(SGGP). - Ngày 16-1, Bộ Tài chính cho biết, theo báo cáo của 38/63 địa phương thì giá cước taxi giảm trung bình 0,92% - 26,32% (phổ biến giảm 3% - 10%); cước vận tải hành khách tuyến cố định giảm trung bình 3% - 21,7% (phổ biến giảm 5% - 10%). Tỷ lệ giảm giá của các doanh nghiệp có sự chênh lệch do các đơn vị giữ ổn định giá cước đã kê khai từ năm 2011 - 2012 thì không điều chỉnh giá hoặc tỷ lệ điều chỉnh trên dưới 1%; đối với các đơn vị kê khai giá từ năm 2013 thì tỷ lệ giảm trên dưới 10%; những đơn vị đã điều chỉnh tăng giá trong năm 2014 (giai đoạn giá xăng dầu tăng) thì tỷ lệ giảm giá sâu hơn, trên dưới 20%.
Theo đánh giá của Bộ Tài chính, nhìn chung doanh nghiệp kinh doanh vận tải đã thực hiện điều chỉnh giảm giá cước là tương đối phù hợp với mức điều chỉnh giảm giá xăng dầu. Bởi, đối với vận tải bằng ô tô, tỷ trọng chi phí nhiên liệu chiếm khoảng 25% - 35% giá thành vận tải đối với xe chạy xăng (chủ yếu là taxi), 35% - 45% đối với xe chạy dầu (chủ yếu là vận tải hành khách và hàng hóa).
Với mức giảm giá xăng dầu thời điểm hiện tại khoảng 27% so với mức giá ngày 1-1-2014 thì giá cước vận tải giảm trung bình 3% - 10% là tương đối phù hợp. Đối với vận tải hàng không nội địa, tỷ trọng chi phí nhiên liệu chiếm khoảng 39,5%, mức giảm giá trần 15%; đối với vận tải đường sắt, tỷ trọng chi phí nhiên liệu chiếm khoảng 30% giá thành, giá cước đường sắt đã điều chỉnh giảm trung bình khoảng 10%.
Bộ Tài chính cho biết sẽ cùng Bộ GTVT kiểm tra công tác quản lý và thực hiện giá cước vận tải tại một số địa phương; giám sát chặt chẽ đơn vị kinh doanh vận tải thực hiện mức giá đã kê khai, nhất là xe chạy liên tỉnh, đường dài; yêu cầu các đơn vị kinh doanh vận tải công bố công khai mức giá cho hành khách đi xe biết; xử lý nghiêm các hành vi chèn ép, đầu cơ vé tàu, vé xe; công bố công khai đơn vị, cá nhân có hành vi vi phạm và hình thức xử lý trên các phương tiện thông tin đại chúng.
NGỌC QUANG