Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn: Không bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT

Theo Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn: “Bộ GD-ĐT đang xây dựng ngân hàng đề lớn hơn, đáp ứng việc tổ chức thi linh hoạt, nhiều đợt thi hơn, thậm chí có thể mỗi địa phương một kế hoạch thi. Nếu tổ chức kỳ thi theo cách này thì công tác tổ chức thi sẽ có nhiều khó khăn, tốt nhất vẫn là tổ chức một đợt thi hoặc một nhóm địa phương một đợt”.

Chiều 11-11, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn tiếp tục trả lời chất vấn các đại biểu Quốc hội (ĐBQH).

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn: Không bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT ảnh 1 Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn trả lời chất vấn. Ảnh: VIẾT CHUNG

ĐB Phúc Bình Niê KDăm (Đắk Lắk) đặt câu hỏi về cơ chế, chính sách, giải pháp hỗ trợ cơ sở giáo dục, đặc biệt bậc mầm non, để các cơ sở giáo dục ngoài công lập vượt qua giai đoạn khó khăn do dịch Covid-19.

Bộ trưởng cho rằng, do dịch bệnh, hệ thống các trường tư thục, đặc biệt bậc mầm non, chịu ảnh hưởng nghiêm trọng. Trường mầm non đang đảm nhận việc nuôi dạy 22,3% số trẻ trong độ tuổi đến trường, có 90.500 người lao động trong hệ thống này, hơn 9.000 cơ sở. Nhiều cơ sở đóng cửa, sang tên. Người lao động chuyển việc.

Theo tính toán, khoảng 1,2 triệu trẻ mầm non có nguy cơ không có chỗ học. Nhiều phụ huynh phải ở nhà trông con, không đi làm, ảnh hưởng nguồn nhân lực. Bộ GD-ĐT đã tính toán, có cơ sở dữ liệu, số lượng người lao động chịu ảnh hưởng xây dựng phương án đề xuất gói hỗ trợ hơn 800 tỷ đồng, trình Chính phủ xem xét. Bên cạnh đó là các cơ chế hỗ trợ vay vốn, thuế… cho cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập.

Một chất vấn đáng chú ý khác là của ĐB Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho rằng, hiện nay, nhiều trường đại học đào tạo tràn lan, tranh thủ thu hút sinh viên. Nhưng nhiều sinh viên ra trường phải giấu bằng cấp để tìm việc hoặc việc làm trái với ngành học. ĐB đặt vấn đề, nên chăng, các trường phải cam kết sinh viên có việc làm khi ra trường? 
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn: Không bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT ảnh 2 ĐB Phạm Văn Hòa (tỉnh Đồng Tháp). Ảnh: VIẾT CHUNG

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng khó để các trường đại học cam kết việc làm cho sinh viên. Các trường đại học đã phối hợp doanh nghiệp để dự báo nhân lực, cùng đào tạo nhưng quyền tuyển dụng là trong tay doanh nghiệp. Doanh nghiệp cũng không dám đặt bút ký cam kết sử dụng bao nhiêu sinh viên của một trường. Yêu cầu các trường phải cam kết sinh viên có việc làm khi ra trường là việc rất khó.

ĐB Phạm Văn Hòa cũng cho rằng, kỳ thi tốt nghiệp THPT vốn đã bị xã hội phàn nàn nhiều, trong hoàn cảnh dịch hiện nay, nên chăng bỏ kỳ thi?

Theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, kỳ thi tốt nghiệp THPT đã được luật hóa. Kỳ thi có tác dụng đánh giá kết quả học tập của học sinh và đây vẫn là căn cứ để các trường đại học tuyển sinh. Sau quá trình đổi mới kỳ thi, năm 2022, Bộ GD-ĐT sẽ có phương án để tổ chức kỳ thi linh hoạt hơn, trọng đó có cả việc căn cứ tình hình dịch bệnh.

“Bộ GD-ĐT đang xây dựng ngân hàng đề lớn hơn, đáp ứng việc tổ chức thi linh hoạt, nhiều đợt thi hơn, thậm chí có thể mỗi địa phương một kế hoạch thi. Nếu tổ chức kỳ thi theo cách này thì công tác tổ chức thi sẽ có nhiều khó khăn, tốt nhất vẫn là tổ chức một đợt thi hoặc một nhóm địa phương một đợt”, Bộ trưởng nói.

Trở lại vấn đề học trực tuyến hiện nay còn nhiều khó khăn, ĐB Huỳnh Thanh Phương (tỉnh Tây Ninh) đề xuất nên chăng lùi lại một năm học, coi như năm nay là dự bị, kết quả đánh giá để năm học sau.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn trả lời việc học trực tuyến còn nhiều khó khăn, trong quá trình thực hiện cần điều chỉnh và hoàn thiện là điều khó tránh khỏi. Nhưng không vì thế mà không triển khai đánh giá. Học đến đâu cần kiểm tra đánh giá đến đó, tính đến tác động của khó khăn và biết tình hình học một năm. Còn việc bồi dưỡng, bồi đắp kiến thức cho lứa học sinh thiệt thòi là công việc của nhiều năm. 

Tin cùng chuyên mục