Bố trí dân cư phòng tránh thiên tai tại TPHCM: Hình thành các điểm dân cư mới

Theo đề án Quy hoạch bố trí dân cư phòng tránh thiên tai trên địa bàn TP giai đoạn 2011 - 2015 và định hướng đến năm 2020 mà UBND TPHCM vừa phê duyệt, từ nay đến năm 2016, TP sẽ ưu tiên tiến hành di dời, bố trí dân cư phòng tránh thiên tai tại các khu vực nguy hiểm và đặc biệt nguy hiểm, triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ dân sinh; không còn trường hợp nhà lấn chiếm ven sông, biển sạt lở cần phải di dời khẩn cấp. Tầm nhìn đến năm 2020 sẽ gắn kết với chương trình mục tiêu xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm để từng bước ổn định và nâng cao chất lượng đời sống người dân sau tái định cư (TĐC).
Bố trí dân cư phòng tránh thiên tai tại TPHCM: Hình thành các điểm dân cư mới

Theo đề án Quy hoạch bố trí dân cư phòng tránh thiên tai trên địa bàn TP giai đoạn 2011 - 2015 và định hướng đến năm 2020 mà UBND TPHCM vừa phê duyệt, từ nay đến năm 2016, TP sẽ ưu tiên tiến hành di dời, bố trí dân cư phòng tránh thiên tai tại các khu vực nguy hiểm và đặc biệt nguy hiểm, triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ dân sinh; không còn trường hợp nhà lấn chiếm ven sông, biển sạt lở cần phải di dời khẩn cấp. Tầm nhìn đến năm 2020 sẽ gắn kết với chương trình mục tiêu xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm để từng bước ổn định và nâng cao chất lượng đời sống người dân sau tái định cư (TĐC).

        Khẩn cấp di dời, bố trí cho 1.294 hộ dân

Trên địa bàn TPHCM hiện có 62 vị trí có nguy cơ sạt lở, trong đó có 29 vị trí đặc biệt nguy hiểm tại các quận 2, 8, Bình Thạnh, Thủ Đức và các huyện Nhà Bè, Bình Chánh; 18 vị trí nguy hiểm tại các quận 2, Bình Thạnh, Thủ Đức và các huyện Nhà Bè, Cần Giờ; 15 vị trí bình thường tại các quận 9, 12 và các huyện Củ Chi, Nhà Bè, Cần Giờ.

Báo cáo mới nhất từ Khu Quản lý đường thủy nội địa, trong 62 vị trí sạt lở trên, có 38 vị trí đã được UBND TP chấp thuận chủ trương đầu tư xây dựng bờ kè chống sạt lở do Khu Quản lý đường thủy nội địa và UBND các quận-huyện làm chủ đầu tư với hơn 27km. Còn lại 24 vị trí chưa có chủ trương đầu tư.

Trong số này, có 7 vị trí đặc biệt nguy hiểm cần cấp bách đầu tư xây dựng kè phòng chống sạt lở lẽ ra phải thực hiện từ năm 2012 và 17 vị trí nguy hiểm còn lại đề xuất đầu tư xây dựng kè trong giai đoạn từ 2013 đến 2016, tập trung trên địa bàn 6 quận, huyện: 2, Bình Thạnh, Thủ Đức, Nhà Bè, Bình Chánh và Cần Giờ.

Để đầu tư xây dựng bờ kè chống sạt lở tại 24 vị trí chưa có chủ trương đầu tư, trong giai đoạn 2014 - 2016, có 1.294 hộ dân với 5.075 nhân khẩu cần thực hiện di dời và bố trí TĐC. Trong 1.294 hộ dân này, có 400 hộ với 1.566 nhân khẩu tại đảo Thạnh An huyện Cần Giờ phải di dời phòng chống bão xa, 894 hộ với 3.509 nhân khẩu còn lại phải di dời do sạt lở tại đất ven sông và kênh rạch trên địa bàn các quận huyện.

Đến năm 2016 TPHCM sẽ không còn nhà lấn chiếm ven sông phải di dời khẩn cấp. (Ảnh: Một khu nhà ven sông tại quận 2).

Đến năm 2016 TPHCM sẽ không còn nhà lấn chiếm ven sông phải di dời khẩn cấp. (Ảnh: Một khu nhà ven sông tại quận 2).

