Liên hoan Sân khấu cải lương chuyên nghiệp toàn quốc 2012 đang diễn ra tại Đồng Nai. Tại cuộc hội ngộ này, công chúng mộ điệu rất ấn tượng về những người nhiệt huyết với cải lương, vui vẻ bỏ tiền túi ra đầu tư dàn dựng chung những vở diễn dự thi.
Thực ra, việc những người mê cải lương, dám đầu tư làm cải lương đi tham dự liên hoan, hội diễn cũng đã từng xuất hiện ở Hội diễn Sân khấu cải lương chuyên nghiệp toàn quốc 2009, chứ không phải đợi đến liên hoan lần này mới có. Tuy nhiên, ở mùa Hội diễn 2009, cách làm xã hội hóa này chưa được phổ biến như kỳ liên hoan này.
Lần đó không chỉ có “bầu” trẻ Hoàng Anh Tú đầu tư vở diễn mà ngay cả chàng đạo diễn trẻ Nguyên Đạt của Trường Cao đẳng Sân khấu - Điện ảnh TPHCM lúc ấy cũng rất say mê cải lương, tự bỏ công sức, tiền của dàn dựng vở Bến nước Ngũ Bồ để dự thi. Khi hội diễn khép lại, Bến nước Ngũ Bồ là 1 trong 6 vở diễn đã đoạt huy chương bạc, còn một số diễn viên tham gia cũng đoạt huy chương vàng, huy chương bạc.
Có lẽ, từ sự thành công, tạo dấu ấn của Nguyên Đạt mà lần liên hoan này không phải chỉ có “một mình, một bóng” đạo diễn - thạc sĩ Nguyên Đạt đầu tư vở diễn Cơn hồng thủy (tác giả Nguyễn Văn Phúc, chuyển thể Võ Tử Uyên; CLB Sân khấu xã hội hóa Sen Việt - Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh TPHCM) dự thi, mà còn có cả một số nghệ sĩ trẻ cũng cùng nhau hợp sức, hùn tiền dựng vở diễn để tham dự. Trong số đó có thể kể đến các nghệ sĩ trẻ: Lê Tứ, Hà Như, Võ Thành Phê, Hoài Dương, Thanh Tâm và Minh Trường.
Trong vở cải lương Ký ức mùa xuân (Tác giả: Quốc Khánh; Đạo diễn: Nhà giáo ưu tú Diệu Đức) của Trung tâm Tổ chức biểu diễn và điện ảnh TPHCM, cả 6 tài năng trẻ này đã tự bỏ tiền túi khoảng 100 triệu đồng thực hiện để có thể thỏa niềm đam mê ca diễn cải lương của mình. Trước khi đi tham dự liên hoan, trong hai tối 4-10 và 14-10, vở diễn đã được Trung tâm Tổ chức biểu diễn và điện ảnh TPHCM tạo điều kiện về âm thanh, ánh sáng, sân khấu để biểu diễn trong chương trình Làn điệu phương Nam tại Nhà hát thành phố. Đông đảo công chúng đón nhận và ủng hộ hết lòng.
Phó Giám đốc Trung tâm Tổ chức biểu diễn và điện ảnh TPHCM Hữu Luân phấn khởi cho biết: “Trong tình hình khó khăn của cải lương hiện nay mà có được những nghệ sĩ trẻ lại tâm huyết với nghề như thế là rất đáng quý. Cho nên chúng tôi sẽ tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ các diễn viên này thi thố tài năng nghệ thuật và rèn nghề tại Liên hoan sân khấu cải lương chuyên nghiệp toàn quốc 2012 được tốt nhất”.
Còn với NSƯT Hoàng Nhứt, chàng trai ở Cà Mau, lần này anh cũng mạo hiểm khi đầu tư tiền của thực hiện vở Tiếng chim rừng (tác giả, đạo diễn Trần Văn Hưng, chuyển thể cải lương Hà Nam Quang) để đại diện CLB Sân khấu Thể nghiệm 5B Võ Văn Tần - TPHCM dự thi.
Có thể nói, với những cách làm xã hội hóa vở diễn dự liên hoan như kể trên rất đáng khích lệ và nhân rộng. Một số nghệ sĩ chia sẻ, việc làm này có thể áp dụng đối với các đơn vị nghệ thuật công lập một cách dễ dàng, nếu như các “đầu tàu” linh động, biết vận dụng sự ủng hộ của các nghệ sĩ, không thụ động chờ sự đầu tư kinh phí của Nhà nước.
VÂN AN