ với một mục tiêu chưa rõ sẽ mang lại hiệu quả tới đâu là vấn đề cần được suy xét kỹ.
Chuyện Hy Lạp tiêu tốn 9 tỷ EUR cho Olympic Athen 2004, là một nguyên nhân dẫn tới suy kiệt ngân sách và vỡ nợ, chẳng phải là một bài học sao? Cũng cần nhớ rằng đến cuối năm 2013, nợ công của Việt Nam tính cả nợ của khu vực DNNN có thể đã lên đến 95% GDP (theo tính toán của nhóm tư vấn chính sách vĩ mô thuộc Ủy ban Kinh tế của Quốc hội), vượt xa ngưỡng an toàn (60% GDP) theo tiêu chuẩn quốc tế.
Bởi vậy, nhiều ý kiến cho rằng dù là một quyết định khó khăn, nhưng Việt Nam nên sớm từ bỏ quyền đăng cai tổ chức Asiad 18 để tránh “gánh nợ” cho thế hệ sau và những hậu quả lãng phí sau này.
BẢO MINH