Theo quan điểm của TP, việc bố trí dân cư phòng chống thiên tai phải phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của TP và từng quận - huyện gắn liền với xây dựng nông thôn mới tại các xã. Tùy theo tình hình thực tế tại mỗi địa phương có thể bố trí các điểm dân cư mới hoặc xen ghép, tránh không gây biến động lớn trong đời sống nhân dân.

Bên cạnh đó, TP cũng yêu cầu việc bố trí ổn định dân cư thực hiện chủ yếu trên địa bàn TPHCM, ưu tiên phương án di dời, bố trí tại địa bàn nội bộ xã để thuận tiện cho việc đi lại của người dân, đồng thời hạn chế sự xáo trộn trong hoạt động sản xuất và cuộc sống của người dân. Ngoài ra, người dân được TĐC cũng có thể sản xuất trên đất cũ với ngành nghề đã làm trước đó.

        Gần 146 tỷ đồng hỗ trợ di dời và bố trí

Theo đề án được duyệt, người dân di dời được giao đất từ 50 - 150m²/hộ (bình quân 100m²/hộ) tùy theo tình hình thực tế của địa phương và do UBND quận - huyện quyết định. Việc bố trí TĐC cho dân sẽ tận dụng ao hồ, đất trũng nhằm tránh xáo trộn về sản xuất của các hộ dân. Các hộ dân di dời theo đề án được miễn tiền sử dụng đất. Cụ thể, đối với các hộ dân di dời phòng tránh bão từ xa được cấp đất xây dựng nhà theo quy hoạch. Đối với các hộ dân di dời do sạt lở được cân đối giải quyết quỹ nhà, đất tùy từng trường hợp.

Ngoài ra, tất cả các trường hợp di dời theo đề án cũng được xây dựng hạ tầng tại nơi TĐC và được hỗ trợ tiền di dời đến nơi ở mới là 20 triệu đồng/hộ và trợ cấp khắc phục thiên tai là 20 triệu đồng/hộ. Dự kiến tổng nhu cầu vốn đầu tư cho việc di dời bố trí dân cư phòng chống thiên tai giai đoạn 2014 - 2016 gần 146 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách TP. Trong đó, định mức cho 1 hộ dân di dời từ 90 - 120 triệu đồng/hộ bao gồm mức đầu tư cơ sở hạ tầng; hỗ trợ di dời và trợ cấp khắc phục thiên tai.

Các hộ dân di dời theo đề án này được thực hiện các chính sách đền bù theo quy định tại Nghị định 69/2009 của Chính phủ. Những hộ dân được nhận tiền đền bù thuộc các dự án đã được UBND TP phê duyệt sẽ thực hiện theo nội dung dự án được duyệt.

Theo đó, những hộ nhận đền bù phải đảm bảo đủ các điều kiện theo quy định và không được hưởng chính sách hỗ trợ di dời theo quy định của đề án được duyệt. Ngoài ra, các hộ dân di dời còn được hỗ trợ kinh phí đào tạo nghề với mức 500.000 đồng/lao động và không quá 3 triệu đồng/lao động/khóa học nghề.

7 dự án ưu tiên đầu tư trong giai đoạn 2014-2020

Di dời bố trí 788 hộ dân huyện Cần Giờ (thời gian thực hiện 2014 - 2016); Di dời 232 hộ dân sống trong vùng có nguy cơ sạt lở cao tại huyện Nhà Bè (2014); Di dời 108 hộ sống trong vùng có nguy cơ sạt lở cao tại huyện Bình Chánh (2014); Di dời 51 hộ sống trong vùng có nguy cơ sạt lở cao tại quận Bình Thạnh (2014); Di dời 44 hộ sống trong vùng có nguy cơ sạt lở cao tại quận Thủ Đức (2015); Di dời 71 hộ sống trong vùng có nguy cơ sạt lở cao tại quận 2 (2014); Hỗ trợ phát triển sản xuất, ổn định dân cư, cải thiện nâng cao chất lượng, môi trường TĐC cho các hộ dân di dời phòng chống thiên tai trên địa bàn TP (2014 - 2016 và tiếp tục thực hiện đến năm 2020).

MINH HUY

Tin cùng chuyên mục